Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nhau thai bám mặt sau nhóm 3 là tình trạng nhau thai bám thấp trên thành tử cung. Tùy thuộc vào từng triệu chứng, tuần thai, sức khỏe của mẹ và bé mà các bác sĩ có chỉ định và chăm sóc y tế phù hợp. Vậy nhau bám mặt sau nhóm 3 là gì và nhau bám mặt sau nhóm 3 có nguy hiểm không? Hãy theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời.
1. Nhau bám mặt sau nhóm 3 là gì?
Nhau thai phát triển cùng lúc với em bé và được gắn vào niêm mạc tử cung (dạ con) của bạn khi mang thai. Nó cho phép oxy và chất dinh dưỡng truyền từ bạn sang em bé, cũng như sản xuất các hormone hỗ trợ quá trình mang thai của bạn.
Noãn (trứng) đã thụ tinh làm tổ vào niêm mạc tử cung và nhau thai phát triển từ đó. Quá trình mang thai tiến triển, em bé và nhau thai tăng kích thước, theo đó tử cung sẽ mở rộng và ảnh hưởng đến vị trí của nhau thai. Khu vực nhau thai bám thường kéo dài lên trên, di chuyển nhau thai ra khỏi cổ tử cung. Vậy nhau bám mặt sau nhóm 3 là gì?
Cách gọi nhau bám mặt sau nhóm 3 xuất phát từ hệ thống phân loại vị trí bám bánh rau trên siêu âm dưới đây:
Nhau bám mặt trước tử cung:
- Nhóm I: Mép trên của nhau thai bám ở 1⁄4 sau trên;
- Nhóm II: Mép trên của nhau thai bám ở 1⁄4 trước trên;
- Nhóm III: Mép trên của nhau thai bám ở 1⁄4 trước dưới.
Nhau bám mặt sau tử cung:
- Nhóm I: Mép trên của nhau thai bám ở 1⁄4 trước trên;
- Nhóm II: Mép trên của nhau thai bám ở 1⁄4 sau trên;
- Nhóm III: Mép trên của nhau thai bám ở 1⁄4 sau dưới.
Vậy nhau bám mặt sau nhóm 3 là nhau có mép trên bám ở 1/4 sau dưới mặt sau tử cung. Vị trí của nhau thai sẽ được ghi lại khi bạn siêu âm tuần 18-22 . Nếu nhau thai thấp đáng kể, bạn sẽ được siêu âm thêm vào cuối thai kỳ (thường vào khoảng tuần thứ 32, 36) để kiểm tra lại vị trí của nó. Đối với hầu hết phụ nữ, nhau thai sẽ di chuyển lên phần trên của tử cung vào giai đoạn này nên bạn không cần quá lo lắng nếu có kết quả nhau bám mặt sau nhóm 3.
Ở tuần thứ 35 trở đi, các trường hợp nhau thai che phủ lỗ trong cổ tử cung hoặc khoảng cách từ mép bánh nhau và lỗ trong cổ tử cung nhỏ hơn 1cm được chẩn đoán là nhau bám thấp hay nhau tiền đạo và bạn có thể cần được theo dõi y tế và tư vấn kế hoạch sinh phù hợp.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của nhau bám mặt sau nhóm 3
Không có nguyên nhân rõ ràng cho nhau bám thấp nói chung cũng như nhau bám mặt sau nhóm 3 nói riêng. Tuy nhiên, có một vài yếu tố nguy cơ đã được nghiên cứu gây ra tình trạng này gồm:
- Đa thai ( thai kỳ với nhiều hơn một thai nhi)
- Tiền thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật trên tử cung như mổ lấy thai, nạo phá thai, bóc tách nhân xơ ở tử cung,...
- Người mẹ lớn tuổi (trên 35 tuổi)
- Từng bị sẩy thai, nhau tiền đạo
- Tử cung có bất thường về hình thái
- Sinh đẻ nhiều lần
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác: hút thuốc lá, sử dụng cocaine,...
3. Nhau bám mặt sau nhóm 3 có nguy hiểm không?
3.1. Đối với người mẹ
Đối với người mẹ, nhau bám mặt sau nhóm 3 có thể gây ra một số tình trạng nguy hiểm như sau:
- Thiếu máu: người mẹ có thể bị chảy máu nhiều trong suốt thai kỳ và sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu thai kỳ.
- Mất máu nhiều khi sinh: Khi chuyển dạ, các cơ ở phần dưới tử cung (cổ tử cung) sẽ giãn ra nhưng nhau thai lại không giãn hết dẫn đến hiện tượng bánh nhau bóc tách sớm ra khỏi tử cung làm người mẹ mất máu nhiều và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nhau thai bám mặt sau nhóm 3 được bóc tách sau phẫu thuật mổ lấy thai vẫn có thể gây chảy máu nhiều dẫn đến nhiễm trùng cho người mẹ. Trường hợp xuất huyết nặng không cầm được có thể phải cắt bỏ tử cung.
- Tăng nguy cơ sinh mổ: Với các trường hợp nhau thai bám thấp che hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai chủ động để hạn chế các tai biến sản khoa có thể xảy ra đến mức thấp nhất. Các trường hợp còn lại có thể cân nhắc theo dõi chờ đến lúc chuyển dạ.
- Sốc mất máu: do người mẹ bị mất máu lượng lớn và khó kiểm soát.
3.2 Đối với thai nhi
- Thai nhi chậm phát triển: Tình trạng chảy máu trong thai kỳ do nhau bám thấp gây ra khiến người mẹ bị thiếu máu, từ đó thai nhi sẽ chậm phát triển hoặc thậm chí suy thai.
- Sinh non tháng: Khi người mẹ bị xuất huyết quá nhiều, các bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai ở bất kỳ tuổi thai nào. Trẻ sinh non có thể mắc vấn đề sức khỏe chẳng hạn như suy hô hấp, thiếu cân...
- Trẻ sinh ra có thể bị thiếu oxy gây tổn thương não lớn và tử vong.
Ngôi thai không thuận: Một số ý kiến cho rằng nhau thai bám thấp sẽ khiến cho thai nhi không thể quay đầu về vị trí thuận như tự nhiên.
4. Có cách nào điều trị nhau thai bám thấp không?
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho tình trạng nhau bám thấp. Người mẹ có nhau bám thấp sẽ được định kỳ thăm khám và siêu âm để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai, nhau thai, cũng các biến chứng kèm theo để đảm bảo thai kỳ an toàn.
Dựa vào lượng máu chảy ra, tuổi thai, sức khỏe của thai nhi, vị trí bám của bánh rau và em bé mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị biến chứng chảy máu do nhau bám thấp gây ra. Cụ thể
4.1. Không hoặc ít chảy máu
Với trường hợp này, bác sĩ thường sẽ đề nghị sản phụ nghỉ ngơi tại giường, chỉ nên đứng, ngồi khi thật cần thiết, tránh vận động thể chất và quan hệ tình dục. Nếu nhận thấy tình trạng chảy máu không thuyên giảm hoặc trở nên nặng thì sản phụ nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được chăm sóc y tế.
4.2. Chảy máu nặng
Trường hợp người mẹ bị chảy máu nặng và thai nhi chưa được 36 tuần tuổi, bạn sẽ được chỉ định cho nhập viện để chăm sóc sức khỏe và theo dõi xử trí kịp thời. Tùy vào lượng máu mất đi mà bạn có thể cần truyền máu hoặc không. Với một số trường hợp cụ thể, bạn có thể dùng thêm thuốc để ngăn ngừa sự chuyển dạ sớm.
Nếu thai nhi đã đạt 36 tuần tuổi, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé thì các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật lấy thai. Nếu phải sinh sớm, em bé có thể phải tiêm thuốc trưởng thành phổi tránh nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sinh thiếu tháng.
4.3. Chảy máu không kiểm soát
Đây là tình trạng phải chỉ định sinh mổ khẩn cấp. Vì thế, sản phụ cần chú ý các dấu hiệu bất thường để đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp mẹ giải đáp được những thắc mắc nhau bám mặt sau nhóm 3 là gì và nhau bám mặt sau nhóm 3 có nguy hiểm không? Đây là một tình trạng y tế tương đối nguy hiểm. Do đó, trong quá trình mang thai mẹ cần chú ý, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì mẹ nên sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị. Đặc biệt cần tuân thủ đúng lịch khám thai định kỳ và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.