Nhận diện trầm cảm sau sinh - bệnh này có thể tự khỏi không?

Bài viết được tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ, đặc biệt là sự phát triển về thể chất và tinh thần ở trẻ. Trường hợp tình trạng bệnh diễn biến nặng, người phụ nữ sẽ không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình gây ra hành vi bạo lực trẻ ngay sau khi sinh.

1. Buồn chán sau sinh là gì?

Ở một số phụ nữ, sau khi sinh khoảng 2-3 ngày sẽ xuất hiện cảm giác chán nản, lo âu, thất vọng, hay tức giận với những người xung quanh. Một số biểu hiện khác như:

  • Khóc không rõ lý do.
  • Khó ngủ, khó ăn, khó đưa ra các quyết định.
  • Không tin tưởng khả năng có thể che chở, bảo vệ, chăm sóc cho con.

Những cảm xúc này thường được gọi là “postpartum blues” - cảm giác buồn chán sau sinh, có thể nhanh chóng tự biến mất sau khi sinh một vài ngày.


Khó ngủ, dễ khóc là dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ sau sinh
Khó ngủ, dễ khóc là dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ sau sinh

2. Cảm giác buồn chán sau sinh thường kéo dài bao lâu?

Cảm giác buồn chán sau sinh thường tự cải thiện trong khoảng từ vài ngày cho tới 1-2 tuần sau sinh mà không cần điều trị.

3. Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến những cảm xúc rất mạnh như buồn, lo lắng, tuyệt vọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

4. Trầm cảm sau sinh xảy ra khi nào?

Trầm cảm sau sinh thường gặp nhất vào thời điểm sau khi sinh em bé khoảng 1-3 tuần, nhưng cũng có thể xuất hiện từ sau khi sinh cho tới 1 năm sau sinh.

5. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh?

Trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện do sự kết hợp của nhiều hơn một nguyên nhân dưới đây:

  • Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể: Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogenprogesterone trong cơ thể giảm mạnh, từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
  • Có bệnh sử bị trầm cảm: Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.
  • Yếu tố cảm xúc: Mang thai không theo kế hoạch hay ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ trong thai kỳ. Một số bà bầu mang thai đúng theo kế hoạch vẫn cần một khoảng thời gian dài để thích nghi với việc sẽ có em bé. Người mẹ có thể trải qua những cảm xúc như buồn, giận, đổ lỗi cho bản thân khi bé có vấn đề về sức khỏe hoặc phải điều trị dài ngày trong bệnh viện. Những cảm xúc làm ảnh hưởng đến tự tin và gây áp lực lên người mẹ có thể là một trong những nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm.
  • Mệt mỏi: Rất nhiều phụ nữ cảm thấy vô cùng mệt mỏi sau khi sinh, họ phải mất hàng tuần trời để sức khỏe và năng lượng hồi phục trở lại. Ở những sản phụ sinh con theo phương pháp mổ lấy thai, thời gian hồi phục có thể còn dài hơn.
  • Yếu tố đời sống: Thiếu sự giúp đỡ của người thân. Trải qua sự kiện căng thẳng như có người thân vừa qua đời, người thân trong gia đình mắc bệnh, thay đổi nơi ở, cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

6. Nếu nghi ngờ mắc chứng trầm cảm sau sinh, khi nào nên tham vấn bác sĩ?

Nếu gia đình hoặc chính bản thân lo lắng mình mắc chứng trầm cảm sau sinh, không nên chờ tới lịch khám hậu sản, hãy tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

7. Điều trị trầm cảm sau sinh?

Có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm để điều trị trầm cảm sau sinh, thường kết hợp với liệu pháp điều trị tư vấn.


Có thể dùng thuốc chống trầm cảm sau sinh khi được sự cho phép của bác sĩ
Có thể dùng thuốc chống trầm cảm sau sinh khi được sự cho phép của bác sĩ

8. Thuốc chống trầm cảm là gì?

Thuốc chống trầm cảm, gồm nhiều loại, đôi khi được sử dụng kết hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả, là những loại thuốc có tác dụng cân bằng các chất hóa học có nhiệm vụ điều khiển tâm trạng trong não. Tình trạng trầm cảm thường cải thiện sau khoảng 3-4 tuần sử dụng thuốc.

9. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ hay không?

Có thể có. Song, hầu hết tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm chỉ là tạm thời và sẽ mất đi sau một thời gian ngắn. Trong trường hợp nặng hoặc bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để đổi sang loại thuốc chống trầm cảm khác. Nếu ngay sau khi bắt đầu sử dụng thuốc, trầm cảm diễn tiến nặng hơn, hoặc người bệnh có suy nghĩ làm tổn thương bản thân hay người khác, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đội ngũ cấp cứu.

10. Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ, thuốc chống trầm cảm có hấp thụ vào em bé?

Nhìn chung, thuốc chống trầm cảm có thể hấp thụ vào em bé, với nồng độ thấp, nếu người mẹ đang cho con bú. Việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé, bởi vậy, cần cân nhắc kỹ lợi – hại khi lựa chọn sử dụng thuốc. Lời khuyên tốt nhất dành cho nên tham khảo với bác sĩ điều trị.

11. Liệu pháp điều trị tư vấn diễn ra như thế nào?

Trong buổi điều trị tư vấn (còn gọi là tâm lý trị liệu), người bệnh sẽ trò chuyện và thảo luận cùng bác sĩ trị liệu về những cảm xúc và cách điều khiển cảm xúc. Một liệu trình trị liệu có khi kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc hơn.

12. Phân loại liệu pháp điều trị tư vấn?

Có thể lựa chọn liệu pháp cá nhân (trò chuyện một - một với bác sĩ trị liệu) hoặc liệu pháp nhóm (trò chuyện cùng bác sĩ trị liệu và những người gặp phải vấn đề tương tự). Liệu pháp cho gia đình (trò chuyện cùng bác sĩ trị liệu và một hoặc nhiều thành viên trong gia đình), liệu pháp cho cặp đôi (trò chuyện cùng bác sĩ trị liệu và chồng), là một vài lựa chọn khác.

13. Làm gì để phòng tránh trầm cảm sau sinh ở những phụ nữ có tiền sử trầm cảm?

Bác sĩ điều trị cần nắm được các thông tin về tiền sử trầm cảm, thuốc chống trầm cảm của sản phụ ngay từ trong thai kỳ, lý tưởng nhất là thời điểm trước khi mang thai. Thai phụ có thể được khuyên bắt đầu điều trị ngay sau khi sinh để đề phòng trầm cảm sau sinh. Thai phụ sử dụng thuốc chống trầm cảm trước khi mang thai cần được bác sĩ tư vấn, đánh giá và quyết định có tiếp tục sử dụng thuốc trong thai kỳ hay không.

14. Hỗ trợ đối phó với trầm cảm sau sinh?

Có thể tìm kiếm tổ chức hỗ trợ đối phó trầm cảm sau sinh tại các bệnh viện, phòng khám kế hoạch kế hoạch hóa gia đình, trung tâm cộng đồng. Nhờ bệnh viện nơi sản phụ sinh bé giúp đỡ tìm kiếm thông tin các tổ chức hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org, Medline Plus, Postpartum Support International, National Women’s Health Information Center

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe