Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thai chậm phát triển trong tử cung có thể dẫn tới sinh non, sảy thai, trẻ sinh dễ mắc bệnh và các khuyết tật hơn so với các trẻ sơ sinh khác. Do đó, phát hiện và có các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc cho cả người mẹ và thai nhi.
1. Thai chậm phát triển trong tử cung là gì ?
Trong thực tế, khái niệm thai chậm phát triển trong tử cung bao gồm trọng lượng thai tại thời điểm thăm khám và sự phát triển của thai. Để xác định thai thực sự có chậm phát triển hoặc ngừng phát triển thì phải đo kích thước và ước lượng trọng lượng thai ở ít nhất 2 lần thăm khám liên tiếp cách nhau 01 tuần. Tùy từng tác giả, tùy từng nhóm nghiên cứu mà giới hạn của thai chậm phát triển trong tử cung thay đổi, nằm dưới đường bách phân vị thứ 10, thứ 5 hoặc thứ 3.
2. Các phương pháp nhận biết thai chậm phát triển trong tử cung
Chẩn đoán sớm thai chậm phát triển trong tử cung giúp đưa ra các biện pháp xử trí phù hợp, hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, có các phương pháp giúp nhận diện thai chậm phát triển trong tử cung, gồm:
- Triệu chứng lâm sàng: Bệnh không có dấu hiệu đặc trưng do đó rất khó để chẩn đoán bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng
- Siêu âm: Là phương pháp hiệu quả giúp chẩn đoán bệnh. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ so sánh đối chiếu các số đo sinh học của thai nhi với số đo chuẩn để đánh giá thai chậm phát triển trong tử cung cân đối hay không cân đối
- Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh: có tới 70% các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có kích thước đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn so với tuổi thai
- Chỉ số chu vi bụng: Đây là một chỉ số thường được sử dụng nhất để dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung. Chỉ số chu vi bụng có giá trị dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung cao hơn chỉ số đường kính lưỡng kính, chu vi đầu và chiều dài xương đùi. Trong một số trường hợp người mẹ không nhớ chính xác ngày kinh nên không thể xác định được tuổi thai, nếu tốc độ tăng của chu vi bụng dưới 10 mm trong 15 ngày thì có thể nghĩ tới thai chậm phát triển trong tử cung.
- Chỉ số chiều dài xương đùi: Chỉ số này không có giá trị đặc biệt trong chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
- Tình trạng nước ối: vì có tới khoảng 70% các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có tình trạng thiểu ối
- Độ trưởng thành bánh rau: Không có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
- Ước lượng trọng lượng thai rất khó để có một công thức tính chính xác trọng lượng thai nhi trong tử cung, chúng ta chỉ có thể ƣớc đoán trọng lượng thai trong khoảng cộng trừ 10 % của giá trị trung bình, đối chiếu với biểu đồ phát triển trọng lượng thai theo tuổi thai để chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
- Chỉ số Doppler động mạch: có 2 trường hợp sau:
- Doppler động mạch rốn và động mạch tử cung bình thường : trường hợp này thai chậm phát triển trong tử cung có thể do bất thường NST và ở thời kỳ chu sinh cũng ít có nguy cơ biến chứng xảy ra
- Doppler động mạch tử cung bất thường: trường hợp này thai chậm phát triển trong tử cung do bệnh lý hệ tuần hoàn của người mẹ. Thai phụ có kết quả Doppler động mạch bất thường có nguy cơ cao bị tiền sản giật và rối loạn tăng huyết áp trong các tháng cuối, làm thai chậm phát triển trong tử cung và có khả năng chết lưu trong tử cung.
3. Xử trí tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị thai chậm phát triển trong tử cung, chủ yếu vẫn là thường xuyên kiểm tra, theo dõi và can thiệp khi cần thiết. Người mẹ có thai chậm phát triển cần nghỉ ngơi, thư giãn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Các bác sĩ sẽ thực hiện các test để tìm ra nguyên nhân thai chậm phát triển. Nếu bất thường do nhiễm sắc thể, đa dị tật thì nên chỉ định đình chỉ thai nghén. Việc đình chỉ thai nghén còn được cân nhắc trong một số trường hợp sau:
- Thai trên 31 tuần tuổi có nhịp tim thai dao động kém, dao động độ không liên tục qua một số lần theo dõi, nhịp chậm đơn độc, kéo dài, lặp lại nhiều lần
- Thai từ 34 tuần tuổi có kết quả Doppler động mạch rốn với dòng tâm trương bằng không và bất thường Doppler động mạch não, thai có biểu hiện ngừng tiến triển
- Thai từ 37 tuần tuổi có bất thường Doppler động mạch rốn, động mạch não, monitor.
Khi sinh nếu không có chống chỉ định hay không thuộc các trường hợp suy thai, thiểu ối, ngôi ngược, rau bám thấp... có thể được chỉ định sinh mổ và luôn phải có bác sĩ hồi sức sơ sinh tham gia vào cuộc phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.