Nhận biết và điều trị viêm xơ tuyến vú

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Viêm xơ tuyến vú là tình trạng tổn thương lành tính khiến cho ngực có nhiều u cục kèm theo cảm giác đau. Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn hormone ở nữ giới độ tuổi trung niên. Vậy viêm xơ tuyến vú là gì và cách chữa ra sao?

1. Cách nhận biết viêm xơ tuyến vú là gì?

1.1. Đau vú

Trên lâm sàng, phụ nữ bị viêm xơ tuyến vú thường đi khám khi có triệu chứng đau vú với những đặc điểm điển hình như:

  • Xuất hiện theo chu kỳ, cụ thể là khoảng 8 ngày trước khi hành kinh, đang trong thời kỳ kinh nguyệt, và biến mất sau ngày nguyệt san;
  • Đặc biệt xảy ra phổ biến ở chị em độ tuổi tiền mãn kinh;
  • Có thể đau 1 hoặc cả 2 vú, thường gặp ở phần trên bên ngoài vú và lan ra hai cánh tay;
  • Có trường hợp đau nhẹ 1 tuần trước ngày có kinh, đau ít hơn khi hành kinh;
  • Hoặc đôi khi đau liên tục kéo dài cả tháng, đến gần ngày có kinh thì tăng mức độ do những thay đổi hormone, và đau ít hơn khi có kinh.
  • Đi kèm với cảm giác đau là căng cứng cả 2 vú, đau mức độ nặng có thể khiến bệnh nhân không dám động chạm vào vú hay mặc áo ngực.

1.2. Cục u xơ

Ngoài đau vú, bệnh nhân còn tự sờ thấy u vú hoặc các đám lổn nhổn không đều trong ngực của mình. Điều đáng mừng là các chuyên gia ung bướu hiện nay cho rằng các khối u của bệnh viêm xơ tuyến vú khá lành tính. Những u nang khi sờ sẽ phát hiện điểm đặc trưng sau:

  • Vị trí: Xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên vú, nằm ở 1/4 phía trên bên ngoài và phần dưới vú.
  • Hình dạng: Khối u tròn, hơi cứng và có giới hạn rõ. Đối với những mảng cứng và gây đau trên vú thì giới hạn không rõ, biến mất sau hành kinh.
  • Đặc tính: Đa phần có thể di chuyển, nhưng đôi khi các khối u cũng dễ dàng nằm cố định ở một chỗ nếu có nhiều mô xơ.
  • Kích cỡ: Có xu hướng dao động về kích thước trong tháng. Cụ thể, xơ nang thường to ra và đau nhiều hơn trước khi có kinh khoảng 1 tuần.
  • Mức độ đau: Cục u xơ tạo cảm giác căng tức, đau khi sờ nắn. Đôi khi bệnh nhân cũng có thể bị đau dưới cánh tay, thậm chí là hạn chế cả cử động tay.

1.3. Các triệu chứng khác

Chị em bị bệnh viêm xơ tuyến vú có còn các biểu hiện khác như sưng, vú nhạy cảm và dày mô vú. Bên cạnh đó, một số trường hợp sẽ bị tiết dịch nâu đen ở núm vú. Phụ nữ cần đến gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện chất dịch trong suốt, có màu đỏ hoặc máu ở đầu nhũ hoa vì đây có nguy cơ là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú, không được bỏ qua và xem thường.


Đau vú là một trong những triệu chứng của viêm xơ tuyến vú
Đau vú là một trong những triệu chứng của viêm xơ tuyến vú

2. Chẩn đoán viêm xơ tuyến vú

Bệnh lý viêm xơ tuyến vú hình thành do các tuyến và ống tuyến vú tăng sinh, kết hợp với xơ hóa mô đệm, do đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên chị em phụ nữ cũng không cần thiết phải quá lo lắng, thay vào đó là nên đi khám nếu có những biểu hiện của bệnh. Các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định cũng như phân biệt với các bệnh liên quan khác. Cụ thể:

  • Khám vú để chẩn đoán u xơ tuyến vú.
  • Siêu âm vú: Là hình thức đơn giản, tiết kiệm, có thể giúp phát hiện vị trí, số lượng, kích thước và sự tăng xơ của các khối u tuyến vú, cũng như phân biệt mô vú bình thường và bất thường.
  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): Chọc dịch nang và chọc hút tế bào có tác dụng sàng lọc ung thư sớm. Kết quả chọc dò lẫn máu, kết hợp sinh thiết nghi ngờ ung thư thì nên phẫu thuật sớm. Nếu chọc tế bào bình thường thì bệnh nhân nên theo dõi định kỳ 6 tháng/lần.
  • Sinh thiết vú: Bác sĩ cũng có thể chỉ định mổ sinh thiết đối với trường hợp có lo ngại về ung thư khi chọc hút FNA. Nếu phát hiện hình ảnh tế bào nghi ngờ hoặc loạn sản thì cần phẫu thuật.
  • Chụp X-quang vú (Chụp nhũ ảnh kỹ thuật số - Mammography): Cần thiết để phát hiện ung thư vú sớm thông qua dấu hiệu co kéo hoặc có vi vôi hóa.

Chụp cộng hưởng: Nhằm xác định rõ ràng những thay đổi trong vú ở phụ nữ bị xơ nang tuyến vú, cho phép chẩn đoán với độ chính xác cao hơn.

3. Viêm xơ tuyến vú và cách điều trị


Việc điều trị hiện nay chủ yếu chỉ theo dõi và dùng thuốc
Việc điều trị hiện nay chủ yếu chỉ theo dõi và dùng thuốc

Xơ nang tuyến vú tuy là bệnh lành tính, nhưng vẫn có thể điều trị nếu phát hiện khối u sau khi chụp vú và bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chữa trị nội khoa hoặc phẫu thuật xâm lấn. Các thuốc hay dùng để điều trị bệnh bao gồm:

  • Thuốc ức chế prolactin như bromocriptin;
  • Hormone ức chế estrogen cần có chỉ định của bác sĩ như danazol; tamoxifen có tác dụng kháng estrogen và progesterone dạng bôi, thoa ngoài hoặc dạng uống;
  • Các thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil) và acetaminophen (Tylenol);
  • Bổ sung Vitamin E.

Việc điều trị hiện nay chủ yếu chỉ theo dõi và dùng thuốc, yêu cầu phẫu thuật khi:

  • Nang to và phát triển nhanh khiến vú bị căng tức;
  • Nang vú bội nhiễm dẫn đến áp xe hóa;
  • Kết quả xét nghiệm nghi ngờ tế bào khối u là ác tính.

Điều quan trọng đối với viêm xơ tuyến vú và cách điều trị là bệnh nhân cần theo dõi định kỳ mỗi năm 1 lần. Trong đó, yêu cầu khám và chụp nhũ ảnh để xem tình hình u nang có tiến triển lớn thêm hay không để từ đó có các biện pháp can thiệp y tế kịp thời.

4. Cách phòng viêm xơ tuyến vú là gì?

4.1. Chế độ sinh hoạt

Đa phần chị em phụ nữ bị viêm xơ tuyến vú không cần thiết phải điều trị xâm lấn, thay vào đó là có thể làm giảm các triệu chứng đau và khó chịu tại nhà. Khi có kết quả xác định viêm xơ tuyến vú, bệnh nhân không được quá lo lắng, hoang mang vì dễ làm cho tình trạng bệnh cũng như các cơn đau nặng thêm. Để giảm đau và khó chịu ở vú, người bệnh nên:

  • Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ;
  • Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý;
  • Đắp khăn ấm hoặc chườm lạnh khi bị đau hoặc căng tức ngực
  • Chọn loại áo ngực phù hợp, không chật hoặc có đệm dày cứng;
  • Thử mặc áo ngực hỗ trợ vú bị sưng vừa vặn;
  • Không mặc áo ngực khi ở nhà và ngủ ban đêm.

4.2. Chế độ dinh dưỡng

Lời khuyên của thầy thuốc xung quanh vấn đề viêm xơ tuyến vú và cách điều trị còn liên quan đến xây dựng thực đơn lành mạnh. Để giảm ứ nước cũng như triệu chứng đau tức ngực, nữ giới nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối và khoa học bằng cách:

  • Tiêu thụ nhiều thức ăn giàu vitamin nhóm B, Kali, Magie như: gạo lứt, trái cây, và rau quả.
  • Tránh các thức ăn nhiều muối và chất béo không lành mạnh;
  • Dùng các chế phẩm bổ sung axit béo thiết yếu;
  • Hạn chế hấp thu chất kích thích và cafein như: rượu, bia, cà phê và thuốc lá.

Hạn chế hấp thụ cà phê
Hạn chế hấp thụ cà phê

Khám định kỳ và tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ là yếu tố quan trọng khi chữa trị viêm xơ tuyến vú. Chị em phụ nữ không nên áp dụng những cách làm giảm đau và sưng vú truyền miệng, chưa được y học kiểm chứng để tránh nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Hiện tượng tiết sữa loãng ở phụ nữ lớn tuổi là bình thường và lâu dần sẽ hết, nhưng nếu có chứa máu thì bệnh nhân cần đi khám ngay. Thực tế bệnh lý viêm xơ tuyến vú và cách điều trị chỉ đòi hỏi được theo dõi lâu dài với bác sĩ chuyên khoa sản, do đó chị em cũng không có gì phải lo lắng nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe