Nhận biết chướng bụng đầy hơi ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chướng bụng đầy hơi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hiện tượng khá phổ biến do hệ tiêu hóa của trẻ chưa đạt đến độ phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, rất nhiều cặp vợ, chồng lo lắng khi thấy con mình xuất hiện hiện tượng này. Vậy trong trường hợp này cha mẹ nên làm gì cho đúng?

1. Biểu hiện của trẻ khi bị đầy hơi chướng bụng

Đầy hơi, chướng bụng trẻ em xảy ra do hiện tượng khí gas trong dạ dày quá nhiều làm cho bụng chướng lên. Trẻ bị chướng bụng đầy hơi thường có cảm giác khó chịu, quấy khóc và không chịu bú. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra thiếu chất hoặc suy dinh dưỡng ở trẻ. Có rất nhiều triệu chứng khác nhau, tuy nhiên dưới đây là những biểu hiện thường gặp nhất:

  • Sau 1 đến 2 giờ ăn, bụng trẻ có thể trở nên căng tròn và khi vỗ nhẹ vào bụng trẻ tạo ra âm thanh giống như tiếng trống.
  • Trẻ ợ hơi sau khi ăn
  • Trẻ quấy khóc sau khi ăn, lười bú hoặc bỏ bú
  • Trẻ đi tiêu phân lỏng hoặc không đánh rắm

2. Nguyên nhân gây ra chứng đầy hơi chướng bụng ở trẻ

Thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chướng bụng đầy hơi ở trẻ, một vài nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:

  • Bé bú quá nhanh dẫn đến nuốt hơi vào trong dạ dày khi bú.
  • Đồ ăn dặm của trẻ có quá nhiều tinh bột dẫn đến không tiêu hóa được
  • Trẻ bị ép ăn quá nhiều
  • Cơ thể trẻ bị thiếu men Lactase dẫn đến không thể tiêu hóa hết đường Lactose
  • Trẻ bị dị ứng với thức ăn
  • Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh mà trẻ đã dùng
  • Trẻ mắc một số bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chướng bụng đầy hơi ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chướng bụng đầy hơi ở trẻ

3. Cách phòng ngừa và đối phó với chứng đầy hơi cho trẻ


Thực hiện cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu sữa mẹ quá nhiều thì có thể vắt ra và cho bé bú bằng bình hoặc muỗng. Trường hợp trẻ bú bình nên cho trẻ bú lượng vừa phải. Không ép trẻ ăn hoặc không cho trẻ ăn liên tục. Giảm lượng tinh bột, đường trong khẩu phần ăn của trẻ

Để đối phó với tình trạng chướng bụng ở trẻ, cha mẹ cần massage vùng bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ sau mỗi lần bú. Sau khi trẻ ăn được 30 phút, bạn hãy masage nhẹ nhàng vùng bụng của trẻ theo chiều kim đồng hồ. Bạn có thể dùng thêm chút dầu massage để quá trình diễn ra nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.

Cho trẻ xì hơi bằng cách bồng trẻ sát vào ngực của mình hoặc bế cho trẻ nằm ngang trên tay mình, sau đó dùng tay vuốt nhẹ lưng trẻ để trẻ có thể dễ dàng xì hơi. Hoặc có thể thử cho trẻ nằm ngửa, sau đó lấy 1 chân bé kéo ngược nhẹ nhàng lên ngực rồi đẩy xuống đồng thời đẩy chân kia lên theo động tác đạp xe đạp. Tư thế này sẽ giúp trẻ giảm được khí trong bụng.

Chườm nóng bằng khăn tay cho trẻ: Làm ấm 2 chiếc khăn tay và vắt khô, sau đó quấn quanh bụng trẻ. Chú ý kiểm tra độ nóng thích hợp với làn da của trẻ. Hơi nóng từ chiếc khăn sẽ giúp bé đẩy hơi trong bụng ra bên ngoài.

Giúp trẻ ợ hơi sau khi bú: Sau mỗi lần cho trẻ bú, bạn hãy bế bé cho đầu tựa vào mẹ, sau đó dùng bàn tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ hơi ra ngoài. Hoặc có thể cho trẻ uống bổ sung men vi sinh, nếu trẻ bị đầy hơi. Đây là loại men có tác dụng giảm táo bón, đầy hơi, chướng bụng.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số cách khác để đối phó với chứng đầy hơi khó chịu như dùng nước chanh mật ong nóng, dùng hành hoặc tỏi để chườm bụng cho trẻ.

Cha mẹ có thể áp dụng những cách trên nhằm hạn chế tình trạng trẻ chướng bụng quấy khóc do khó chịu. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng nhưng nhận thấy tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, lúc này bạn nên đưa con tới các cơ sở y tế để có hướng can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe