Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Dị dạng mạch máu trên da là một bệnh lý khá thường gặp hiện nay. Bệnh có nhiều thể khác nhau, được phân chia theo loại mạch máu bị thương tổn như dị dạng mao mạch, dị dạng tĩnh mạch, dị dạng động-tĩnh mạch và dị dạng mạch máu kết hợp.
1. Dị dạng tĩnh mạch
Dị dạng tĩnh mạch thường biểu hiện là một khối mềm, ấn xuống dễ dàng, da ở vị trí thương tổn có màu xanh tím. Khi dạng tĩnh mạch trên mặt có thể gây biến dạng tĩnh mạch, ở chi gây mất cân xứng ở hai chi. Dị dạng tĩnh mạch lớn ở hầu họng và phần sâu cổ họng có thể lan rộng và gây chèn ép đường thở. Để chẩn đoán dị dạng tĩnh mạch thường dựa vào chẩn đoán hình ảnh như MRI, chụp mạch cản quang.
Các phương pháp điều trị dị dạng tĩnh mạch gồm:
- Đi tất nếu dị dạng tĩnh mạch ở tứ chi
- Dùng Aspirin 80 mg/ngày để làm giảm dấu hiệu đau và huyết khối tĩnh mạch
- Dị dạng tĩnh mạch nhỏ tiêm xơ sodium tetradecyl sulfate 1%
- Phẫu thuật sau tiêm xơ để giảm khối lượng dị dạng tĩnh mạch, cải thiện chức năng và thẩm mỹ.
2. Dị dạng mao mạch
Dị dạng mao mạch hay còn gọi là bớt rượu vang thương xuất hiện lúc mới sinh. Biểu hiện của bệnh là dị dạng các mạch máu nông ở da. Các mao mạch trên lớp lưới trung bì giãn ra và mật độ dày đặc.
Để điều trị dị dạng mao mạch, laser là ưu tiên hàng đầu. Các loại laser gây tỷ lệ biến chứng cao không nên sử dụng là laser CO2, laser hơi đồng, laser argon. Bên cạnh đó, các loại máy khác như ánh sáng xung mạnh sẽ có hiệu quả trong một số trường hợp nhất định. Một số phương pháp như phẫu thuật, chiếu xạ, áp lạnh, đốt điện, tiêm xơ,...thường không khả thi và không được áp dụng trong dị dạng mao mạch.
3. Dị dạng bạch mạch
Dị dạng bạch mạch là sự giãn bất thường của ống bạch mạch thành các nang chứa đầy dịch. Bệnh được chia thành 3 thể là thể nang nhỏ, thể nang lớn và thể hỗn hợp. Các nang này phồng lên hay xẹp xuống là do luồng dịch bạch mạch vào hay ra, do viêm nhiễm hoặc chảy máu. Bệnh thường xuất hiện lúc mới sinh hoặc trước 2 tuổi. Biểu hiện của bệnh là một khối u hình vòm màu đen hay đỏ.
Dị dạng bạch mạch vùng mặt có thể gây biến dạng mặt, lồi mắt ở xương gây phì đại xương hay dị dạng bạch mạch lưỡi làm hạn chế phát âm, gây nhiễm khuẩn, chảy máu, sưng nề. Ngoài ra, dị dạng bạch mạch vùng cổ còn có thể gây tắc nghẽn đường thở.
Để điều trị dị dạng bạch mạch, bệnh nhân nên kết hợp nghỉ ngơi với sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm.
Kháng sinh được sử dụng khi có tình trạng viêm mô tế bào do vi khuẩn. Phương pháp điều trị có hiệu quả cao là tiêm xơ khối u.
4. Dị dạng động tĩnh mạch
Dị dạng động tĩnh mạch là các bất thường trong liên kết giữa động mạch và tĩnh mạch. Dị dạng động tĩnh mạch thường xuất hiện lúc mới sinh và bệnh biểu hiện rõ ràng hơn khi lớn. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm đau, phát triển quá cỡ, thiếu máu, chảy máu và suy tim.
Dị dạng động tĩnh mạch thường gây xanh tím, ngón tay dùi đục, tăng hồng cầu, nhồi máu não và áp xe não do bất thường chức năng của mạch máu phổi. Trên da, bệnh nhân có thể phát hiện thất khối dị dạng màu đỏ, ấm hơn da xung quanh và có mạch đập.
5. Dị dạng mạch máu kết hợp
Dị dạng mạch máu kết hợp có thể phân ra thành nhiều hội chứng khác nhau như hội chứng Klippel-Trenaunay, hội chứng Proteus, hội chứng Parkes-Weber, hội chứng Mafucci,...
5.1 Hội chứng Klippel-Trenaunay
Là sự kết hợp dị dạng mạch máu da với bất thường hệ thống tĩnh mạch và bạch mạch cùng với phì đại xương và tổ chức phần mềm ở chi. Nó xuất hiện lúc sinh và phát triển theo thời gian. Biểu hiện của bệnh gồm bất thường mạch máu da (da có thể tăng sắc tố, dày lên, giãn mạch và có màu đỏ anh đào), phì đại chi.
Để chẩn đoán Hội chứng Klippel-Trenaunay có thể sử dụng X quang, MRI, chụp mạch, siêu âm và hạt nhân y học.
5.2 Hội chứng Proteus
Đây là một hội chứng hiếm gặp. Bệnh biểu hiện bởi sự quá phát của nhiều tổ chức trên cơ thể và có tính chất gia đình. Bệnh gây phì đại, mất cân đối mặt, thân, thương tổn da như có vết bớt thượng bì, u mỡ, u mô thừa mạch máu, vùng da tăng hoặc giảm sắc tố, bớt tổ chức liên kết dạng não có bờ rõ, nhăn nheo,...
Ở xương, bệnh biểu hiện bởi sự quá phát của hệ thống xương như khổng lồ một phần bàn tay hoặc bàn chân, xương dài quá cỡ và vẹo cột sống.
5.3 Hội chứng Mafucci
Đây là một đột biến hiếm gặp, xuất hiện ở cả nam và nữ. Biểu hiện của bệnh là phì đại sụn lành tính, biến dạng xương, u máu hình dạng không đều và đen.
5.4 Hội chứng Parkes-Weber
Hội chứng này một loại dị dạng mạch kết hợp hiếm gặp. Bệnh thường xuất hiện ở chi dưới và có các các biểu hiện của bệnh dị dạng động - tĩnh - mao mạch, dị dạng bạch - động - tĩnh - mao mạch. Trên lâm sàng có thể quan sát thấy các dấu hiệu sau: vùng da ấm, tím, có mạch đập, chi to, có vết đỏ hình bản đồ, chụp MRI cho thấy hình ảnh phì đại cơ và xương.
5.5 Hội chứng Cobb
Đây là tổn thương không mang tính di truyền và có liên quan đến u mạch gai cột sống hoặc dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh. Ban đầu, bệnh nhân bị hội chứng Cobb thường được điều trị bằng phẫu thuật giảm áp ống tủy ,cố gắng thắt búi dị dạng tĩnh mạch nhưng kết quả là gây ra tử vong vì chảy máu. Trị liệu bằng tia xạ sau đó được sử dụng và cho kết quả hạn chế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.