Thông qua báo đài, truyền thông bạn có thể đã nghe nhắc nhiều đến thuật ngữ thao túng tinh thần, lạm dụng tình cảm. Tuy nhiên rất ít người có thể nhận ra những dấu hiệu tinh vi ban đầu cảnh báo một hành vi lạm dụng ngấm ngầm dai dẳng.
1. Lạm dụng tình cảm là gì?
Lạm dụng tình cảm (Emotional Abuse) bao gồm những nỗ lực làm bạn sợ hãi, kiểm soát hoặc cô lập. Loại lạm dụng này không liên quan đến bạo lực thể chất, dù nó có thể liên quan đến những lời đe dọa bạo lực, hành hung nhắm vào bạn hoặc người thân. Loại lạm dụng này có thể bắt đầu từ từ, chậm rãi, nhưng sẽ có xu hướng lặp đi lặp lại.
Mọi người ở mọi lứa tuổi hoặc giới tính đều có thể bị lạm dụng hoặc bị thao túng tinh thần. Và lạm dụng không chỉ xảy ra trong bối cảnh của các mối quan hệ lãng mạn. Người ngược đãi bạn có thể là vợ/ chồng, người yêu nhưng cũng có thể là đối tác kinh doanh, cha mẹ, người chăm sóc hoặc thậm chí là đứa con đã trưởng thành của bạn.
Bất kể đó là mối quan hệ dạng nào, bạn không đáng bị lạm dụng và đó chắc chắn không phải lỗi của bạn. Để rõ hơn, hãy tiếp tục tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết thao túng tinh thần, lạm dụng tình cảm và tham khảo các gợi ý cần làm tiếp theo.
2. Làm nhục, phủ nhận và chỉ trích
Một người có ý định thao túng tinh thần, lạm dụng tình cảm của bạn có thể áp dụng các chiến thuật tinh vi khác nhau để khiến lòng tự trọng của bạn bị suy yếu. Hãy tham khảo các hành vi cụ thể sau:
- Gọi tên và biệt danh xúc phạm. Nếu 1 người gọi bạn là “ngu ngốc”, “kém cỏi”, “chậm chạp” hay những từ lăng mạ khác và không dừng lại kể cả khi bạn yêu cầu, thì đó là hành vi cố tình làm nhục.
- Luôn chê bai, phàn nàn: Họ thường sẽ dành cho bạn những lời than phiền đi kèm với 2 chữ “luôn luôn”. Ví dụ nói bạn luôn luôn trễ hẹn, làm hỏng việc, nhầm lẫn, khó chịu,... nói trực tiếp với bạn hoặc kể cho người khác.
- La hét, giận dữ: Những người thao túng, kiểm soát thường có cảm xúc bất ổn. Họ có thể cười vui vẻ với bạn nhưng lúc sau lại nổi cơn thịnh nộ bất chợt. Những lời la hét, chửi bới của họ có thể khiến bạn cảm thấy nhỏ bé và yếu ớt. Có thể họ không bao giờ đánh bạn, nhưng họ đấm, ném đồ đạc hoặc làm hư hỏng tài sản.
- Coi thường: Họ thường hạ thấp năng lực của bạn bằng những câu nói: “Tôi biết bạn đã cố gắng nhưng việc này nằm ngoài khả năng của bạn”, “Bạn không làm được đâu”.
- Tiết lộ những bí mật: Họ không có ranh giới về sự riêng tư. Họ sẵn lòng gây sự, chia sẻ bí mật của bạn hoặc chế giễu những thiếu sót của bạn trước mọi người.
- Không quan tâm: Khi bạn chia sẻ điều gì đó quan trọng, có ý nghĩa với mình thì họ trả lời: “Chẳng ai quan tâm đến chuyện đó”, rồi lảng tránh sang việc khác. Các ngôn ngữ cơ thể như: đảo mắt, nhếch mép, lắc đầu quay đi, thở dài... cũng truyền tải thông điệp tương tự.
- Lấy lý do đùa vui: Khi bạn bày tỏ sự khó chịu với những gì mà họ đã làm, đã nói, họ sẽ cố “bình thường hóa” mọi chuyện bằng cách: “Chỉ là một câu nói đùa thôi mà? Cậu nhạy cảm quá”. Sự mập mờ này sẽ khiến bạn cảm thấy hoài nghi về bản thân, tự hỏi có phải mình đang quá nhạy cảm hay không.
- Chê bai ngoại hình của bạn. Bất kể cả hai đang ở một mình hay trước mặt người khác, người ấy đều tỏ rõ thái độ không hài lòng về ngoại hình của bạn. Họ có thể phàn nàn rằng bạn quá gầy, quá béo, hay ăn mặc không phù hợp. Hay họ liên tục nói rằng bạn thật may mắn khi được họ chọn bạn, vì họ có thể tìm được 1 người hấp dẫn hơn rất nhiều.
- Coi thường thành tích của bạn: Họ gạt bỏ những thành tích của bạn, nói rằng chúng không đáng giá đến vậy, hoặc giành công lao về phía mình.
- Không quan tâm đến nhu cầu của bạn: Họ cho rằng sở thích của bạn là lãng phí thời gian. “Bạn sẽ không bao giờ giảm cân được đâu, sao cứ phải tiếp tục cố làm gì?”. Thực ra họ không muốn bạn tham gia vào những hoạt động mà không có họ.
- Kích thích sự giận dữ nơi bạn: Mỗi khi họ biết điều gì khiến bạn khó chịu hoặc không thoải mái, họ sẽ gợi lại nó mỗi khi có cơ hội để nắm thế “trên cơ”.
3. Kiểm soát, đe dọa, đàn áp
Đằng sau hành vi lạm dụng, thao túng là mong muốn duy trì quyền lực, kiểm soát. Một người thao túng có thể cố gắng lôi kéo bạn làm theo những gì họ muốn, thường bằng cách khiến bạn cảm thấy bất an, lo sợ, xấu hổ. Ví dụ như:
- Đe dọa: Họ có thể nói ẩn ý (hoặc nói thẳng ra) rằng họ sẽ sa thải bạn, tố cáo, bêu xấu danh dự của bạn. Họ còn nói bóng gió theo kiểu: “Tôi không nói trước được những gì tôi sẽ làm” để khiến mọi thứ trở nên mơ hồ và khiến bạn sợ hãi.
- Giám sát nơi ở của bạn: Họ luôn muốn biết bạn đang ở đâu, yêu cầu bạn trả lời các cuộc gọi hoặc tin nhắn ngay lập tức. Họ thậm chí còn có thể đột ngột xuất hiện tại nơi làm việc hoặc trường học của bạn, chỉ để kiểm tra xem bạn có thật sự đến đó hay không.
- Theo dõi bạn trên không gian mạng: Họ sẽ yêu cầu bạn cung cấp mật khẩu và thường xuyên kiểm tra lịch sử duyệt web, email, tin nhắn và nhật ký cuộc gọi của bạn.
- Áp dụng “hiệu ứng đèn gas”: Hiệu ứng đèn gas (gas lighting) là cách thức 1 người phủ nhận các sự kiện, tranh luận hay những thỏa thuận đã từng xảy ra. Chiến thuật này khiến nạn nhân phải đặt câu hỏi về trí nhớ của mình, sức khỏe tinh thần của bản thân.
- Nắm quyền quyết định mọi việc: Họ có thể giành quyền quyết định mọi việc chung lẫn riêng (đặc biệt là việc cá nhân của bạn). Họ có thể yêu cầu bạn nghỉ học, nghỉ việc, đưa ra các “gợi ý” nên mặc gì, ăn gì hay có thể dành thời gian cho những người bạn nào.
- Kiểm soát tài chính: Họ nắm quyền kiểm soát nguồn tiền chung, để mỗi khi bạn cần tiền bạn sẽ phải hỏi họ. Họ cũng yêu cầu bạn giữ biên lai mỗi khi mua sắm và tính đến từng xu bạn chi tiêu.
- Dạy dỗ bạn liên tục: Sau khi bạn mắc lỗi, dù nhỏ đến đâu thì họ cũng liệt kê tất cả lỗi của bạn bằng 1 đoạn độc thoại dài. Họ nhắc đi nhắc lại những điểm yếu của bạn và ngầm thể hiện rằng “bạn phải học hỏi họ để hoàn thiện hơn”.
- Ra lệnh trực tiếp: Họ hay nói những câu ra lệnh và không quan tâm bạn có sẵn sàng hay không. Ví dụ: “Tôi không cần biết bạn làm cách nào. Bạn phải ở lại đây cho đến khi xong đống việc đó, hoặc là bạn bị sa thải”. Hay “Bạn không được tắt điện thoại sau giờ làm việc, luôn phải trả lời bất cứ khi nào tôi yêu cầu”. Nhìn chung, họ mong đợi bạn tuân thủ mọi điều họ nói mà không thắc mắc.
- Thường xuyên bộc phát. Họ yêu cầu bạn hủy chuyến đi chơi với gia đình để lên công ty, hoặc phải mua đồ giúp họ nhưng bạn không làm vậy. Kết quả họ phản ứng bằng cách giận dữ, la hét, trách móc rằng bạn vô tâm và không có thái độ hợp tác.
- Giả vờ không biết: Để tránh phải làm việc mình không muốn, họ sẽ nói rằng họ không biết cách làm. Hy vọng rằng bạn sẽ tự mình làm thay phần họ.
- Cảm xúc thất thường: Họ thường hay bất ổn trong cảm xúc. Có lúc tình cảm dạt dào, thân thiện với bạn và có những lúc bùng nổ không rõ lý do. Hoặc tâm trạng của họ chuyển từ lạc quan, vui vẻ sang u ám, giận dữ mà không có chút cảnh báo nào. Ở bên họ, bạn không bao giờ đoán được điều gì sẽ xảy ra.
- Chiến tranh lạnh, đóng băng cảm xúc: Khi bất đồng hoặc xung đột, họ có thể tắt máy, từ chối những nỗ lực giao tiếp của bạn. Bạn có rất nhiều điều muốn nói, muốn cùng nhau giải quyết nhưng họ né tránh và coi đó như một hình thức trừng phạt.
4. Buộc tội, đổ lỗi và phủ nhận trách nhiệm
Những người lạm dụng người khác thường cố gắng tạo ra một hệ thống phân cấp đặt họ ở trên cùng và bạn ở dưới cùng. Ví dụ:
- Sử dụng cảm giác tội lỗi: Để thao túng bạn, họ có thể cố khiến bạn cảm thấy tội lỗi bằng cách nói những câu như: “Bạn nợ tôi điều này. Hãy nhìn lại những gì tôi đã hy sinh cho bạn”, “Nhờ có tôi mà bạn mới có ngày hôm nay”...
- Kỳ vọng không thực tế: Người ái kỷ, thao túng mong bạn phải làm những gì họ muốn. Bạn sẽ phải luôn ưu tiên nhu cầu của họ, làm mọi việc theo tiêu chuẩn của họ - và tuyệt đối không được mở rộng giao lưu, kết nối với những người mà họ không biết.
- Sự ghen tuông: Họ có thể buộc tội bạn tán tỉnh, lừa dối, ngoại tình để bắt bạn phải nghe theo họ. Hoặc cho rằng bạn sẽ phải dành toàn bộ thời gian cho họ nếu bạn thật sự yêu họ.
- Đổ lỗi: Những người thao túng và lạm dụng thường rất biết cách làm bạn khó chịu. Nhưng một khi bạn cảm thấy khó chịu, họ sẽ đổ lỗi lại cho bạn và nói rằng đó là do bạn quá nhạy cảm và kém cỏi.
- Phủ nhận trách nhiệm: Khi bạn bày tỏ mối lo ngại về hành vi của họ, họ có thể phủ nhận điều đó. Thậm chí có thể nói ngược lại rằng bạn mới là người có vấn đề về tâm lý, cần học thêm cách quản lý cảm xúc và hành vi.
- Giảm nhẹ sự nghiêm trọng của vấn đề: Khi bạn giải thích họ đã nói hay làm gì khiến bạn khó chịu và bị tổn thương, họ sẽ buộc tội bạn phản ứng thái quá hay hiểu sai tình huống.
- Đổ lỗi cho bạn về những vấn đề của họ: Khi mọi việc đi sai hướng, họ sẽ luôn đổ lỗi cho bạn. Họ có thể nói rằng giá như bạn là một đứa trẻ hiểu chuyện hơn, một người bạn đời hỗ trợ nhiều hơn hay một bậc cha mẹ tốt hơn thì cuộc sống của họ mới hoàn hảo.
- Đập phá, phá hủy đồ đạc của bạn: Họ có thể ném điện thoại của bạn xuống đất, “làm mất” chìa khóa xe, làm hỏng đồ đạc của bạn sau đó chối hoặc nói rằng điều đó là vô tình.
5. Bỏ mặc cảm xúc và cô lập
Người thao túng tâm lý và lạm dụng tình cảm thường sẽ cố gắng khiến bạn ưu tiên nhu cầu của họ và bỏ bê nhu cầu của bạn. Để củng cố cho điều này, họ sẽ cố cô lập bạn bằng cách tìm cách xen vào giữa bạn và những người thân yêu, những người luôn ủng hộ bạn. Đây là một chiến lược để khiến bạn phụ thuộc vào họ nhiều hơn. Các chiến thuật họ có thể sử dụng bao gồm:
- Không tập trung khi giao tiếp với bạn: Họ có thể sẽ cố ý nhìn đi chỗ khác khi bạn đang nói, nhìn chằm chằm vào thứ khác khi đang nói chuyện với bạn nhằm khiến bạn cảm thấy mình không quan trọng.
- Ngăn cản bạn giao tiếp xã hội. Bất cứ khi nào bạn có kế hoạch ra ngoài, họ sẽ nghĩ ra một trò tiêu khiển hoặc có cách ngăn bạn đừng đi.
- Vô hiệu hóa ranh giới của bạn. Họ có thể gợi ý hoặc nói thẳng rằng nhu cầu, ranh giới và mong muốn của bạn không quan trọng đối với họ.
- Họ cố gắng xen vào giữa bạn và gia đình bạn. Họ sẽ nói với những thành viên khác trong gia đình rằng bạn không muốn gặp gỡ, hoặc viện lý do tại sao bạn không thể tham dự các hoạt động chung. Sau đó, họ có thể nói với bạn rằng mọi người không quan tâm đến việc bạn đến hay không.
- Trừng phạt bằng cách im lặng: Họ có thể phớt lờ mọi nỗ lực trò chuyện trực tiếp, qua tin nhắn hay qua điện thoại của bạn.
- Trừng phạt bằng sự thân mật: Họ sẽ không chạm vào bạn, thậm chí là nắm tay hay vỗ vai. Họ từ chối tiếp xúc thân mật nếu bạn phản đối họ hoặc không chịu làm theo những gì họ muốn.
- Phớt lờ, “đánh trống lảng”: Họ có thể gạt ý kiến của bạn đi, thay đổi chủ đề hoặc đơn giản là phớt lờ khi bạn muốn đề cập đến những vấn đề quan trọng.
- Tìm mọi cách để cách ly, cô lập bạn: Họ có thể nói với mọi người, bao gồm cả đồng nghiệp, bạn bè và thậm chí cả gia đình bạn rằng bạn nói dối, mất liên lạc hoặc bị suy sụp, có vấn đề về tinh thần.
- Từ chối hỗ trợ: Khi bạn cần trợ giúp về mặt cảm xúc hoặc vấn đề nào đó, họ sẽ nói bạn là kém cỏi, bảo bạn phải cứng rắn lên và tự đi mà giải quyết vấn đề của mình.
- Can thiệp vào cảm xúc của bạn: Bất kể bạn đang có cảm xúc như thế nào, họ sẽ khăng khăng rằng bạn không nên cảm thấy như vậy. Ví dụ: “Bạn không nên tức giận vì điều đó” hoặc “Có gì mà phải buồn?”
6. Làm thế nào để đối phó với thao túng tâm lý, lạm dụng tình cảm?
Nếu bạn tin rằng mình đang bị lạm dụng tình cảm hay thao túng tâm lý, hãy tin vào bản năng của mình. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Đừng cố thay đổi họ: Bạn có thể muốn giúp đỡ họ nhưng những kẻ lạm dụng thường khó thay đổi hành vi nếu không có sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Bạn có thể khuyến khích họ gặp gỡ chuyên gia trị liệu, nhưng họ phải là người tự đưa ra lựa chọn.
- Không tự trách bản thân: Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ đáng bị lạm dụng, bất kể bạn đã nói hay làm gì. Người duy nhất chịu trách nhiệm là người có hành vi lạm dụng.
- Ưu tiên nhu cầu của bạn. Chăm sóc các nhu cầu về thể chất và cảm xúc của mình sẽ giúp bạn tiến đến một vị trí mà ở đó, bạn cảm thấy thoải mái khi thiết lập các ranh giới, tìm kiếm sự hỗ trợ và thoát khỏi tình trạng bị thao túng tinh thần.
- Hạn chế tương tác với họ: Đừng trả lời tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hoặc email của họ. Nếu bạn không thể tránh làm việc hay giao tiếp họ, hãy cố gắng giữ người khác ở bên và giới hạn cuộc trò chuyện ở những chủ đề thiết yếu.
- Thiết lập ranh giới cá nhân: Hãy chủ động quyết định cách bạn sẽ phản ứng trước sự thao túng hoặc khi bị lôi kéo vào các cuộc tranh luận. Thể hiện những giới hạn đó với đối phương và thực hiện nó. Ví dụ, bạn có thể nói: “Nếu bạn lớn tiếng với tôi, tôi sẽ về nhà” hoặc “Nếu bạn chế giễu, trêu chọc tôi ở nơi công cộng, tôi sẽ rời đi”.
- Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ: Bạn có thể cảm thấy sợ hãi khi mở lòng về những gì mình đã trải qua, nhưng việc liên hệ với những người đáng tin và một chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn vượt qua được khó khăn và dần chữa lành vết thương.
- Thoát khỏi mối quan hệ hoặc tình huống độc hại: Hãy nói rõ rằng mối quan hệ đã kết thúc và cắt đứt mọi ràng buộc, nếu có thể. Chặn số điện thoại và tài khoản mạng xã hội của họ, đồng thời bỏ qua các nỗ lực tiếp cận.
- Hãy cho mình thời gian để chữa lành. Dành không gian để tập trung vào nhu cầu và phục hồi của bạn. Điều này có thể liên quan đến việc khám phá lại ý thức về bản thân, tạo thói quen tự chăm sóc bản thân mới và nói chuyện với chuyên gia trị liệu, họ có thể sẽ đưa ra hướng dẫn phục hồi.
Rời bỏ một mối quan hệ lạm dụng thường khó khăn hơn nếu bạn đã kết hôn, có con hoặc có tài sản chung. Nếu đó là tình huống của bạn, bước tiếp theo tốt nhất là tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý. Một số tổ chức phi chính phủ, các đơn vị hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình hoặc chuyên gia tâm lý cũng có thể giúp bạn lập kế hoạch rút lui để rời khỏi mối quan hệ một cách an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.