Nguyên tắc dinh dưỡng chung cho người bệnh thận mạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thận đóng vai trò như một nhà máy xử lý rác thải, loại bỏ những chất độc hại và giữ thăng bằng nước, các chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Khi bị bệnh thận mạn, chức năng này của thận sẽ bị suy giảm. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cho bệnh nhân thận mạn bảo tồn được chức năng thận và hạn chế biến chứng của bệnh. Vậy nguyên tắc dinh dưỡng dành cho người bệnh thận mạn là gì?

1. Thận mạn là bệnh gì?

Bệnh thận mạn hay còn gọi là suy thận mạn, là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm dưới mức bình thường. Thận không thể loại bỏ các chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể khiến chất thải và nước dư tồn đọng gây tác động tiêu cực cho người bệnh.

Nếu được phát hiện sớm thì bệnh thận mạn không nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, khi ở giai đoạn đầu, bệnh thận mạn thường không có những biểu hiện rõ rệt nên thường bệnh trở nặng đến giai đoạn suy thận thì mới được phát hiện.

2. Dinh dưỡng ảnh hưởng thế nào đến người mắc bệnh thận mạn?

Những người mắc bệnh thận mạn luôn được khuyến cáo cần phải chú ý tới vấn đề ăn uống, dinh dưỡng. Bởi dinh dưỡng đối với bệnh nhân thận mạn là yếu tố then chốt để quyết định chiến đấu tiếp hay dừng bước trước cuộc chiến chống lại biến chứng của bệnh thận mạn.

Những người mắc bệnh thận mạn ngoài việc điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật... cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thận là cơ quan có chức năng bài tiết chất độc, các chất không cần thiết trong cơ thể và lọc máu. Vì vậy dinh dưỡng của những người mắc bệnh thận mạn rất quan trọng để tránh các chất độc hại hoặc các chất không cần thiết càng khiến cho tình trạng tổn thương của thận thêm nặng nề.

Để bảo tồn chức năng của thận, kéo dài thời gian chạy thận cũng như hạn chế những biến chứng của bệnh, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý.


Dinh dưỡng là điều cần thiết cho người bệnh suy thận
Dinh dưỡng là điều cần thiết cho người bệnh suy thận

3. Người bệnh suy thận mạn nên ăn gì?

Đối với những bệnh nhân thận mạn, nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng là do ăn uống không đủ chất (chán ăn, kiêng khem quá nhiều, hạn chế quá nhiều protein..), rối loạn chuyển hóa, rối loạn hormone, các bệnh lý tiêu hóa....

Bệnh nhân thận mạn thường được khuyên giảm đạm trong chế độ ăn. Tuy nhiên, tùy vào mức độ bệnh, chế độ ăn giảm đạm của mỗi đối tượng cũng sẽ khác nhau. Bệnh nhân bị suy thận nặng, phải tiến hành lọc máu mới thực hiện chế độ ăn giảm đạm. Còn đối với những bệnh nhân bị suy thận nhẹ, cần tăng lượng đạm nhiều hơn so với những người bình thường.

Dưới đây là các lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy thận mạn.

3.1 Chế độ ăn phải phù hợp giai đoạn bệnh

Chế độ ăn tiết chế là phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh thận mạn. Bệnh thận mạn thường được chia thành 5 giai đoạn, và mỗi một giai đoạn của bệnh sẽ quyết định chế độ ăn phù hợp.

  • Giai đoạn 1 và giai đoạn 2: Chỉ tiết chế tùy theo loại bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch...;
  • Giai đoạn 3 và giai đoạn 4: Mỗi bệnh nhân bị thận mạn lại có những bệnh lý riêng biệt, chính vì vậy bệnh nhân tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản trong tiết chế nhưng nó không tuyệt đối đúng với nguyên tắc chung;
  • Giai đoạn 5: Giai đoạn này bệnh nhân cần phải tiến hành chạy thận hoặc ghép thận, chế độ ăn sẽ phải thay đổi để phù hợp cho quá trình điều trị.

3.2 Thực phẩm cần hạn chế với người bệnh suy thận

Năng lượng, chất béo, chất đạm, phosphor, nước, kali, chất khoáng, muối và vitamin là các vấn đề cần tiết chế ở người mắc bệnh thận mạn, cụ thể:

  • Kali, phospho:

Cần thải bớt 2 chất này khi chế biến thực phẩm bằng cách cắt nhỏ, ngâm thực phẩm trong nước, nên nấu vài lần rồi bỏ nước trước khi ăn. Những loại hoa quả giàu kali như xoài, chuối, bí đỏ...., thức ăn từ sữa như bánh sữa, sữa chua..., các loại phô mai, nội tạng động vật như gan, thận... cũng nên hạn chế sử dụng trong chế độ ăn của người bị bệnh thận mạn.

  • Nước:

Cần đảm bảo cơ thể luôn cân bằng đủ lượng nước cần thiết. Ở giai đoạn sớm của bệnh, không cần phải hạn chế nước. Cần hạn chế lượng nước khi bệnh nhân có biểu hiện phù nhiều, đi tiểu ít. Hạn chế dùng những thức ăn nhiều nước như cháo, kem, súp, canh... Khi bệnh nhân bị tiêu chảy, mất nước, nôn mửa thì cần phải uống đủ nước để bù.

  • Canxi:

Người bệnh thận mạn không nên ăn nhiều thức ăn giàu canxi như nghêu, tôm, cua...

  • Muối:

Bệnh nhân thận mạn không được ăn mặn, thận sẽ phải hoạt động nhiều hơn khi ăn nhiều muối, chỉ nên ăn 2-4 g muối/ ngày.

  • Chất béo:

Bệnh nhân thận mạn nên giảm cholesterol và acid béo bão hòa trong mỡ động vật vì bệnh nhân có thể có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa động mạch đồng thời xảy ra các biến chứng liên quan đến tim mạch khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề hơn. Nên tăng cường ăn các loại thực phẩm, các loại dầu ăn chứa nhiều acid béo không no và omega 3.

  • Năng lượng:

Gồm 3 thành phần chính với tỷ lệ các thành phần như sau: bột đường (50-60%), chất béo (25-30%), đạm (<10% tổng năng lượng). Năng lượng cung cấp cho bệnh nhân thận mạn tương đương như người bình thường (30-35 kcal/kg). Cơ thể phải sử dụng protein từ cơ bắp làm sinh ra nhiều chất thải nito khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn khi cơ thể bạn không được cung cấp đủ năng lượng.

  • Protein (chất đạm):

Đây là thành phần dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Thiếu đạm, bệnh nhân dễ bị mắc thêm các bệnh phối hợp khác và có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, ure bị ứ đọng do sự thoái biến của protein ở những bệnh nhân bị suy thận sẽ khiến cho tình trạng bệnh thêm nặng nề. Chính vì vậy, khi mắc bệnh thận mạn ở giai đoạn 3-4 cần hạn chế đạm, ở mức khoảng 0,6-0,8 g/kg/ngày. Nên kết hợp cả hai loại protein: protein chất lượng cao và protein chất lượng thấp.


Protein (chất đạm) là thành phần dinh dưỡng vô cùng quan trọng tránh nguy cơ tử vong
Protein (chất đạm) là thành phần dinh dưỡng vô cùng quan trọng tránh nguy cơ tử vong
  • Vitamin:

Do chế độ ăn kiêng khem nên nhiều người thận mạn bị thiếu vitamin, đặc biệt là các loại protein tan trong nước. Việc bổ sung vitamin là cần thiết. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý mua các loại thuốc bổ để bổ sung vitamin vì nó có thể có thành phần gây hại cho bệnh nhân thận mạn.

Khi chế độ dinh dưỡng tiết chế cho thấy có hiệu quả - nghĩa là các chỉ số xét nghiệm đã nằm trong ngưỡng cho phép - thì nên thay đổi thực đơn, thêm nhiều gia vị phong phú, nhiều màu sắc, nhằm kích thích người bệnh ăn ngon miệng hơn.

Chế độ dinh dưỡng với bệnh nhân thận mạn rất quan trọng, chính vì vậy, cần phải nắm rõ và thực hiện những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản để bảo tồn chức năng của thận đồng thời hạn chế những nguy cơ biến chứng của bệnh có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Hùng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng quát - Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh; sử dụng được Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Với kinh nghiệm trên 36 năm trong nghề, trong đó 17 năm là Trưởng khoa Nội thận - nội tiết Bệnh viện Đà Nẵng bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về nội tiết – đái đường và thận . Hiện tại, là bác sĩ điều trị bệnh nội tiết tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe