Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Một yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì làm tăng khả năng mắc bệnh của một người. Các ung thư khác nhau có các nguy cơ khác nhau. Một số nguy cơ, như hút thuốc, có thể được thay đổi. Những yếu tố khác, như tuổi hoặc tiền sử gia đình, không thể thay đổi.
A. Các yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ không cho chúng ta biết mọi thứ. Có một hoặc một vài yếu tố nguy cơ, không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh. Và nhiều người mắc bệnh có thể có ít hoặc không có yếu tố nguy cơ nào. Ngay cả khi một người bị ung thư tuyến giáp có yếu tố nguy cơ, cũng rất khó để biết được yếu tố nguy cơ đó có thể góp phần gây ra ung thư đến mức nào. Các nhà khoa học đã tìm thấy một vài yếu tố nguy cơ có thể mắc ung thư tuyến giáp.
1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
1.1. Giới và tuổi
Không rõ vì lý do gì, ung thư tuyến giáp (cũng như hầu hết các bệnh lý tuyến giáp) thường gặp ở phụ nữ hơn, gấp khoảng 3 lần so với nam giới.
Ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đỉnh tuổi ở phụ nữ sớm hơn ở nam giới (40 hoặc 50 ở nữ so với 60 hoặc 70 ở nam khi được chẩn đoán)
1.2. Yếu tố di truyền
Một số yếu tố di truyền, cũng như tiền sử gia đình có liên quan với các loại ung thư tuyến giáp khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc ung thư tuyến giáp không có yếu tố di truyền hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh.
●Ung thư tuyến giáp dạng tủy (MTC): Khoảng 2 trong 10 ung thư tuyến giáp dạng tủy là do di truyền một gen bất thường. Những trường hợp này gọi là MTC gia đình (FMTC). FMTC có thể xảy ra đơn độc, hoặc có thể kèm theo các u khác.
Sự kết hợp của FMTC và các u của các tuyến nội tiết khác (u tủy thượng thận, u tuyến cận giáp,...) gọi là đa u nội tiết type 2 (multiple endocrine neoplasia type 2 - MEN 2), do đột biến gen RET.
●Các ung thư tuyến giáp khác: Những người mắc một số bệnh di truyền nhất định có nguy cơ mắc các loại ung thư tuyến giáp thường gặp. Tỷ lệ ung thư giáp cao hơn ở những người có một số tình trạng di truyền ít phổ biến như:
- Bệnh đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis - FAP): do đột biến gen APC, bệnh nhân có nhiều polyp đại tràng và có nguy cơ rất cao ung thư đại tràng, và cũng có nguy cơ mắc một số ung thư khác, bao gồm ung thư tuyến giáp dạng nhú.
- Bệnh Cowden: do đột biến gen PTEN, bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp, tử cung, vú, và một số khác. Ung thư tuyến giáp có xu hướng là loại dạng nhú hoặc dạng nang.
- Hội chứng Carney, type I: do đột biến gen PRKAR1A, bệnh nhân có thể có một số u lành tính và các vấn đề về hormone, cũng như có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp dạng nhú và nang.
- Ung thư tuyến giáp không phải dạng tủy có tính chất gia đình (Familial nonmedullary thyroid carcinoma): các gen trên nhiễm sắc thể 19 và nhiễm sắc thể 1 bị nghi ngờ gây ra các ung thư gia đình này, thường gặp ung thư tuyến giáp dạng nhú, và được phát hiện ở độ tuổi sớm hơn.
1.3. Tiền sử gia đình
Có người thân cấp 1 (cha mẹ, anh chị em hoặc con) mắc ung thư tuyến giáp, thậm chí không có hội chứng di truyền trong gia đình, cũng tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp. Cơ sở di truyền cho các bệnh ung thư này không hoàn toàn rõ ràng.
2. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
2.1. Phóng xạ
Phơi nhiễm phóng xạ là một yếu tố nguy cơ đã được chứng minh đối với ung thư tuyến giáp. Nguồn phát xạ bao gồm một số phương pháp điều trị y tế (xạ trị vùng đầu cổ khi còn nhỏ, chụp CT scan,...) và bụi phóng xạ từ tai nạn nhà máy điện hoặc vũ khí hạt nhân. Nguy cơ tùy thuộc vào liều lượng và độ tuổi khi phơi nhiễm (điều trị với liều cao hơn và tuổi nhỏ hơn thì nguy cơ càng cao).
2.2. Thừa cân hoặc béo phì
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người không mắc. Nguy cơ dường như tăng lên khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng.
2.3. Iốt trong chế độ ăn
Chế độ ăn ít Iốt tăng nguy cơ ung thư giáp dạng nang
Chế độ ăn quá nhiều Iốt tăng nguy cơ ung thư giáp dạng nhú
B. Nguyên nhân ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có liên quan đến một số bệnh di truyền, nhưng nguyên nhân chính xác của hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp vẫn còn chưa rõ ràng.
Một số biến đổi nhất định trong DNA của tế bào (do môi trường, phóng xạ, hoặc có thể chỉ là những biến đổi ngẫu nhiên xảy ra bên trong tế bào mà không có nguyên nhân bên ngoài) có thể khiến các tế bào tuyến giáp biến đổi thành ung thư.
1. Ung thư tuyến giáp dạng nhú
Một số đột biến DNA trong gen RET đã được tìm thấy trong ung thư tuyến giáp dạng nhú, gọi là gen sinh ung PTC (PTC oncogene), chiếm khoảng 10% đến 30% tất cả các ung thư tuyến giáp dạng nhú, và có tỷ lệ cao hơn ở trẻ em và / hoặc liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ. Những đột biến gen RET này chỉ được tìm thấy trong các tế bào ung thư và không di truyền cho con cái.
Nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp dạng nhú có đột biến gen BRAF, có xu hướng phát triển và lan sang các cơ quan khác nhanh hơn. Đột biến BRAF ít gặp hơn ở ung thư tuyến giáp trẻ em và trong ung thư được cho là do phơi nhiễm phóng xạ.
Sự biến đổi cả gen BRAF và RET / PTC được cho là làm cho các tế bào phát triển và phân chia. Rất hiếm khi ung thư dạng nhú có biến đổi ở cả gen BRAF và RET / PTC. Một số bác sĩ khuyên nên xét nghiệm các đột biến gen này trên các mẫu sinh thiết tuyến giáp, vì có thể giúp chẩn đoán ung thư và cũng có thể ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh.
Những biến đổi trong các gen khác cũng có liên quan đến ung thư tuyến giáp dạng nhú, bao gồm những biến đổi trong gen NTRK1.
2. Ung thư tuyến giáp dạng nang
Những biến đổi trong gen sinh ung RAS (RAS oncogene) cũng như những biến đổi trong tái sắp xếp PAX8-PPAR-γ cũng có vai trò trong một số bệnh ung thư tuyến giáp dạng nang.
3. Ung thư tuyến giáp không biệt hóa
Loại ung thư này có xu hướng có một số đột biến gen như trong ung thư dạng nhú và dạng nang và thường có những thay đổi trong gen ức chế u TP53.
4. Ung thư tuyến giáp dạng tủy
Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp dạng tủy (MTC) có đột biến ở các phần khác của gen RET so với những người bị ung thư dạng nhú. Hầu hết tất cả các bệnh nhân mắc MTC di truyền và khoảng 1 trên 10 người MTC tự phát (không di truyền) có đột biến gen RET.
Hầu hết bệnh nhân mắc MTC tự phát chỉ có đột biến gen trong tế bào ung thư. Những người có MTC gia đình và đa u nội tiết type 2 (MEN 2) thừa hưởng đột biến gen RET từ cha mẹ. Những đột biến này có trong các tế bào cơ thể và có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm DNA.
C. Phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Hầu hết những người mắc ung thư tuyến giáp không có yếu tố nguy cơ, do đó không thể ngăn ngừa trong hầu hết các trường hợp bệnh.
Phơi nhiễm phóng xạ, đặc biệt ở thời thơ ấu, là một yếu tố nguy cơ ung thư tuyến giáp được biết đến. Vì điều này, các bác sĩ không còn sử dụng tia xạ để điều trị các bệnh ít nguy hiểm. Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang và CT cũng làm trẻ tiếp xúc với tia xạ, nhưng liều thấp hơn nhiều, do đó không rõ lượng tia xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp (hoặc các ung thư khác). Nếu có nguy cơ gia tăng thì khả năng là nhỏ, nhưng để an toàn, trẻ em không nên làm các xét nghiệm này trừ khi chúng thực sự cần thiết, và nên sử dụng liều phóng xạ thấp nhất mà vẫn cho hình ảnh rõ ràng.
Có thể làm các xét nghiệm di truyền để tìm kiếm các đột biến gen trong ung thư tuyến giáp dạng tủy gia đình (MTC). Vì vậy hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp dạng tủy gia đình có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị sớm bằng cách cắt bỏ tuyến giáp. Khi bệnh được phát hiện trong một gia đình, những thành viên còn lại nên được kiểm tra gen đột biến.
Khi nhận thấy những bất thường ở cơ thể, chúng ta cần đi khám ngay, khám tổng quát cũng như khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất có thể. Các bác sĩ khuyến cáo, chúng ta nên đi khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, cũng như có hướng tầm soát điều trị bệnh sớm.
Đối với ung thư tuyến giáp, chúng ta cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm chẩn đoán tế bào học để phát hiện ung thư tuyến giáp.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ