Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.
Bệnh cườm nước là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây mù mắt. Cườm nước không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có ở trẻ sơ sinh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị thì trẻ sẽ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.
1. Bệnh cườm nước là gì?
Bệnh Glaucoma còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống hay chứng tăng nhãn áp. Áp lực trong mắt (nhãn áp) tăng cao làm dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương. Bệnh có thể dẫn đến mất thị lực (mù lòa) nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Mắt bình thường có dạng một quả cầu, đường kính khoảng 2 cm, có chứa một loại nước, gọi là thủy dịch, lưu thông thường xuyên để nuôi dưỡng nhiều bộ phận trong mắt. Sự lưu thông của thủy dịch bao giờ cũng ở trạng thái cân bằng. Dịch này phải thoát ra khỏi mắt, qua những lỗ nhỏ ở phía trước để trở vào cơ thể. Nếu những lỗ này bị hẹp hay bị bít thì dịch sẽ bị ứ lại, gây tăng áp lực trong mắt (tăng nhãn áp), làm tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù mắt.
Bệnh cườm nước khá phổ biến và không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, vì thế rất khó nhận ra. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, bệnh nhân có thể tránh khỏi mất thị lực và thị trường nghiêm trọng.
2. Ai dễ mắc bệnh cườm nước?
Bệnh cườm nước thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi nhưng phổ biến nhất ở người lớn ở độ tuổi 70 và 80, đặc biệt là ở những phụ nữ hay lo nghĩ, căng thẳng.
Bệnh có yếu tố di truyền. Trong gia đình có người mắc bệnh cườm nước thì những người cùng huyết thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 - 6 lần.
Bệnh cườm nước không có biểu hiện nhiễm trùng, ở bệnh nhân là người lớn tuổi dễ nhầm lẫn với hiện tượng lão thị. Do đó, bệnh thường được phát hiện muộn, bệnh nhân đến khám khi mắt đã mờ hẳn thì đã quá trễ vì các tổn thương thần kinh thị giác không phục hồi được.
3. Nguyên nhân bệnh cườm nước
Bệnh Glaucoma không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt và/hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác.
Cườm nước có thể là do bẩm sinh hoặc do tổn thương bên trong mắt. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh Glaucoma, tuy nhiên không phải ai cũng bị Glaucoma khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch.
Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Glaucoma bao gồm:
- Tuổi tác: Cứ khoảng 10 người trên 75 tuổi có 1 người bị mắc bệnh Glaucoma.
- Dân tộc: Những người có nguồn gốc châu Phi, Caribbean hoặc châu Á có nguy cơ cao bị bệnh Glaucoma hơn những người ở nơi khác.
- Di truyền.
- Có tiền sử bị chấn thương mắt.
- Cận thị nặng.
- Tăng huyết áp.
- Hút thuốc lá nhiều.
- Bề dày giác mạc giảm.
4. Triệu chứng bệnh cườm nước
Có 2 loại cườm nước: Loại tiến triển nhanh (cấp tính) và loại tiến triển âm thầm, chậm chạp (mạn tính). Có trường hợp bệnh nhân bị cườm nước ở một mắt nhưng cũng có người bị bệnh ở cả hai mắt.
Ở dạng tiến triển cấp tính, người bệnh thấy nhức mắt, nhức nửa đầu, đôi khi rất dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hay nôn mửa, đau bụng, nhìn thấy các màu giống "cầu vồng", hay thị lực giảm sút (nhìn mờ), mắt đỏ, cảm giác căng cứng, đồng tử giãn (con ngươi nở lớn).
Dạng tiến triển âm thầm thì rất khó nhận biết, thường người bệnh chỉ có cảm giác hơi xốn, mắt mỏi, đôi khi cảm thấy mắt mờ. Cả hai trường hợp cấp tính hoặc mãn tính, bệnh nhân đều bị tổn thương thần kinh thị giác. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm là điều cực kỳ quan trọng.
Trẻ em bị bệnh cườm nước có các biểu hiện: Sợ ánh sáng, khi bật đèn bé sẽ khóc thét lên, nếu bé còn bú mẹ thì lúc bú no bé vẫn úp mặt vào ngực mẹ, chảy nước mắt sống ròng rã ở cả hai bên mắt và hay nheo mắt. Trẻ bị bệnh cườm nước, từ 6 tháng trở lên, thị lực sẽ giảm dần, gia đình dễ phát hiện qua hội chứng “mắt trâu”, tức mắt của bé sẽ nở to tròn, con ngươi to như mắt trâu.
5. Cườm nước có thể được phát hiện khi nào?
- Đo thị lực: Thử nghiệm biểu đồ mắt giúp đo lường mức độ nhìn thấy ở những khoảng cách khác nhau.
- Đo thị trường: Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi giúp bác sĩ xác nhận triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi - một dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp.
- Soi đáy mắt: Bác sĩ sử dụng một ống kính lúp đặc biệt để kiểm tra võng mạc và thần kinh thị giác để phát hiện các vấn đề về mắt.
- Đo nhãn áp: Là phép đo áp lực bên trong mắt bằng cách sử dụng một dụng cụ đặc biệt giúp phát hiện bệnh tăng nhãn áp.
- Kiểm tra giác mạc là phương pháp đo độ dày của giác mạc.
- Chụp cắt lớp dây thần kinh (OCT): Kiểm tra phát hiện tổn thương đầu dây thần kinh thị giác và các lớp sợi thần kinh võng mạc
Để sớm phát hiện bệnh cườm nước, khi mắt có triệu chứng mờ, đau nhức, người bệnh không tự ý dùng thuốc, mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp và điều trị bệnh. Với người trên 40 tuổi (đặc biệt là phụ nữ) thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính và làm việc trong điều kiện căng thẳng tinh thần thì nên khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
6. Bệnh cườm nước có lây không?
Bệnh cườm nước là bệnh không lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh có yếu tố di truyền. Trong gia đình có người mắc bệnh cườm nước thì những người ruột thịt có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 - 6 lần. Trường hợp bệnh nhân bị cườm nước cấp tính (thường chỉ xảy ra ở một bên mắt), khi đã phẫu thuật thì khả năng bệnh lây sang mắt thứ hai là rất cao, cần phải được theo dõi thường xuyên.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.