Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ đau hậu môn như táo bón, vệ sinh kém hoặc bị nhiễm giun kim,... Hậu môn là một trong những vùng nhạy cảm của cơ thể, vì thế bố mẹ cần tìm hiểu rõ lý do khi bé bị đau rát hậu môn để có hướng xử lý thích hợp.
1. Các nguyên nhân trẻ đau hậu môn và ngứa hậu môn
Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ có thể gặp tình trạng ngứa hay đau hậu môn, bố mẹ có thể thấy vùng hậu môn trẻ bị mẩn đỏ hoặc kích ứng. Một số nguyên nhân thường gặp khiến trẻ em kêu đau hậu môn là:
1.1. Nhiễm giun kim khiến trẻ đau hậu môn
Một trong những nguyên nhân thường gặp khiến bé bị đau rát hậu môn là do nhiễm giun kim.
Giun kim (tên khoa học là Enterobius vermicularis) là loại ký sinh trùng sống ký sinh trong ruột. Trứng giun kim thường dính vào các đồ vật như đồ chơi chung, giường, quần áo và bồn cầu, có thể tồn tại ngoài môi trường từ 2-3 tuần. Giun kim rất dễ lây lan trong môi trường gia đình hoặc nơi giữ trẻ.
Trẻ nhiễm giun thường do trẻ ăn phải trứng giun kim, khi trẻ đưa tay vào miệng mà không vệ sinh tay trước khi ăn. Nhiễm giun kim đặc biệt thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. Đặc điểm của ngứa do giun kim là cơn ngứa xuất hiện nhiều vào ban đêm, khiến trẻ thức giấc, quấy khóc. Gãi là một phản xạ tự nhiên khi bị ngứa nhưng điều này có thể làm da hậu môn trầy xước và khiến trẻ đau hậu môn.
1.2. Nứt kẽ hậu môn
Khi bị nứt kẽ hậu môn cũng có thể khiến trẻ em kêu đau hậu môn. Ống hậu môn là phần cuối của đường ruột, bao gồm trực tràng, hậu môn và là nơi phân được chuyển qua. Nứt kẽ hậu môn hay nứt hậu môn là sự xuất hiện một vết nứt hoặc vết rách ở niêm mạc của ống hậu môn. Khi bị nứt kẽ hậu môn, trẻ thường có các biểu hiện như:
- Quấy khóc hoặc có các biểu hiện khó chịu khi đi vệ sinh;
- Phân có dạng khối cứng và đi kèm máu tươi phía bên ngoài;
- Hậu môn xuất hiện vết rạch dọc theo vùng da của ống hậu môn;
- Trẻ em kêu đau hậu môn, cảm giác ngứa và kích ứng quanh vùng hậu môn.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng nứt kẽ hậu môn, trong đó nguyên nhân hàng đầu là táo bón. Trẻ em bị táo bón có phân to, cứng nên khi đi qua ống hậu môn có thể làm tổn thương gây nứt kẽ và đây cũng là lý do khiến bé bị đau rát hậu môn.
1.3. Nhiễm liên cầu khuẩn
Nếu trẻ có biểu hiện đỏ, ngứa hoặc đau vùng da quanh hậu môn, sốt, đi ngoài ra phân có máu, trẻ có thể đã bị nhiễm liên cầu khuẩn. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, đặc biệt nếu một thành viên khác trong gia đình gần đây đã bị viêm họng liên cầu khuẩn. Nếu có các triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
1.4. Một số nguyên nhân khác làm ngứa, đau hậu môn ở trẻ em
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể khiến trẻ đau hậu môn, ngứa hậu môn như:
- Chế độ vệ sinh: Nếu trẻ không được lau kỹ vùng hậu môn sau khi đi vệ sinh, vùng da hậu môn bị ẩm hoặc bẩn có thể bị kích ứng, gây ngứa.
- Quần áo quá chật: Nếu quần áo mặc qua vùng hậu môn quá chật sẽ gây ma sát với da, gây khó chịu cho trẻ.
2. Biện pháp phòng ngừa đau hậu môn ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau hậu môn ở trẻ em, sau đây là một số lưu ý bố mẹ có thể tham khảo để phòng ngừa tình trạng trẻ đau hậu môn hoặc ngứa hậu môn.
2.1. Ngăn ngừa nhiễm giun kim
Giun kim là một trong những lý do khiến trẻ ngứa và thậm chí trẻ kêu đau hậu môn. Để ngăn ngừa nhiễm giun ở trẻ, bố mẹ nên:
- Thay đồ lót hàng ngày cho trẻ, giặt đồ bằng nước nóng và sấy khô ở nhiệt độ cao để tiêu diệt trứng giun kim nếu có.
- Thực hiện chế độ ăn chín uống sôi cho trẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Giữ vệ sinh cá nhân như cắt ngắn móng tay, rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc hoặc lây lan trứng giun. Rửa tay sạch sẽ tay trẻ và người chăm sóc sau khi cho trẻ đi vệ sinh, thay tã cho trẻ và trước khi cho trẻ ăn.
- Tẩy giun theo định kì 1-2 lần/năm cho trẻ.
2.2. Các biện pháp phòng ngừa tình trạng nứt kẽ hậu môn
Để ngăn ngừa tình trạng nứt kẽ khiến bé bị đau rát hậu môn, bố mẹ nên chú ý chế độ ăn uống và vệ sinh của bé, cụ thể:
- Nên bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn của bé, tốt nhất từ 20 - 35g chất xơ mỗi ngày.
- Cho bé uống đủ nước để phòng táo bón.
- Hướng dẫn trẻ tránh rặn khi có nhu cầu đi vệ sinh vì sẽ tạo ra áp lực khiến hậu môn có thể bị rách.
Một số lưu ý khác để phòng ngừa tình trạng ngứa và đau ở hậu môn trẻ bao gồm:
- Đảm bảo tã lót, quần áo lót và các loại quần áo khác của trẻ vừa vặn, thoải mái.
- Thường xuyên cắt móng tay của trẻ để không gây thương tích khi gãi.
- Giữ vùng da bộ phận sinh dục và hậu môn của trẻ luôn sạch sẽ, khô ráo.
3. Các chế độ chăm sóc khi trẻ bị đau rát hậu môn
Thông thường tình trạng nứt kẽ hậu môn sẽ tự lành, cha mẹ có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, ngâm hậu môn trong nước ấm để giảm triệu chứng ngứa, khó chịu cho trẻ. Triệu chứng bệnh thường hết sau khoảng 2 tuần. Khi trẻ có dấu hiệu ngứa hậu môn, cha mẹ cũng cần xem xét lại thói quen ngồi bô và vệ sinh cá nhân của bé.
Nếu tình trạng đau, ngứa hậu môn của trẻ không được cải thiện, đặc biệt nếu trẻ bị đau và chảy máu nặng ở hậu môn, táo bón kéo dài và khó chịu, trĩ, ngứa dữ dội và nặng hơn về đêm, đau hay mẩn đỏ ở hậu môn,... cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.