Ước tính có từ 3-4% trường hợp mang thai đến những tuần cuối cùng của thai kỳ mà thai nhi không chịu quay đầu về tư thế thuận. Vậy nguyên nhân thai không quay đầu là do đâu?
1. Vì sao thai nhi cần quay đầu đúng vị trí?
Sự chuyển dịch của thai nhi về tư thế đúng (đầu hướng xuống âm đạo còn mặt và thân trước úp về phía lưng người mẹ) là quy trình tự nhiên giúp em bé có thể chào đời khỏe mạnh và an toàn. Ở tư thế này khi sản phụ chuyển dạ sinh, đầu của em bé sẽ ra trước.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp tư thế thai bất lợi như mông và/hoặc chân ở dưới, đầu trẻ ở phía trên (gọi là ngôi mông/ ngôi ngược). Đây là tình huống sản khoa khá nguy hiểm buộc các bác sĩ phải tiến hành mổ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
2. Thời điểm nào thì thai nhi quay đầu?
Trên thực tế, tùy thuộc vào tình trạng phát triển, sức khỏe và độ co giãn tử cung của người mẹ, mỗi thai nhi sẽ có thời điểm quay đầu khác nhau. Các chuyên gia nhận định, thời điểm thai quay đầu vào khoảng 32-36 tuần tuổi là lý tưởng nhất. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ thai quay đầu sớm từ tuần thứ 28 hoặc đến gần thời điểm chuyển dạ mới có dấu hiệu thay đổi tư thế.
Để biết chính xác thời điểm thai quay đầu cũng như tình trạng thai thực tế, người mẹ nên đi siêu âm. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể cảm nhận được quá trình thai quay đầu thông qua một số dấu hiệu như: chuyển động chân tay em bé, vị trí thai máy.
3. Nguyên nhân thai không quay đầu
Nhiều người thắc mắc “Tại sao thai nhi không quay đầu” thì câu trả lời của một số bác sĩ có thể khiến bạn bất ngờ như: “Thai nhi không thích quay” hoặc “Em bé muốn vậy”. Tuy nhiên có những yếu tố phụ trợ sau đây có thể lý giải phần nào nguyên nhân thai không quay đầu:
- Mang đa thai (hơn 1 thai);
- Sinh non;
- Nước ối quá ít hay quá nhiều;
- Bị nhau tiền đạo (bánh nhau bám vị trí bất thường);
- Dây rốn thai nhi quá dài;
- Tử cung người mẹ có hình dạng bất thường hay có u xơ tử cung.
4. Tại sao thai nhi không quay đầu lại nguy hiểm?
Trong trường hợp thai nhi không quay đầu, hoặc có quay nhưng phần gáy lại hướng về cột sống của mẹ thì gọi là ngôi chẩm sau. Ở tình huống này thai phụ thường gặp phải một số rắc rối như:
- Nguy cơ sinh mổ cao;
- Thời gian chuyển dạ kéo dài;
- Cảm giác bị đau lưng dữ dội (không phải do cơn gò tử cung).
Thai nhi không quay đầu cũng làm tăng nguy cơ em bé bị kẹt trong ngả âm đạo và thiếu oxy từ dây rốn. Vì vậy, rất khó để sinh nở tự nhiên và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Tuy nhiên với công nghệ y học hiện đại ngày nay, các trường hợp thai nhi không quay đầu có nguy cơ sinh khó, biến chứng cao đều được chủ động chỉ định sinh mổ. Nhiều số liệu thực tế đã chứng minh với ngôi thai ngược, sinh mổ an toàn hơn so với sinh tự nhiên, giúp giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng khi sinh. Để chủ động xác định ngôi thai cũng như phương án sinh nở phù hợp, các mẹ bầu nên chủ động khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên trao đổi với bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.