Các nguyên nhân gây u nang buồng trứng rất đa dạng, có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như sảy thai, rối loạn nội tiết hoặc nhiễm trùng vùng chậu,... Bên cạnh đó, bệnh lý này còn thường phát triển âm thầm và không có triệu chứng rõ rệt, nên việc khám phụ khoa định kỳ là cần thiết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
1. U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng xảy ra khi có sự xuất hiện của khối u hoặc dịch tích tụ trong buồng trứng. Đây là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh và cả phụ nữ mang thai.

2. Các dạng u nang buồng trứng
U nang buồng trứng bao gồm một số dạng sau:
- U nang chức năng (bình thường, không liên quan đến bệnh tật).
- U nang bì.
- U nang nội mạc tử cung.
- U nang tuyến.
3. Nguyên nhân gây u nang buồng trứng
Nhiều người thắc mắc vấn đề tại sao bị u nang buồng trứng. Thực tế, các nguyên nhân gây u nang buồng trứng rất đa dạng như:
- Sảy thai: Phụ nữ từng bị sảy thai có nguy cơ cao mắc u nang buồng trứng.
- Có kinh nguyệt sớm: Đây là một yếu tố góp phần làm tăng khả năng phát triển u nang buồng trứng.
- Rối loạn nội tiết tố.
- Suy giảm chức năng tuyến giáp.
- Nang trứng chín bị phá hủy.
- Lạc nội mạc tử cung: Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thường có nguy cơ cao bị u nang buồng trứng.
- Quá trình mang thai: Ở giai đoạn đầu thai kỳ, một số u nang buồng trứng có thể xuất hiện một cách tự nhiên để hỗ trợ bào thai cho đến khi nhau thai hình thành. Tuy nhiên, một vài trường hợp u nang có thể tồn tại cho đến khi kết thúc thai kỳ.
- Nhiễm trùng vùng chậu: Ổ nhiễm trùng tại vùng chậu có thể lan sang buồng trứng và vòi trứng, dẫn đến áp xe.

4. Dấu hiệu nhận biết u nang buồng trứng
U nang buồng trứng thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và phát triển âm thầm. Vì vậy, đa phần bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi kiểm tra phụ khoa định kỳ hoặc thực hiện các xét nghiệm hình ảnh vì những nguyên nhân khác.
Bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng u nang buồng trứng sau khi khối u đã lớn như:
- Đau bụng: Người bệnh cảm nhận cơn đau âm ỉ ở vùng bụng dưới hoặc khi thực hiện một số tư thế hoạt động đặc biệt. Những cơn đau này dễ dàng gây nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác như viêm phần phụ hoặc u xơ tử cung.
- Kinh nguyệt bất thường.
- Khối u khi tăng kích thước sẽ gây áp lực lên các cơ quan lân cận, dẫn đến táo bón hoặc khó tiểu,...
- Người bệnh cần đi khám ngay khi khối u to nhanh, bụng chướng to cùng với những dấu hiệu như chán ăn, mệt mỏi và sụt cân vì đây là các biểu hiện gợi ý u ác tính.
- Các biến chứng từ u nang buồng trứng có thể bao gồm xoắn hoặc vỡ u nang, dẫn đến cơn đau đột ngột, có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn, nôn mửa và chảy máu trong bụng.
Một số xét nghiệm bổ sung cần thực hiện để xác định chính xác u nang buồng trứng là:
- Siêu âm: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này không xâm lấn và có chi phí thấp nhưng lại có khả năng xác định vị trí, hình dạng, kích thước và đặc điểm dịch trong khối u nang buồng trứng. Đây chính là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán u nang buồng trứng.
- Để xác định tính ác tính của khối u, bác sĩ có thể tìm các "dấu ấn" bướu.
- Bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp điện toán (CT scan) trong trường hợp cần thiết.
5. Điều trị u nang buồng trứng như thế nào?
Việc đầu tiên là theo dõi tình trạng u nang buồng trứng.
- Sau khi hành kinh kết thúc, người bệnh cần tiến hành siêu âm để theo dõi sự thay đổi kích thước hoặc tính chất của u nang buồng trứng. Việc này phải được thực hiện thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Sau 1 - 2 chu kỳ kinh, những khối u nang buồng trứng cơ năng thường tự hết mà không cần phải can thiệp điều trị.
U nang buồng trứng cần được phẫu thuật trong các trường hợp nào? Phẫu thuật sẽ được tiến hành khi:
- Khối u to nhanh.
- Nghi ngờ ung thư.
- Khối u tồn tại lâu.
- Khi có triệu chứng chèn ép vào các cơ quan lân cận.

Bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phẫu thuật phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bao gồm mổ nội soi hay mổ mở, cắt khối u hay cắt cả phần phụ hoặc cả tử cung,...
Nhìn chung, các nguyên nhân gây u nang buồng trứng rất đa dạng và khối u này thường phát triển âm thầm, không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi đủ lớn để tác động đến các cơ quan khác. Do đó, việc khám phụ khoa định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời u nang buồng trứng cũng như các bệnh lý phụ khoa khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.