Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai

Lượng máu ở người bình thường được xác định thông qua xét nghiệm nồng độ hemoglobin (Hb) trong máu. Nếu nồng độ Hb dưới 13g/dl ở nam và 12 g/dl ở nữ thì đối tượng được xem là thiếu máu. Thai phụ được chẩn đoán là thiếu máu khi mang thai khi Hb dưới 11g/dl.

1. Thiếu máu khi mang thai ảnh hưởng như thế nào?

Vai trò của hemoglobin là mang oxy theo dòng máu đi đến cung cấp cho các chuyển hóa tạo năng lượng tại từng tế bào, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tim. Vì vậy, ở người bình thường, tình trạng thiếu máu sẽ làm cho cơ thể suy nhược, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, kém tập trung. Nếu thiếu máu diễn tiến kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, mắc các bệnh lý tim mạch, dễ nhiễm trùng tái đi tái lại. Tuy nhiên, thiếu máu ở sản phụ sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ bản thân người mẹ, nhất là các phụ nữ đã bị thiếu máu từ trước, và còn ảnh hưởng đến cả thai nhi.

Đối với sản phụ, sảy thai dễ xảy ra trong tam cá nguyệt đầu hay thai lưu hoặc vỡ ối sớm, nhau bong non, sinh non trong tam cá nguyệt cuối. Đồng thời, giai đoạn thai kì cũng phải đối diện với nguy cơ cao bị tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật – sản giật, nhiễm trùng ối, ối vỡ sớm; giai đoạn chuyển dạ dễ bị chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Khi trẻ chào đời, bà mẹ có thể bị thiếu sữa nuôi con, dễ suy kiệt...

Đối với bào thai, tình trạng suy thai trường diễn do suy dinh dưỡng thường gặp. Trẻ sinh ra hay bị nhẹ cân, sinh non tháng, vàng da sau sinh, thời gian điều trị dưỡng nhi kéo dài. Bên cạnh đó, con của những bà mẹ thiếu máu trong thai kỳ sẽ bị tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn trẻ khác về sau này. Mặt khác, nếu chế độ ăn uống còn thiếu acid folic kèm theo có thể gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi như tật vô sọ, cột sống chẻ đôi; thiếu i-ốt làm con sinh ra bị suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần - trí tuệ...

Chính vì vậy, việc duy trì hemoglobin trong giới hạn sinh lý là rất quan trọng ở dân số bình thường nói chung, các phụ nữ mang thai nói riêng. Đồng thời, thai kỳ có thiếu máu thiếu sắt sẽ được xem là một thai kỳ nguy cơ cao.


Thiếu máu khi mang thai có thể gây nguy cơ sảy thai
Thiếu máu khi mang thai có thể gây nguy cơ sảy thai

2. Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai trong ba tháng đầu

Mang thai là một hoạt động gắng sức kéo dài, không chỉ hao tốn sức lực của người mẹ mà còn tiêu thụ rất nhiều năng lượng dự trữ để hình thành thai nhi. Trong khi đó, các phụ nữ trong giai đoạn sinh sản, do thường xuyên mất máu trong các chu kỳ kinh nguyệt, vốn dĩ đã là các đối tượng có nguy cơ thiếu máu rất cao trong cộng đồng. Đến lúc phát hiện có thai, nguy cơ này sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Trong ba tháng đầu, giai này đôi khi xảy ra các hiện tượng chảy máu âm đạo sinh lý lẫn bệnh lý. Trong các trường hợp xuất huyết sinh lý, lượng máu mất đi thường ít, màu đỏ tươi do thai làm tổ trên bề mặt niêm mạc tử cung đang rất tăng sinh mạch máu nuôi, sẵn sàng chào đón phôi đến bám dính. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm đến các trường hợp có dị tật, tổn thương tử cung hay có can thiệp trên niêm mạc tử cung trước đó, như mắc bệnh tăng sinh nội mạc tử cung vô căn, u xơ tử cung, các thủ thuật bóc tách, nạo phá hai trong lòng tử cung... Điều này sẽ làm lượng máu mất sinh lý do thai làm tổ vô tình tăng lên nhiều hơn.

Nếu lượng máu xuất hiện qua âm đạo nhiều, màu đỏ hay đen, kéo dài nhiều ngày và sản phụ có kèm đau bụng, siêu âm thấy nhau thai bong tróc hay không còn thấy phôi thai, thấy phôi thai nhưng không thấy tim thai, thử nồng độ bHCG trong máu đột ngột sụt giảm... thì cần nghĩ đến khả năng sảy thai, dọa sảy thai, thai lưu. Khi đó, cần đến bệnh viện can thiệp sớm, tránh xảy ra các biến chứng như rối loạn đông máu, gây chảy máu ồ ạt. Nếu để muộn, tình trạng thiếu máu cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng.

3. Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai trong ba tháng giữa

Ba tháng giữa là giai đoạn bào thai có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Dưới màn hình siêu âm thai định kỳ, các mẹ bầu thấy con lớn “nhanh như thổi” và tâm trạng vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu một chế độ ăn không đầy đủ năng lượng và đa dạng các dưỡng chất cần thiết, sản phụ sẽ đối diện với nguy cơ thiếu máu trầm trọng, gây suy dinh dưỡng bào thai, thậm chí thai nhi sẽ mắc phải các dị tật bẩm sinh.

Theo đó, khi sự bám dính của bánh nhau vào thành tử cung đã được củng cố, nguyên nhân thiếu máu trong giai đoạn này vốn dĩ chỉ là sự mất quân bình “cung - cầu”. Chính vì vậy, bản thân sản phụ và gia đình cần có kiến thức tiền sản tốt trong việc xây dựng thực đơn hàng ngày, chú trọng các nguồn thực phẩm giàu chất sắt.

Bên cạnh đó, để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt nói riêng hay thiếu vi chất dinh dưỡng trong thai kỳ nói chung, ngoài chế độ ăn hàng ngày, các mẹ bầu cần chủ động bổ sung thêm bằng các viên sinh tố tổng hợp đặc chế riêng cho phụ nữ có thai.


Mẹ bầu cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai
Mẹ bầu cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai

4. Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai trong ba tháng cuối

Trong ba tháng cuối, tốc độ tăng trưởng của thai nhi bắt đầu chậm lại, chủ yếu để thuận tiện cho việc xoay đầu, sẵn sàng tư thế chuẩn bị chuyển dạ. Theo các quan sát, một cuộc chuyển dạ sinh thường luôn đối diện nguy cơ mất đi trung bình là 500 ml máu. Lượng máu mất này có thể tăng gấp đôi nếu chọn phương pháp phẫu thuật. Trong các tình huống phải mổ bắt con cấp cứu, lượng máu mất đôi khi không thể kiểm soát được và phải bắt buộc truyền máu.

Không chỉ như vậy, nếu xảy ra các tai biến hậu sản như bong nhau chậm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản..., nguy cơ mất máu vẫn còn tiếp diễn. Chính vì thế, việc chuẩn bị thể lực cho các bà bầu vượt cạn, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con là việc rất cần được quan tâm không chỉ trong tam cá nguyệt cuối mà suốt cả thai kỳ.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

Tóm lại, giai đoạn mang thai luôn phải đối diện với nguy cơ thiếu máu bất cứ lúc nào. Các kiến thức về tiền sản tốt, chuẩn bị thể lực tốt khi mang thai, bổ sung dinh dưỡng kết hợp với viên thuốc sắt uống hàng ngày là việc cần làm để giảm nguy cơ thiếu máu trong thai kỳ và được “mẹ tròn, con vuông”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ.

Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe