Suy tim tâm trương là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến suy tim toàn bộ.
1. Nguyên nhân gây suy tim tâm trương
Suy tim tâm trương là do cơ tim trở nên cứng và dày làm cho tâm thất trái khó giãn rộng để chứa đủ máu. Theo thời gian, máu ở tâm nhĩ trái không thể đẩy hết xuống tâm thất trái dẫn đến tình trạng ứ máu lại ở phổi và gây ra các triệu chứng giống như các bệnh lý đường hô hấp.
Nguyên nhân suy tim tâm trương có liên quan đến một số bệnh lý sau:
- Tăng huyết áp: Là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Huyết áp tăng cao buộc tim phải nỗ lực co bóp để thắng được áp lực lớn trong lòng mạch, kết quả là cơ thất trái phì đại và gia tăng số lượng mô liên kết, cuối cùng cơ tim sẽ trở nên cứng đờ.
- Bệnh tiểu đường: Biến chứng của bệnh tiểu đường trên tim làm cho thành cơ tim trở nên xơ cứng và dày hơn.
- Bệnh mạch vành: Khiến cơ tim không nhận được đủ oxy cần thiết để đảm bảo chức năng đổ đầy của tâm thất.
- Hẹp động mạch chủ: đây là nguyên nhân làm cho thành tâm thất trái bị dày lên.
- Rối loạn nhịp tim nhanh hoặc chậm: Tim đập quá nhanh sẽ làm giảm thời gian đổ đầy máu cho tâm thất trái. Tim đập quá chậm sẽ làm tăng thời gian đổ đầy máu cho tâm thất trái.
- Tuổi tác: Tuổi cao đi kèm với lão hóa làm tăng sinh lớp tạo keo (collagen) trong tim, giảm lượng tế bào cơ tim và sự đàn hồi của các sợi cơ tim. Đây cũng là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh mạch vành... gây suy tim tâm trương.
- Bệnh cơ tim phì đại: vách thất trái dày lên khiến thể tích buồng thất trái giảm.
- Bệnh màng ngoài tim: khiến cho dịch tích tụ hoặc làm dày màng ngoài tim.
Các nguyên nhân hay yếu tố khác làm nặng tình trạng suy tim tâm trương bao gồm:
- Không tiết chế, tự giảm thuốc điều trị suy tim không đúng
- Nhiễm trùng, thiếu máu. Đang có thai.
- Khởi đầu sử dụng các thuốc có thể làm nặng suy tim: CKCa (Verapamil, Diltiazen), kháng viêm không Steroid, thuốc chống loạn nhịp (nhóm I, Sotalol- nhóm III).
- Sử dụng rượu bia quá mức.
2. Điều trị suy tim tâm trương
Mặc dù suy tim nói chung và suy tim tâm trương nói riêng là 1 trong 5 bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới nhưng nếu tìm được giải pháp điều trị phù hợp cùng với một lối sống khoa học, lành mạnh thì người bệnh hoàn toàn có thể sống lâu, sống khỏe với căn bệnh này.
Can thiệp vào các nguyên nhân gây nên suy tim tâm trương: Điều trị các bệnh gây suy tim tâm trương như bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh mạch vành... Mục tiêu của điều trị là làm giảm áp lực mao mạch phổi, duy trì khả năng co bóp của nhĩ, tăng khả năng gắng sức của bệnh nhân
Các thuốc thường dùng trong điều trị suy tim tâm trương bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: có tác dụng giảm bớt sưng phù, hạn chế gánh nặng cho tim.
- Thuốc ức chế men chuyển ACE: giúp hạn chế phì đại thất trái, hạ huyết áp.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: nhóm chẹn beta và nhóm chẹn kênh canxi có tác dụng làm chậm nhịp tim để kéo dài thời gian làm đầy thất trái, đồng thời giúp làm hạ huyết áp.
Nếu dùng thuốc không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp can thiệp ngoại khoa như nong mạch vành, đặt stent, bắc cầu động mạch vành hoặc sửa chữa van tim hoặc thay van tim.
Tiên lượng của người bệnh suy tim tâm trương còn tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh. Để có kết quả điều trị tốt nhất, đòi hỏi người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, tuân thủ y lệnh và phát hiện kịp thời những bất thường để xử trí đúng cách.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim