Nguyên nhân gây rối loạn kali máu

Rối loạn Kali máu là tình trạng rối loạn điện giải thường gặp trên lâm sàng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn Kali máu.

1. Vai trò của Kali đối với cơ thế

  • Kali có vai trò quan trọng đối với chức năng của các tế bào thần kinh và cơ bắp bao gồm cả cơ tim. Kali tham gia trong dẫn truyền xung động thần kinh, thăng bằng kiềm toan, hoạt động của các men và chức năng của màng tế bào.
  • Mức kali bình thường trong huyết thanh thường duy trì 3,5 - 5,2 mmol/L. Nồng độ kali trong máu cao hơn 6.0 mmol/L hay thấp hơn 2.5mmol/L có thể gây ra các rối loạn nguy hiểm và cần phải điều trị ngay lập tức.
  • Nguy hiểm là tăng hay hạ kali máu đều có thể gây ra yếu cơ, liệt mềm do cùng dẫn đến mất cân bằng về ion cho kích thích mô thần kinh cơ. Cả hai trường hợp trên đều làm giảm tính kích thích và khả năng dẫn truyền của cơ tim, khả năng đưa đến ngừng tim, trụy tim mạch rất cao.

Khi nồng độ kali trong máu cao hay thấp cũng có thể gây ra các rối loạn nguy hiểm
Khi nồng độ kali trong máu cao hay thấp cũng có thể gây ra các rối loạn nguy hiểm

2. Nguyên nhân gây rối loạn Kali máu

2.1. Hạ Kali máu

  • Hạ kali máu mức độ nhẹ khi nồng độ kali máu từ 3 – 3,5 mmol/l.
  • Hạ kali máu mức độ trung bình khi nồng độ kali máu từ 2,5 - 3,0 mmol/l.
  • Hạ kali máu mức độ nặng khi nồng độ kali máu dưới 2,5 mmol/l.

Nguyên nhân

  • Mất qua đường tiêu hóa: tiêu chảy, dùng thuốc nhuận tràng quá mức, rò ruột, rò mật, rò thông ống dẫn tiểu ruột, ói mửa nhiều, hút dạ dày, kiềm máu.
  • Mất qua bài tiết qua da: đổ mồ hôi nhiều vượt quá khả năng bù trừ của cơ thể cũng có thể gây hạ kali máu.
  • Mất qua đường tiết niệu: lợi tiểu quai (lợi tiểu thải muối), lợi tiểu thẩm thấu, toan huyết do nguyên nhân ống thận, một số loại kháng sinh, cường Aldosterone, hội chứng Fanconi, dùng quá nhiều Corticoides, hội chứng Bartter.
  • Kali đưa vào cơ thể không đủ: trong các trường hợp ăn kiêng, suy kiệt hay hậu phẫu với chế độ dinh dưỡng không phù hợp.
  • Kali di chuyển từ ngoại bào vào trong nội bào: do kiềm hóa môi trường ngoại bào hoặc sử dụng Glucose ưu trương có pha Insulin nhằm điều trị tăng kali máu.

Lâm sàng

  • Xảy ra khi nồng độ < 3 – 3,5 mmol/l.
  • Các dấu hiệu rối loạn thần kinh cơ: dị cảm, yếu - nhược cơ, giảm phản xạ gân xương, liệt ruột, táo bón, cũng có khi tiêu chảy, hay nôn nhiều, nôn không kiểm soát.
  • Rối loạn về nhịp tim, huyết động. Tụt huyết áp tư thế.
  • Gia tăng tính nhạy cảm với các thuốc nhóm digitalis.
  • Các thay đổi về điện tim: sóng T thấp - dẹt, xuất hiện sóng U, sóng T âm - đảo chiều, sóng U cao nhọn, PR dài ra, ST thấp, block nhĩ thất các cấp độ.
  • Giảm khả năng dung nạp glucose.
  • Kiềm máu làm cho bệnh nhân xơ gan dễ vào hôn mê gan.

Một trong những nguyên nhân gây hạ kali là đổ mồ hôi, mất nước quá nhiều
Một trong những nguyên nhân gây hạ kali là đổ mồ hôi, mất nước quá nhiều

2.2. Tăng Kali máu

  • Tăng Kali máu mức độ nhẹ khi > 5,5 - 6,0mmol/l
  • Tăng Kali máu mức độ trung bình: 6,0 - 6,5 mmol/l
  • Tăng Kali máu mức độ nặng khi > 6,5mmol/l

Nguyên nhân

  • Giảm bài tiết qua đường thận: Suy thận cấp, đợt cấp suy thận mạn, hội chứng Addison, hội chứng giảm Renin, Aldosterone, lợi tiểu giữ muối, bệnh thận tắc nghẽn.
  • Tái phân phối kali từ dịch nội bào ra ngoại bào trong trường hợp: Toan máu. Quá liều các thuốc nhóm Digitalis (Digoxin), thiếu hụt insulin, gia tăng nhanh chóng thẩm thấu dịch ngoại bào (do dùng nhiều Glucose ưu trương, Mannitol 20%).
  • Lượng Kali gia tăng từ nguồn ngoại sinh:
  • Chế độ ăn, uống thực phẩm không hợp lý có chứa nhiều kali.
  • Uống viên kali, truyền kali bổ trung qua đường tĩnh mạch, truyền máu.
  • Kali nội sinh gia tăng do hủy hoại các mô (tan máu, ly giải cơ vân, sau phẫu thuật lớn, xuất huyết tiêu hóa các mức độ, chấn thương có chèn ép, tình trạng tắc mạch cấp tính).
  • Tăng kali máu giả tạo trong một số trường hợp:
  • Kali phóng thích từ các mẫu máu bị đông có tăng cao bạch cầu hay tiểu cầu.
  • Tan máu hoặc đông máu ở các mẫu máu.
  • Garo chi thể, garo mạch máu kéo dài.

Với các trường hợp này cần phải lấy mẫu máu kiểm tra lại hoặc sử dụng xét nghiệm khí máu kiểm tra nồng độ kali trong máu để khẳng định tình trạng rối loạn kali máu có hay không.

Lâm sàng

  • Thường xảy ra khi nồng độ Kali máu mức độ nặng > 6,5 mmol/l; nhưng đôi khi một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng rất sớm khi chỉ tăng ở mức độ nhẹ.
  • Khi Kali máu tăng đưa tới cản trở dẫn truyền thần kinh (Acetylcholine) đưa tới liệt cơ, giảm phản xạ gân xương, phù tế bào, nhịp chậm, ngừng tim đột ngột (rung thất hoặc vô tâm thu).
  • Triệu chứng thần kinh cơ: dị cảm, yếu cơ, giảm phản xạ, mất phản xạ, liệt cơ.
  • Triệu chứng ở tim: hầu hết xảy ra khi nồng độ kali máu tăng trên 8 mmol/l.
  • Nhịp tim chậm, ngừng tim do rung thất hoặc vô tâm thu.
  • Rối loạn về điện tim: sóng T cao nhọn, giãn rộng, ST ngắn, sóng P và R giảm biên độ, PR kéo dài, QRS giãn rộng, khoảng QT kéo dài ra, không thấy sóng P.
  • Biến đổi về điện tim thấy rõ khi xuất hiện tình trạng toan máu, pH máu giảm, nồng độ Natri trong máu giảm, calcium trong máu giảm.

Các trường hợp rối loạn kali máu dù tăng hay hạ để có thể gây ra các biến đổi từ nhẹ tới nặng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Cần sớm được phát hiện, điều chỉnh bằng các biện pháp phù hợp một cách bài bản và có sự kiểm soát của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe