Nguyên nhân gây ra tổn thương da

Da là một cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể, những tổn thương da cũng rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Mặc dù đa số nguyên nhân gây tổn thương trên đều lành tình tự khỏi nhưng cũng có không ít tổn thương trở thành mãn tính và nguy hiểm.

1. Các dạng tổn thương da thường gặp

Một số tổn thương cơ bản thường gặp trên da bao gồm:

  • Tổn thương dạng dát: Đây là những thương tổn da phẳng trên mặt da không sờ thấy được. Đường kính tổn thương dạng dát dưới 10 mm. Dát là dạng thay đổi sắc tố, không nồi cao hoặc lõm xuống hơn bề mặt da. Một số ví dụ về tổn thương dạng dát gồm tàn nhang, nốt ruồi phẳng, hình xăm, rubella, bệnh sởi và một số dị ứng phát ban do dị ứng thuốc.
  • Sẩn: Thương tổn này thường nổi cao hơn so với mặt da, nên có thể cảm nhận được hoặc sờ thấy. Ví dụ như hạt cơm, lichen phẳng, vết côn trùng cắn, trứng cá.
  • Tổn thương dạng mảng: Đây là những tổn thương có thể sờ thấy được và có đường kính trên 10mm, nổi cao hơn hoặc lõm so với bề mặt da. Tổn thương dạng mảng có thể gặp trong các bệnh như vảy nến...
  • Cục: Đây là tổn thương giống dạng sẩn nhưng mật độ chắc hoặc tổn thương lan rộng vào lớp trung bì hoặc hạ bì. Một số ví dụ như bệnh u nang, u xơ...
  • Mụn nước: là thương tổn nhỏ, chứa đầy dịch ở bên trong và đường kính thương dưới 10 mm. Thương tổn mụn nước đặc trưng của các bệnh như nhiễm virus herpes, viêm da tiếp xúc cấp tính...
  • Bọng nước là những thương tổn chứa đầy dịch bên trong và có đường kính lớn hơn 10 mm. Thương tổn bọng nước có thể được hình thành do bỏng, viêm da tiếp xúc dị ứng và kích ứng, các phản ứng do thuốc và các bệnh da bọng nước tự miễn như pemphigus. Bọng nước thường là những tổn thương sâu dễ gây ra sẹo sau khi tổn thương lành.
  • Mụn mủ là các thương tổn thương tương tự như mụn nước nhưng chứa mủ. Thương tổn mụn mủ gặp trong các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Sẩn phù: Là một dạng sẩn có thể xuất hiện như tổn thương mảng nhưng là do giãn mạch máu dưới da. Đây là một biểu hiện phổ biến gặp trong phản ứng quá mẫn như với thuốc, ong đốt hoặc côn trùng đốt, tự miễn dịch và thường kéo dài không quá 24 giờ.
  • Vảy: là sự tích tụ của các tế bào sừng trên da, có thể mềm hoặc cứng. Trường hợp vảy tiết bao gồm huyết thanh, máu, hoặc mủ khô, có thể thấy trong bệnh da viêm hoặc da nhiễm trùng.
  • Trợt: Tổn thương này gây ra do mất một phần hoặc toàn bộ lớp thượng bì. Trợt có thể do chấn thương hoặc có thể xảy ra trong các bệnh nhiễm trùng da, tổn thương do gãi.
  • Loét: Tổn thương này là hậu quả của mất lớp thượng bì và ít nhất là một phần lớp trung bì. Một số ví dụ như loét do tỳ đè, nhiễm trùng...
  • Tổn thương dạng xuất huyết: Những điểm xuất huyết là do máu thoát từ lòng mạch ra khỏi khoảng kẽ, khi ấn kính không mất màu. Các nguyên nhân bao gồm giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, viêm mạch, bệnh màng não mô cầu...

Với mỗi bệnh có thể được mô tả với những dạng tổn thương cơ bản trên da khác nhau. Từ những biểu hiện tổn thương trên da có thể giúp nhận biết được một số nguyên nhân gây bệnh.


Mụn nước là một tình trạng da bị tổn thương
Mụn nước là một tình trạng da bị tổn thương

2. Những nguyên nhân gây tổn thương da

Da bị tổn thương có thể do những nguyên nhân rất đa dạng gây ra như do vi sinh vật, bệnh tự miễn, bệnh do cơ địa dị ứng... Với mỗi nguyên nhân gây bệnh thường những tổn thương trên da này có biểu hiện khác nhau và cũng cần có các biện pháp điều trị, chăm sóc khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây ra tổn thương trên da:

  • Chàm: Hay còn được gọi là viêm da cơ địa, thường bắt đầu khi bạn còn nhỏ. Tổn thương cơ bản trong bệnh chàm thường gặp đó là mụn nước và xu hướng xuất hiện ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối hoặc cổ tay, nhưng có thể ảnh hưởng đến những nơi khác như da đầu hoặc má. Thường kèm theo ngứa và tình trạng khô da. Bệnh này có thể tái phát khi tiếp xúc tác nhân gây bệnh hoặc những khi thời tiết khô hanh. Việc điều trị giúp cải thiện triệu chứng khó chịu của bệnh và hạn chế việc tái phát bệnh.
  • Mụn trứng cá: Khi tế bào da chết tích tụ và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, có thể gây ra tình trạng mụn trứng cá với biểu hiện mụn đỏ, trắng hoặc đen. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm nội tiết tố, tiền sử gia đình và sử dụng một số loại thuốc. Để điều trị mụn bạn cần làm sạch da, giữ cho mụn không bị nhiễm khuẩn và sử dụng một số loại thuốc do bác sĩ kê đơn.
  • Bệnh viêm da do yếu tố tự miễn
  • Bệnh vẩy nến: Đây là một bệnh tự miễn dịch có thể mắc phải khi hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động quá mức, làm cho các tế bào da phát triển nhanh hơn bình thường và khiến cho nó tích tụ thay vì bong ra. Tổn thương của vảy nến là những mảng sần sùi, có vảy và nổi lên được gọi là mảng trên da, hay gặp ở những vị trí tỳ đè như khủy tay, đầu gối...làm nghiệm pháp cạo vảy da dương tính. Bác sĩ sẽ điều trị bằng các liệu pháp bôi ngoài da, các loại thuốc bạn dùng bằng đường uống hoặc dạng tiêm, hoặc liệu pháp ánh sáng.
  • Bệnh Pemphigus: Đây là bệnh tự miễn rất hiếm gặp gây ra tổn thương cơ bản là bọng nước, gây phá vỡ liên kết của tế bào da. Những bọng nước này rất dễ vỡ, sờ vào cảm giác mềm và bệnh này cần được điều trị để tránh nguy cơ biến chứng như nhiễm khuẩn.
  • Tổn thương dạng u trên da
  • Một số dạng u lành tính như u mỡ, u xơ gây ra tổn thương dạng cục trên da.
  • Ung thư da: Nếu thấy các vết loét hở không lành, các mảng đỏ hoặc dễ bị kích ứng, vết sưng bọng, các nốt nhỏ màu hồng hoặc các nốt giống như sẹo, đặc biệt nếu chúng mới hoặc đang phát triển ở bất kỳ vị trí nào. Chúng thường xuất hiện ở những nơi thường xuyên nhìn thấy ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, da đầu, ngực và lưng. Khi thấy những tổn thương lâu lành này bạn nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám sớm.

  • Herpes Simplex: Tình trạng này là do một loại virus gây ra và tổn thương cơ bản là mụn nước trên miệng, cơ quan sinh dục và có thể kèm theo sốt, ngoài ra chúng có thể gây đau đớn và chứa đầy chất lỏng. Có thể bị lây bệnh khi hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Bệnh có thể tự khỏi mà không hề hay biết hoặc bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc uống kháng virus và các thuốc điều trị các triệu chứng.
  • Bệnh tổ đỉa: Loại tổn thương này thường có hình đồng xu, màu đỏ, hơi hồng hoặc nâu và có thể chảy nước, ngứa hoặc bỏng. Nó thường xuất hiện trên cánh tay, chân, thân hoặc bàn tay. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh này, nhưng nam giới có xu hướng mắc bệnh này nhiều hơn nữ giới. Khi mắc bệnh thì cần điều trị bằng corticosteroid và kháng sinh.
  • Dày sừng: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều năm có thể dẫn đến các mảng sần sùi, có vảy trên mặt, tai, cẳng tay, da đầu hoặc mu bàn tay và chúng thường xuất hiện sau tuổi 40, cũng có khả năng nhỏ chuyển thành ung thư da. Bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc hoặc loại bỏ tổn thương này bằng cách đông lạnh hoặc phẫu thuật bỏ chúng đi.
  • Chốc lở: Những vết loét đỏ gần mũi, miệng và trên bàn tay và bàn chân phát triển thành lớp vảy màu nâu, bệnh chốc lở do vi khuẩn gây ra và phổ biến nhất ở trẻ em, trẻ sơ sinh. Bệnh do vi khuẩn gây ra nên cần điều trị bằng kem kháng sinh.
  • Ghẻ: Những con bọ nhỏ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei có thể chui vào da và gây ra những vết sưng đỏ, ngứa, thường ở các nếp gấp trên da. Bạn có thể bị lây bệnh khi dùng chung giường hoặc quần áo với người bị ghẻ. Bệnh không thể tự khỏi và cần được điều trị bằng thuốc bôi hoặc có thể cần phải dùng thuốc đường uống.
  • Viêm da tiếp xúc: Một số chất có trong đồ trang điểm, kim loại, thuốc nhuộm, xà phòng hoặc một số loại cây có độc có thể gây kích ứng và làm da bạn bị viêm. Da bị tổn thương dạng mụn nước và ngứa ở chỗ chạm vào chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng. Điều trị cần dùng Steroid tại chỗ hoặc một số trường hợp cần dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để chăm sóc các tổn thương da nghiêm trọng.

Chốc lở là một trong các nguyên nhân khiến da bị tổn thương
Chốc lở là một trong các nguyên nhân khiến da bị tổn thương

3. Những lưu ý khi bị tổn thương da

  • Tổn thương da rất đa dạng cho nên nếu thấy những tổn thương xuất không chắc chắn là do đâu và bạn thấy lo lắng về nó nên thăm khám để biết cách điều trị bệnh phù hợp nhất. Ngoài ra, nếu thấy tổn thương lâu khỏi, kèm theo sốt, đau và nó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống tới thăm khám sớm.
  • Không nên dùng những loại dung dịch hay lá không đảm bảo vệ sinh đắp lên các tổn thương trên da, vì có nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Tránh việc sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt là kháng sinh và thuốc chống viêm steroid. Bởi một số trường hợp không cần thiết hoặc làm tăng nguy cơ biến chứng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên tránh rượu bia, chất kích thích, tăng cường rau xanh và trái cây.
  • Chăm sóc những tổn thương trên da tránh nhiễm khuẩn bằng cách đắp gạc lên tổn thương, cố gắng hạn chế gãi tổn thương, rửa bằng nước muối loãng...

Hy vọng thông qua bài viết bạn đã biết được một số nguyên nhân gây tổn thương da. Từ đó có những cách chăm sóc và điều trị phù hợp nhất. Một số tổn thương trên da cần phải được điều trị mới có thể khỏi được cho nên thấy những tổn thương lâu khỏi, có dấu hiệu nhiễm khuẩn như sốt, chảy mủ, đau nhiều... cần tới thăm khám và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe