Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Gây tê tủy sống là thủ thuật đang được áp dụng rộng rãi trong các phẫu thuật bụng dưới, chi dưới hoặc phẫu thuật tiết niệu. Tuy nhiên, các thuốc sử dụng trong phương pháp gây tê này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, điển hình là tình trạng đau đầu sau gây tê tủy sống.
1. Sơ lược về gây tê tủy sống
1.1 Gây tê tủy sống là gì?
Về mặt giải phẫu, có 3 lớp màng bao bọc tủy sống theo thứ tự từ ngoài vào trong là màng cứng - màng nhện - màng mềm. Gây tê tủy sống là thủ thuật vô cảm, trong đó bác sĩ tiêm thuốc gây tê hoặc thuốc giảm đau vào khoang nằm giữa màng nhện và màng mềm của cột sống. Thuốc tê sẽ gây tê liệt dẫn truyền thần kinh từ vùng tủy sống, giúp làm giảm đau các khu vực nhất định trên cơ thể.
Ưu điểm của phương pháp gây tê tủy sống là thao tác đơn giản, có tác dụng nhanh, tỷ lệ thất bại thấp, sử dụng liều thuốc tối thiểu và giúp giãn cơ tốt. Gây tê tủy sống thường áp dụng cho các trường hợp như: Phẫu thuật chỉnh hình khớp xương hoặc xương cẳng chân, phẫu thuật thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch, cắt trĩ, phẫu thuật các mạch máu ở chân, điều trị sa tử cung, mổ lấy thai, phẫu thuật tiết niệu (bàng quang, tuyến tiền liệt, bộ phận sinh dục),...
1.2 Vấn đề thường gặp sau gây tê tủy sống
- Biến chứng về thần kinh: Liệt, tổn thương thần kinh, hội chứng chùm đuôi ngựa, đau đầu;
- Biến chứng về tim mạch: Hạ huyết áp, nhịp tim chậm;
- Biến chứng hô hấp: Khó thở, ngưng thở;
- Biến chứng khác: Nhiễm trùng, đau lưng, bí tiểu, ngứa, run,...
2. Nguyên nhân gây đau đầu sau gây tê tủy sống
Đau đầu là tác dụng phụ phổ biến sau gây tê tủy sống, đặc biệt là ở nữ giới và người trẻ tuổi. Đau đầu sau gây tê tủy sống có thể kéo dài hàng tuần.
2.1 Nguyên nhân gây đau đầu sau gây tê tủy sống
Nguyên nhân của hiện tượng đau đầu sau gây tê tủy sống là do rò rỉ dịch não tủy qua lỗ thủng màng cứng. Hiện tượng rò dịch não tủy làm giảm áp lực nội sọ, khiến các cấu trúc nội sọ nhạy cảm (như tĩnh mạch, màng não, các dây thần kinh sọ,...) bị kéo xuống dưới, gây đau đầu với triệu chứng đặc trưng là đau tăng khi bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng. Ngoài ra, tình trạng giảm áp lực nội sọ còn có thể gây giãn mạch máu nội sọ với biểu hiện đau đầu.
2.2 Triệu chứng
Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu vùng trán - chẩm, đau sau khi gây tê khoảng 12 - 36 giờ, đau tăng khi ở tư thế đứng thẳng và giảm khi nằm ngửa. Khi dùng áp lực đè vào vùng bụng người bệnh ở tư thế nằm ngửa thì có thể làm giảm mức độ đau đầu. Các triệu chứng phối hợp gồm cứng cổ, ù tai, sợ ánh sáng, rối loạn thị giác và liệt các dây thần kinh sọ não.
Cần chẩn đoán phân biệt đau đầu sau gây tê tủy sống với các tình trạng khác như nhiễm trùng, viêm màng não, tắc tĩnh mạch não, nhồi máu não, đau đầu Migraine, máu tụ dưới màng cứng, có máu tụ trong khoang tủy sống, đau đầu do stress, đau đầu do tăng huyết áp, mất nước, khí trong não,...
2.3 Biện pháp phòng ngừa - điều trị
Để hạn chế tình trạng đau đầu sau gây tê tủy sống, đã có nhiều biện pháp được nghiên cứu áp dụng như:
- Cải tiến đầu kim tiêm tủy sống để hạn chế rò rỉ dịch não tủy qua lỗ thủng màng cứng, giảm đau đầu hiệu quả;
- Sử dụng caffeine, cosyntropin, theophylline, sumatriptan,... Cơ chế tác dụng giảm đau đầu sau gây tê tủy sống của caffeine là làm giảm áp lực trong não, giúp co mạch máu não.
Trên lâm sàng, để hạn chế tác dụng phụ đau đầu, các bác sĩ thường sử dụng kim gây tê đầu nhỏ, đầu kim hình bút chì (tách những sợi màng cứng ra, giúp đóng lỗ thủng màng cứng nhanh hơn); cho bệnh nhân uống coca và khuyên người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế thay đổi tư thế.
Thông thường, triệu chứng này sẽ tự khỏi trong vòng 7 ngày. Nếu triệu chứng đau đầu gây khó chịu thì bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp đau đầu không tự khỏi sau 7 ngày hoặc người bệnh bị đau đầu dữ dội thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, hỗ trợ. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau hoặc điều trị can thiệp dán máu màng cứng tự thân, tiêm dịch vào khoang ngoài màng cứng, tiêm Morphin vào khoang ngoài màng cứng, điều trị ngoại khoa,...
Phần lớn các trường hợp đau đầu sau gây tê tủy sống sẽ tự khỏi. Để hạn chế nguy cơ này, có thể áp dụng các biện pháp như lựa chọn đúng kỹ thuật, cỡ kim gây tê, hình dạng đầu kim, sử dụng thuốc hỗ trợ,...
Với mục tiêu mang đến cho người bệnh những kỹ thuật y khoa tiên tiến nhất trên thế giới, hạn chế biến chứng và rủi ro, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai áp dụng kỹ thuật gây tê mặt phẳng sống ESP. Đây là kỹ thuật giảm đau có thể thay thế hoàn toàn morphin giảm đau trong phẫu thuật tim hở và phẫu thuật lồng ngực ở cả người lớn và trẻ em với nhiều ưu điểm nổi bật:
- Giúp giảm đau toàn diện, không biến chứng, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực, loại trừ nguy cơ đau sau mổ và đau mãn tính trên 96% bệnh nhân mổ tim.
- Không ảnh hưởng trực tiếp đến tủy sống và những cấu trúc giải phẫu của thần kinh
- An toàn hơn do thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm
- Không có trường hợp phải thêm liều giảm đau morphin khi rạch da, cưa xương ức.
- Giảm đáng kể liều thuốc giảm đau Sufentanil trong mổ.
- Mức độ đau sau rút ống nội khí quản, khi vận động và khi rút ống dẫn lưu (VAS <3).
- Không có biến chứng tụ máu, tụt huyết áp hay tê quá mức, ức chế hô hấp, ngộ độc thuốc tê.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh đã có hơn 18 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực Gây mê – Hồi sức. Trước khi là bác sĩ gây mê hồi sức tại Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, bác sĩ Tịnh từng có thời gian công tác dài tại Bệnh viện Đa khoa Huyện Cẩm Xuyên Tĩnh Hà Tĩnh.
Để đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.