Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Nuôi phôi và chuyển phôi ngày 5 giúp tăng tỉ lệ thành công cho các cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm, tuy nhiên tỉ lệ thành công này không phải lúc nào cũng tối ưu. Thành công hay thất bại trong IVF phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
1. Quá trình làm tổ của phôi
Khi trứng và tinh trùng hợp nhất với nhau, phôi sẽ được hình thành (thông thường quá trình này diễn ra ở ống dẫn trứng trong cơ thể bạn). Sau đó, phôi phân chia nhanh chóng và đến tử cung trong giai đoạn phôi nang và tương tác với nội mạc tử cung để làm tổ. Làm tổ là cuộc đối thoại của phôi và nội mạc tử cung. Phôi tốt và nội mạc tử cung ở giai đoạn tiếp nhận hay “cửa sổ làm tổ” sẽ làm tăng tỉ lệ thành công.
2. Nguyên nhân chuyển phôi ngày 5 thất bại
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại sau chuyển phôi gồm:
- Chất lượng phôi.
- Chất lượng của niêm mạc tử cung.
- Môi trường không đủ thuận lợi (sức khỏe, thể chất của người mẹ không tốt hoặc tinh thần quá căng thẳng)
2.1 Chất lượng phôi ảnh hưởng đến sự thành công của IVF?
Việc mang thai, sinh nở dù theo hình thức thụ tinh tự nhiên hay thụ tinh trong ống nghiệm đều phụ thuộc rất lớn vào độ tuổi của người mẹ. Bởi số lượng và chất lượng trứng đạt tiêu chuẩn (có thể cùng với tinh trùng tạo thành phôi khỏe mạnh). Về cơ bản sinh lý phụ nữ sẽ giảm theo thời gian, đặc biệt khi phụ nữ bước qua tuổi 35. Tuổi mẹ càng cao tỉ lệ noãn bất thường càng lớn và chất lượng phôi càng kém. Nếu chất lượng trứng tốt, số phôi tạo thành càng nhiều, dẫn đến cơ hội chuyển phôi của mẹ được nhiều lần hơn trong 1 chu kỳ kích thích trứng.
Chất lượng phôi được đánh giá dựa trên các yếu tố: Độ đồng đều về kích thước phôi bào, độ phân mảnh bào tương, nhân phôi bào đối với phôi ngày 3 và dựa vào độ lớn của xoang phôi nang, khối tế bào ICM (phát triển thành thai nhi) và lớp tế bào TE đối với phôi ngày 5.
Phôi loại 1 là phôi có chất lượng tốt nhất, khi được đưa vào cơ thể sẽ có tỷ lệ phát triển thành thai cao nhất. Phôi loại 2 chất lượng trung bình, còn phôi loại 3 là chất lượng kém.
2.2. Vai trò của nội mạc tử cung trong IVF
Niêm mạc tử cung như thế nào là đạt chất lượng để chuyển phôi? Niêm mạc tử cung có độ dày vào ngày bắt đầu cho Progessteron tốt nhất từ 8-12mm, với hình ảnh trên siêu âm có hình 3 lá và độ tưới máu tốt. Với hệ thống máy siêu âm hiện đại và các bác sĩ siêu âm giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, siêu âm dopple trước chuyển phôi đã giúp cho các bác sĩ lâm sàng xác định ngày cho progesterone chính xác, góp phần nâng tỷ lệ thành công cho mỗi lần chuyển phôi.
Việc làm tổ là sự tương tác của phôi và niêm mạc tử cung. Trong 1 chu kỳ, niêm mạc tử cung chỉ tiếp nhận phôi làm tổ trong một khoảng thời gian nhất định được gọi là “cửa sổ làm tổ”. Để phôi thai bám và phát triển trong buồng tử cung thì phôi phải được chuyển vào tử cung ở “cửa sổ làm tổ”.
Trong chu kì chuyển phôi tươi, phôi được chuyển vào tử cung vào ngày thứ 3 hoặc ngày 5 sau khi lấy trứng (ngày rụng trứng), trùng khớp với cửa sổ cấy của chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên. Trong quá trình chuyển phôi đông lạnh, phôi được chuyển vào buồng tử cung sau 3 hoặc 5 ngày sử dụng progesterone tùy thuộc vào tuổi phôi.
Ngoài “cửa sổ làm tổ”, các yếu tố miễn dịch tại chỗ của niêm mạc tử cung cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Sự làm tổ tại tử cung là điều kỳ diệu của tạo hoá. Dù như một cá thể lạ với một nửa bộ di truyền của bố nhưng tử cung mẹ sẵn sàng tiếp nhận và nuôi dưỡng không đào thải, hiện tượng đào thải mảnh ghép như các trường hợp ghép tạng (thận, gan). Điều kỳ diệu hơn cả là ở những người phụ nữ phải xin trứng, xin phôi để có thể làm mẹ thì những mầm sống này hoàn toàn lạ với tử cung mẹ, nhưng vẫn được tiếp nhận hòa hợp với người mẹ thông qua hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận phôi của mẹ tùy thuộc vào khả năng điều hoà miễn dịch tại chỗ của niêm mạc tử cung thông qua hoạt động của các yếu tố miễn dịch như tế bào “sát thủ”, natural kiler cells, các lympho bào, các cytokine.
Xét nghiệm ERA đánh giá cửa sổ làm tổ của niêm mạc tử cung và xét nghiệm đánh giá miễn dịch tại chỗ của niêm mạc tử cung Matrice lab được thực hiện tại trung tâm hỗ trợ sinh sản Vinmec góp phần làm tăng tỉ lệ thành công sau chuyển phôi, mang lại hi vọng cho các cặp vợ chồng thất bại làm tổ nhiều lần.
2.3 Sức khỏe của mẹ trong những ngày chuyển phôi
Nên dừng chuyển phôi khi bạn sốt, có các bệnh lý nội khoa hoặc có những điều kiện không thích hợp như stress, căng thẳng, mệt mỏi vvv.
Để đảm bảo quá trình chuyển phôi ít xảy ra thất bại, tốt nhất hãy lựa chọn cơ sở y tế đảm bảo và không ngần ngại trao đổi các vấn đề sức khỏe với bác sĩ để có kết quả IVF thành công.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú Nguyễn Thị Tâm Lý tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Y Hà Nội năm 2015 và tốt nghiệp Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú chuyên ngành Sản Phụ khoa cũng tại trường Đại học Y Hà Nội. Với thế mạnh chuyên môn về hỗ trợ sinh sản, bác sĩ Lý từng có thời gian công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và hiện nay, bác sĩ Lý đang công tác tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.