Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bệnh Parkinson được đặc trưng bởi sự mất các neuron dopaminergic trong hệ thống đen-vân và bởi sự có mặt của các thể Lewy trong thân não. Các triệu chứng vận động trở nên rõ ràng khi 60% đến 80% các neuron dopaminergic bị mất ở phần đặc của chất đen.
1. Nguyên nhân của bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson biểu hiện thực tế là một bệnh lý không đồng nhất đặc trưng bởi sự đa dạng về các biểu hiện lâm sàng, về tuổi khởi phát, các kiểu triệu chứng không vận động, và tốc độ tiến triển khác nhau. Trong khi một số bệnh nhân có một quá trình bệnh tương đối lành tính với đáp ứng tốt với liệu pháp dopaminergic thì một số khác biểu hiện tiến triển bệnh nhanh hơn. Nhiều bệnh nhân biểu hiện ưu thế về các triệu chứng không vận động, trong khi những bệnh nhân khác thì không.
2. Các nguyên nhân gen của bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson có thể gây ra do nhiều yếu tố dẫn đến suy giảm các neuron dopaminergic. Ước tính rằng 5% đến 10% bệnh nhân có một nguyên nhân gen của bệnh. Các thể đơn gen của bệnh Parkinson bao gồm PARK-SNCA, PARK-LRRK2, và PARK-VPS35, và các gen khác nữa.
Các yếu tố nguy cơ gen khác của bệnh Parkinson và đặc biệt đối với quần thể người Do Thái Ashkenazi là glucocerebrosidase, hay GBA1, gen chịu trách nhiệm cho bệnh Gaucher. GBA1 trực tiếp điều khiển sản xuất protein glucocerebrosidase, có liên quan đến hoạt động của lysosome (tiêu thể). Một khiếm khuyết trong gen GBA1 gây giảm hoạt tính glucocerebrosidase, tăng glucosylceramide, và thúc đẩy tích tụ α-synuclein, dẫn đến nguy cơ cao hơn phát triển bệnh Parkinson.
Tiến bộ trong nghiên cứu gen với giải trình tự toàn bộ gen exon sẽ cung cấp định hướng trong tương lai về các nguyên nhân gen của bệnh Parkinson, bao gồm hiểu biết nhiều hơn về bệnh nguyên của gen.
3. Các nguyên nhân môi trường của bệnh Parkinson
Mối quan tâm rằng các phơi nhiễm môi trường hoặc độc chất có góp phần vào sự phát triển bệnh Parkinson hay không đã được khởi xướng bởi mối liên quan giữa 1-methyl-4-phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridine (MPTP), một tiền chất của MPP+ độc thần kinh, và hội chứng parkinson trong những năm 1980. Một số yếu tố môi trường và phơi nhiễm độc chất có thể đi kèm với bệnh Parkinson bao gồm thuốc trừ sâu (rotenone và paraquat); các kim loại nặng (mangan, chì, và đồng); nước giếng; gỗ gia công; chấn thương đầu; các chất khác bao gồm polychlorinated biphenyls, trichloroethylene, perchloroethylene, và carbon tetrachloride; và sống ở vùng nông thôn. Phơi nhiễm với các độc chất, bao gồm carbon monoxide, các kim loại vết, các dung môi hữu cơ, và cyanide cũng được nói đến như là các yếu tố nguy cơ môi trường. Ngoài ra, hút thuốc lá và sử dụng caffeine được cho là làm giảm nguy cơ bệnh, mặc dù các nghiên cứu sâu hơn đang được tiến hành.
4.Hình ảnh thần kinh trong bệnh Parkinson
Kỹ thuật hình ảnh thần kinh như chụp chất vận chuyển dopamine bằng SPECT có thể có ích trong chẩn đoán bệnh Parkinson. Năm 2011, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép cho chụp SPECT chất vận chuyển dopamine sử dụng ioflupane I-123 dạng tiêm. Chụp SPECT chất vận chuyển dopamine có độ nhạy cao (87% đến 98%) và độ đặc hiệu cao (80% đến 100%) khi phân biệt bệnh Parkinson với run vô căn và được coi như một phương pháp bổ trợ để đánh giá chẩn đoán. Tuy nhiên, chụp SPECT chất vận chuyển dopamine không phải là một xét nghiệm xác định bệnh Parkinson, nó cũng không có ý định được dùng để phân biệt giữa bệnh Parkinson và các thể thoái hóa khác của hội chứng Parkinson, trong đó có hội chứng Parkinson không điển hình. Các bác sĩ lâm sàng có thể quyết định chỉ định chụp SPECT chất vận chuyển dopamine khi chẩn đoán một hội chứng run trên lâm sàng là không chắc chắn (ví dụ, khi phân biệt giữa bệnh Parkinson và run vô căn).
5. Các thang điểm phân độ lâm sàng cho bệnh nhân Parkinson
Các thang điểm phân độ lâm sàng là có ích để theo dõi tiến triển bệnh Parkinson và được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng. Thang điểm phân độ bệnh Parkinson hợp nhất (UPDRS), gần đây đã được sửa lại thành Bản sửa đổi có tài trợ − Hiệp hội Rối loạn Vận động (MDS-UPDRS), là một thang điểm đã được nghiên cứu công nhận và được sử dụng phổ biến, gồm bốn phần: nhận thức và cảm xúc, các hoạt động sống hàng ngày, khám vận động, và các biến chứng vận động.
Thang điểm phân độ loạn động hợp nhất (UDysRS) được sử dụng để đánh giá các vận động tự ý bất thường, hay loạn động, xảy ra khi bệnh Parkinson tiến triển. Thang điểm Hoehn và Yahr mô tả năm giai đoạn của bệnh Parkinson: các triệu chứng một bên, các triệu chứng hai bên, mất ổn định tư thế với các triệu chứng hai bên nặng hơn, các triệu chứng nặng với mất khả năng sống một mình hoặc mất tự lập, và ngồi xe lăn hoặc chăm sóc tại giường. Các thang điểm phân độ lâm sàng khác thường được sử dụng là Thang điểm các hoạt động sống hàng ngày của Schwab và England, Bảng câu hỏi bệnh Parkinson (PDQ-39 và PDQ-8), và Bảng câu hỏi các triệu chứng không vận động của bệnh Parkinson (PD NMS). Nhật ký của bệnh nhân có thể cung cấp thông tin vô giá về các dao động vận động liên quan đến uống thuốc, và các cảm biến vận động có thể sử dụng công nghệ mới để phát hiện và đo lường các dao động vận động trong tương lai.
Nguồn tài liệu: Theresa A. Zesiewicz. Parkinson Disease. Continuum (Minneap Minn) 2019;25(4, Movement Disorders): 896-918.
XEM THÊM BỘ TÀI LIỆU VỀ BỆNH PARKINSON CỦA BÁC SĨ VŨ DUY DŨNG: