Nguyên nhân bị bệnh dày sừng nang lông thường là do keratin tích tụ gây nên. Đây là một loại bệnh da liễu thông thường, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh thường tự ti do kém thẩm mỹ, ngứa ngáy, vùng da bị dày sừng nang lông khô ráp hơn. Vậy nguyên nhân bị bệnh dày sừng nang lông là gì? Ai là đối tượng dễ mắc bệnh?
1. Bệnh dày sừng nang lông là gì?
Bệnh dày sừng nang lông có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất là thanh thiếu niên và trẻ nhỏ. Bệnh sẽ tiến triển triển nặng vào mùa dòng đo độ ẩm không khí thấp. Tình trạng dày sừng nang lông có thể được cải thiện theo độ tuổi. Biểu hiện rõ nhất của dãy sừng nang lông là các tổn thương tại nang lông nhô lên khỏi bề mặt da, sở có cảm giác thô ráp, sần sùi. Triệu chứng của bệnh xuất hiện rõ nhất ở các vị trí như: cánh tay, đùi, mông, với trẻ nhỏ có thể xuất hiện ở má.
Các đặc điểm cụ thể cho thấy bạn đang bị dày sừng nang lông:
- Khi sờ tay lên da sẽ thấy sần sùi, khô ráp
- Trên bề mặt da xuất hiện các nốt màu đỏ hoặc nâu, dễ bị nhầm lẫn với phát ban hoặc nổi nhọt
- Người bệnh có thể bị ngứa nhiều tại vùng da dày sừng, tuy nhiên khi chạm tay vào vùng da đó không có cảm giác đau
2. Giải thích nguyên nhân bị bệnh dày sừng nang lông
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dày sừng nang lông là do keratin tích tụ. Keratin có bản chất là một protein cứng, xuất hiện ở lông, tóc. Loại chất này đóng vai trò bảo vệ da khỏi các yếu tố gây nhiễm trùng hay các chất làm hại đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, khi keratin tích tụ lâu ngày có thể tạo nên nút tế bào chết, dẫn đến tình trạng nang lông bị bít chặt lại. Vùng da xuất hiện nhiều nút tế bào chết sờ vào có cảm giác sần sùi.
Cho đến hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hiện tượng keratin tích tụ dưới da. Nhiều bác sĩ cho rằng, một vài yếu tố dưới đây có thể là nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng dày sừng nang lông:
- Da khô
- Người mắc bệnh hen suyễn
- Béo phì
- Bệnh chàm hoặc viêm da cơ địa khác
- Vệ sinh cơ thể không tốt
- Do di truyền từ bố hoặc mẹ
3. Cách điều trị bệnh dày sừng nang lông an toàn
Bệnh dày sừng nang lông không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, vì vậy bạn không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng dày sừng của bạn quá nặng có thể gặp các vấn đề như: khô da, mất thẩm mỹ, ngứa ngáy. Để cải thiện bạn có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:
Tẩy tế bào chết cơ thể
- Phương pháp cơ học: Bạn có thể sử dụng đá cuội, xơ mướp, dụng cụ tẩy tế bào chết chuyên biệt chà xát lên cơ thể. Trước khi sử dụng dụng cụ bạn nên vệ sinh chúng sạch sẽ, chọn những viên đá có bề mặt nhẵn để tránh làm tổn thương đến cơ thể.
- Sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết đến từ thiên nhiên (muối tắm, bột đậu đỏ) hoặc hoá học (axit alpha-hydroxy, axit salicylic, axit lactic,..). Tuy nhiên, một số sản phẩm tẩy tế bào chết hoá học có thể gây kích ứng với những người cơ địa nhạy cảm, ví dụ như trẻ em.
Bạn cần lưu ý chỉ nên tẩy tế bào chết cơ thể từ 1 đến 2 lần để giảm bớt tình trạng da sần sùi, khô ráp.
Dưỡng ẩm cho da thường xuyên
Một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng dày sừng là do da quá khô. Chính vì vậy, sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên không chỉ giúp cải thiện tình trạng mà còn giúp da ngậm nước và giảm các nốt sần.
Bạn nên bôi kem 2 lần mỗi ngày (sáng, tối). Thời điểm tốt nhất để sử dụng kem dưỡng ẩm là sau khi tắm, da vẫn còn ẩm, lỗ chân lông giãn nở giúp da dễ hấp thu dưỡng chất hơn. Hiện nay, một số sản phẩm có thêm thành phần ure - loại chất hỗ trợ điều trị dày sừng nang lông.
Thuốc bôi
Các loại thuốc có chứa vitamin A đều có tác dụng điều trị tình trạng dày sừng. Chúng có thể cải thiện nhanh chóng vấn đề keratin tích tụ và các nút tế bào chết. Với các trường hợp nặng, viêm đỏ và sần sùi nhiều có thể dùng thêm corticoid.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc bạn nên tìm hiểu thật kỹ thông tin về thuốc, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Các loại thuốc kể trên chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra như: kích ứng da, da khô. Những đối tượng đang mang thai và cho con bú được khuyến cáo không nên sử dụng vitamin A và các sản phẩm có chứa corticoid.
Điều trị bằng laser
Phương pháp điều trị này áp dụng công nghệ hiện đại để cải thiện kết cấu da, nốt mẩn đỏ, tình trạng viêm sưng, tuy nhiên giá thành của phương pháp này khá đắt đỏ. Bạn có thể tìm điều trị bằng laser sau khi áp dụng các biện pháp trên nhưng không có hiệu quả.
Bị dày sừng nang lông tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng lại mất rất nhiều thời gian và công sức để loại bỏ được căn bệnh này. Để có thể loại bỏ hoàn toàn thì người bệnh cần kiên trì điều trị nếu không bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.