U tủy sống vốn là những khối u nằm trong ống sống gây chèn ép vào các cấu trúc thần kinh (tủy sống hoặc rễ thần kinh). Do u thường phát triển chậm, triệu chứng lâm sàng xuất hiện tùy thuộc vào mức độ chèn ép các cấu trúc thần kinh nên khá nhiều người chủ quan với tình trạng này. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là vấn đề có thể gây liệt cho người mắc phải.
1. Khi mắc u tủy sống có nguy hiểm không?
Khi mắc u tủy sống ở giai đoạn đầu, người bệnh thường chỉ có các triệu chứng tại chỗ và triệu chứng của rễ thần kinh, phần lớn rất mơ hồ. Một số trường hợp có cảm giác đau tại cột sống nhưng chỉ nhức âm ỉ và khó chịu, không đau dữ dội. Sau một thời gian, cơn đau sẽ lan ra một số vị trí khác nơi mà khối u chèn ép lên, thường gây đau buốt, xuất hiện theo từng cơn, đôi khi đau giống như bỏng rát. Giai đoạn này diễn biến rất nhanh, nhất là trong các trường hợp người bệnh mắc u ác tính hoặc u di căn từ nơi khác đến nên thường dễ bị bỏ qua.
Giai đoạn tiếp theo, lúc này khối u đã lớn và bắt đầu chèn ép một nửa tủy, đẩy tủy sang một bên. Người bệnh có thể yếu hoặc liệt một bên, chậm chí giảm hoặc mất cảm giác khi sờ hoặc khi châm chích, khi tiếp xúc với nóng lạnh... ở một bên của cơ thể. Tương tự như giai đoạn đầu, giai đoạn này thường xuất hiện thoáng qua rất nhanh và đôi khi người bệnh chưa kịp nhận ra thì bệnh đã chuyển qua giai đoạn toàn phát.
Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh cảm nhận rõ những rối loạn về cảm giác như tê, giảm hoặc mất cảm giác xuất hiện ở cả 2 bên của cơ thể. Các rối loạn về vận động (yếu hoặc liệt) cũng thường xuất hiện ở cả 2 bên, đặc biệt chân tay người bệnh sẽ hay rơi vào trạng thái co rút (giống như vọp bẻ hay chuột rút), khi cử động hoặc gấp các khớp hay xuất hiện triệu chứng rung lên. Một số triệu chứng thường gặp khác gồm bí tiểu, tiểu khó, đái dắt kèm theo táo bón.
2. Các phương pháp điều trị u tủy sống hiệu quả nhất hiện nay
Hiện nay, có nhiều cách điều trị khối u ở tủy sống như hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật u tủy sống. Tùy mức độ bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp phù hợp, cụ thể:
- Đối với khối u lympho hay u tế bào mầm germinoma: Trường hợp này, phương án hóa trị hoặc xạ trị thường được chỉ định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sẽ cần thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u và khắc phục tình trạng dây thần kinh bị chèn ép. Mục đích của việc phẫu thuật là hạn chế xâm lấn tối đa nên sau thực hiện thường ít có nguy cơ tái phát, do đó một số bệnh nhân có thể không cần xạ trị hay hóa trị.
- Đối với khối u ở màng cứng ngoài: Đối với những trường hợp khối u chỉ dính một phần nhỏ vào các dây thần kinh hay màng tủy, việc phẫu thuật thường được thực hiện vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, một số trường hợp phát triển theo chiều hướng xấu có thể gây hủy xương và dễ bị chảy máu nhiều khiến cho quá trình phẫu thuật sẽ phức tạp hơn nhiều.
- Đối với khối u tủy sống là do di căn từ cơ quan ung thư khác: Đây là vấn đề nguy hiểm nhất do khả năng hồi phục của bệnh nhân thường rất kém, tuổi thọ của người bệnh không cao. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc về việc có nên phẫu thuật hay không. Trong trường hợp phẫu thuật có nguy cơ rủi ro, các bác sĩ có thể tính đến phương pháp hóa trị hay xạ trị để đảm bảo an toàn.
U tủy sống là một trong những căn bệnh vô cùng nguy hiểm trong khi triệu chứng của bệnh lại phát triển âm thầm trong giai đoạn đầu, dễ nhầm lẫn với một số bệnh xương khớp thường gặp. Điều này khiến người bệnh thường có tâm lý chủ quan, đến khi đi thăm khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc phát hiện bệnh sớm có tính quyết định đối với hiệu quả điều trị bệnh. Bởi thế, khi cơ thể xuất hiện một số biểu hiện nghi ngờ bệnh u tủy sống như đau vùng thắt lưng, yếu cơ hay tê bì chân tay, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị triệt để.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.