Người từng thay van tim 2 lá, sửa van 3 lá bị nhồi máu não nên điều trị thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ! Bố cháu đã mổ thay van tim 2 lá, sửa van 3 lá được 3 năm. Nhưng hiện tại bố cháu vừa tai biến bị nhồi máu não, hiện tại cơ thể yếu, tay chân run khó đi lại được. Mong các bác sĩ tư vấn về trường hợp người từng thay van tim 2 lá, sửa van 3 lá bị nhồi máu não nên điều trị thế nào? Cảm ơn bác sĩ

Hảng Hải Huyền (1991)

Trả lời

Chào bạn! Tình trạng của bố bạn có thể do bị hẹp hoặc hở van hai lá – hở van ba lá (đã phẫu thuật) có rung nhĩ. Bố bạn sau mổ đã được dùng thuốc chống đông nhưng có thể uống chưa đủ liều (thể hiện qua chỉ số INR) hoặc không kiểm tra thường xuyên hoặc do rung nhĩ hình thành cục máu đông trong tim, sau đó cục máu đông theo dòng máu đi lên não gây nhồi máu não gây yếu nửa người.

Việc điều trị cho người nhà bạn trong trường hợp này bao gồm:

  • Kiểm soát tốt huyết áp
  • Điều chỉnh tốt liều thuốc chống đông
  • Tập phục hồi chức năng để cải thiện tình trạng vận động
  • Dự phòng ngã
  • Dự phòng sặc: nếu người nhà bạn ăn có dấu hiệu bị sặc thường biểu hiện bằng ho khi ăn uống
  • Dự phòng loét do bất động nằm lâu 1 vị trí bằng cách xoay trở thường xuyên, dùng đệm chống loét

Trong trường hợp người nhà bạn, bạn nên đưa đến khám chuyên khoa Thần kinh và Tim mạch để được tư vấn và theo dõi điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên điều trị bệnh nhân sau tai biến là một quá trình dài và vất vả cần sự cố gắng, phối hợp tốt từ phía bệnh nhân và người nhà.

Bạn có thể lựa chọn bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để đăng ký khám và kiểm tra sức khỏe hiện tại của người nhà. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ câu hỏi “Người từng thay van tim 2 lá, sửa van 3 lá bị nhồi máu não nên điều trị thế nào?” tới Vinmec. Chúc gia đình bạn luôn có sức khỏe tốt.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phong - Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe