Người bị nhiễm HIV có nên tiêm vắc-xin không?

Bài viết bởi Bác sĩ Phạm Thị Khương - Bác sĩ Truyền nhiễm, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Vắc-xin đóng vai trò to lớn trong việc bảo vệ người khỏe mạnh khỏi một số bệnh dịch nguy hiểm trên thế giới. Với người bệnh HIV, virus HIV khi vào cơ thể người sẽ phá huỷ các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do đó bệnh nhân dễ bị một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội mà bình thường có thể đề kháng được. Vậy người bị nhiễm HIV có nên tiêm vắc-xin không?

1. Người bi nhiễm HIV có nên tiêm vắc-xin không? Tại sao?

Người bị nhiễm HIV nên tiêm Vắc-xin vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho con người khỏe mạnh. Vắc-xin giúp cơ thể bạn sinh kháng thể để bảo vệ bạn chống lại một số các bệnh gây dịch nghiêm trọng. Người mắc các bệnh mãn tính như HIV thì vắc-xin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với họ. Sau khi nhiễm HIV cơ thể bạn bị suy giảm miễn dịch đã khiến việc chống lại các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin như bệnh phế cầu khuẩn hoặc cúm... trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra HIV cũng có thể khiến bạn gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng do các bệnh đó. Đây là lý do tại sao việc tiêm vắc-xin được khuyến nghị là một phần quan trọng trong chương trình chăm sóc y tế cho người nhiễm HIV.

Vắc-xin có thể được điều chế từ 3 nguồn khác nhau: Vắc-xin bất hoạt; Vắc-xin sống giảm độc lực; Các "toxoid" là các hợp chất độc bị bất hoạt trích từ các vi sinh vật.

  • Vắc-xin bất hoạt là các vi sinh vật độc hại bị giết bằng hóa chất hoặc bằng nhiệt. Ví dụ: vắc-xin cúm, dịch tả, dịch hạch, viêm gan siêu vi A... Hầu hết các vắc-xin loại này chỉ gây đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn và ngắn hạn, cần phải tiêm nhắc nhiều lần.

Vi sinh vật sau khi bị giết bằng hóa chất là nguồn sản xuất vắc-xin bất hoạt
Vi sinh vật sau khi bị giết bằng hóa chất là nguồn sản xuất vắc-xin bất hoạt

  • Vắc-xin sống, giảm độc lực là các vi sinh vật được nuôi cấy dưới những điều kiện đặc biệt nhằm làm giảm đặc tính độc hại của chúng. vắc-xin điển hình loại này thường gây được đáp ứng miễn dịch dài hạn và là loại vắc-xin được ưa chuộng dành cho người lớn khỏe mạnh. Ví dụ: Các vắc-xin ngừa bệnh sốt vàng, vắc-xin sởi quai bị rubella... vắc-xin sống ngừa bệnh lao không phải là dòng vi khuẩn lao gây bệnh, mà là một dòng lân cận được gọi là BCG.
  • Các "toxoid" là các hợp chất độc bị bất hoạt trích từ các vi sinh vật (trong trường hợp chính các độc chất này là phương tiện gây bệnh của vi sinh vật). Ví dụ: các vắc-xin ngừa uốn ván và bạch hầu...

Khi bạn tiêm vắc-xin, trong cơ thể bạn sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch, giúp bạn chống lại và ghi nhớ loại vi trùng, hay virus để nó có thể chống trả nếu vi trùng, virus xâm nhập trở lại. vắc-xin thường cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài đối với các bệnh nghiêm trọng để không có nguy cơ bị mắc bệnh nghiêm trọng. Do vậy người bị nhiễm HIV rất cần tiêm vắc-xin.

2. Các loại vắc-xin cần để tiêm chủng cho người nhiễm HIV

Vắc-xin bổ sung được khuyến nghị cho người nhiễm HIV dựa trên tuổi của người đó, các yếu tố rủi ro đối với một bệnh cụ thể hoặc một số yếu tố liên quan đến HIV.

Vắc-xin nói chung là an toàn cho những người nhiễm HIV. Tuy nhiên, một số vắc-xin có thể không được khuyến cáo. Ví dụ, vắc-xin sống, giảm độc lực giống như vắc-xin thủy đậu, có liên quan đến một dạng yếu nhưng sống của mầm bệnh gây bệnh. Vắc-xin sống, giảm độc lực có khả năng gây nhiễm trùng cho những người nhiễm HIV. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe, tiêm chủng trước đó hoặc các yếu tố khác, các vắc-xin sống, giảm độc lực này có thể được khuyến nghị.


Mỗi độ tuổi và thể trạng người bệnh được chỉ định một loại vắc-xin phù hợp
Mỗi độ tuổi và thể trạng người bệnh được chỉ định một loại vắc-xin phù hợp

2.1.Tiêm chủng cho trẻ em nhiễm HIV

Trẻ nhiễm HIV cần được tiêm chủng theo lịch như mọi trẻ khác nhưng cần lưu ý khi tiêm các vắc-xin sống như:

  • Vắc-xin BCG. Hoãn tiêm BCG khi trẻ có cân nặng < 2000g
  • Hoãn sử dụng vắc-xin sống (sởi, quai bị, rubella, thủy đậu) nếu trẻ có biểu hiện nhiễm HIV nặng, tế bào CD4 < 15% hoặc ở giai đoạn lâm sàng 4.
  • Khi trẻ được điều trị ARV ổn định và tình trạng lâm sàng được cải thiện cần tiếp tục tiêm chủng cho trẻ theo lịch tiêm chủng như trẻ không nhiễm HIV.

2.2. Tiêm chủng cho người lớn nhiễm HIV

Chỉ định tiêm chủng cho người bệnh người lớn nhiễm HIV: Khi tế bào CD4 ≥ 200 tế bào/mm3 và không bị dị ứng với các thành phần của vắc-xin, không sốt (Theo chỉ định tiêm vắc-xin cho người không nhiễm HIV).

Các vắc-xin cần tiêm gồm:

  • Vắc-xin cúm mỗi năm để bảo vệ chống cúm theo mùa
  • Vắc-xin Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván để bảo vệ chống ho gà và uốn ván. Cứ 10 năm tiêm nhắc lại 1 mũi
  • Loạt vắc-xin kết hợp não mô cầu bảo vệ chống lại bệnh viêm màng não mô cầu
  • Loạt vắc-xin viêm gan B để bảo vệ chống lại viêm gan B
  • Loạt vắc-xin HPV để bảo vệ chống lại papillomavirus ở người nếu là nữ đến 26 tuổi

Vắc-xin HPV được sử dụng để bảo vệ phụ nữ khỏi ung thư cổ tử cung
Vắc-xin HPV được sử dụng để bảo vệ phụ nữ khỏi ung thư cổ tử cung

  • Vắc-xin thủy đậu để bảo vệ chống thủy đậu nếu bạn sinh năm 1980 hoặc sau đó và chưa tiêm hai liều vắc-xin này hoặc không có miễn dịch với bệnh này.
  • Phế cầu: Vắc-xin phế cầu liên hợp 10, 13 giá (PCV13) - Tiêm một mũi. Để bảo vệ chống viêm phổi và các bệnh phế cầu khuẩn khác
  • Vắc-xin Viêm gan A: Tiêm 2 mũi, cách nhau 12-18 tháng, để bảo vệ chống lại viêm gan A
  • Vắc-xin Viêm gan virus B: Tiêm 3 mũi để bảo vệ chống lại viêm gan B
  • HiB : Cân nhắc tiêm 1-3 mũi để bảo vệ chống nhiễm HiB
  • Vắc-xin não mô cầu Polisaccazis hoặc liên hợp: Tiêm theo lịch

Lưu ý khi tiêm vắc-xin cho người lớn mắc HIV:

  • Vắc-xin sống giảm độc lực (sởi, quai bị, rubella, thủy đậu): không tiêm cho người nhiễm HIV khi CD4 < 200 tế bào/mm3 hoặc/và GĐLS 4.
  • Khi người bệnh được điều trị ARV ổn định, có thể tiếp tục tiêm phòng như cho người không nhiễm HIV.
  • Vắc-xin khác: Tiêm phòng như người không nhiễm HIV
  • Vắc-xin MMR để bảo vệ chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella nếu bạn sinh năm 1957 hoặc sau đó và chưa tiêm vắc-xin này hoặc không có miễn dịch với các bệnh này.

3. Khuyến cáo tiêm chủng với người mắc HIV

Thứ nhất: Người nhiễm HIV trước tiêm ngừa cần phải kiểm tra sức khỏe

Đếm tế bào CD4: Làm xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm thông thường ở người nhiễm HIV để theo dõi số lượng tế bào CD4 vì liên quan mật thiết tới sức đề kháng của cơ thể.

Khi CD4 < 200, nghĩa là sức đề kháng của cơ thể đang rất yếu thì không nên sử dụng tiêm ngừa các loại bệnh thuộc nhóm vắc-xin sống, giảm độc lực.

Một trong những tai biến xảy ra do vắc-xin là nhiễm bệnh, cụ thể là các loại vắc-xin sống, giảm độc lực có thể gây bệnh cho người bị suy giảm miễn dịch.

Cần sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm hay bác sỹ đang chăm sóc của người đó để chỉ định tiêm ngừa, để biết rõ vắc-xin đó thuộc loại nào có thể sử dụng được cho sức khỏe bản thân hay không.

Thứ hai: Dùng thuốc kháng virus đầy đủ theo phác đồ.

Thứ ba: Du lịch và tiêm chủng

Nếu bạn muốn đi du lịch nước ngoài bạn nên cập nhật về tình hình bệnh tật nơi đó trước khi bạn đến để có thể phải tiêm phòng bệnh đó nếu được (như sốt vàng da ở châu Phi).

Tóm lại, để có tiêm phòng vắc-xin được hiệu quả, thì quan trọng nhất trong chế độ chăm sóc HIV đó là tuân thủ điều trị tại các cơ sở điều trị HIV: Đánh giá tuân thủ điều trị bao gồm đánh giá uống thuốc kháng virus đầy đủ theo phác đồ chỉ định, tái khám và xét nghiệm đúng hẹn. Sau đó cần phải kiểm tra sức khỏe đếm tế bào CD4 trước khi tiêm phòng. Hãy kiên trì, có chế độ sinh hoạt hợp lí và một tinh thần thật khỏe mạnh.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe