Ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú khiến cho mẹ khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngứa này do nhiều vấn đề, có thể do viêm da cơ địa, vệ sinh nhũ hoa không sạch sẽ, chọn áo ngực không phù hợp,...
1. Nguyên nhân ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú
1.1 Viêm da cơ địa
Khi mẹ bị viêm da cơ địa sẽ không tránh được tình trạng nhũ hoa hay vùng da xung quanh đó ngứa ngáy khó chịu. Cảm giác ngứa có thể đi kèm với phát ban ngoài cùng những vết rộp nhỏ trên da, có tiết dịch hoặc có vảy cứng.
1.2 Vệ sinh nhũ hoa không sạch sẽ
Việc vệ sinh nhũ hoa và vùng da xung quanh nhũ hoa không đúng cách sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa, đau rát và tróc vảy. Một số bà mẹ nghĩ rằng nhũ hoa là một nơi không tiếp xúc bên ngoài và cũng không tiết dịch như vùng kín nên sẽ sạch sẽ và không cần thay áo lót thường xuyên. Tuy nhiên, khi cho con bú, có thể sữa sẽ đọng lại, việc không vệ sinh sạch sẽ, sẽ khiến cho cặn bẩn tích tụ và gây ngứa xung quanh nhũ hoa.
1.3 Mẹ mắc một số bệnh lý về da
Viêm da tiếp xúc là tình trạng do nhũ hoa của bà bầu có thể tiếp xúc với một số loại chất gây kích thích như sữa tắm, xà phòng giặt đồ, sợi len áo lót, nước hoa, chất tẩy rửa, sợi nhân tạo,... gây ngứa trên da vùng xung quanh nhũ hoa, xuất hiện những vết phồng rộp nhỏ và phát ban, sau đó dần hình thành các vảy cứng.
1.4 Áo ngực không phù hợp
Mặc áo ngực không phù hợp với kích thước và chật chội cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ngứa nhũ hoa sau. Bên cạnh đó, áo ngực chật cọ xát nhiều ngày sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
1.5 Bệnh ung thư vú dạng viêm
Ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú và vùng đầu ti có thể là triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng như ung thư vú dạng viêm. Đây là một dạng ung thư vú hiếm gặp có thể gây ngứa núm vú và tuyến vú. Những triệu chứng đầu tiên có thể rất giống với chứng viêm da dị ứng, do vậy có thể nhầm lẫn giữa hai bệnh. Ngoài triệu chứng ngứa, các mẹ cần quan sát tình trạng như:
- Da ngực có đỏ
- Có xuất hiện khối u ở vú
- Núm vú bị thụt
- Núm vú tiết dịch
- Da ở núm vú và vú thay đổi
Bên cạnh đó, cảm giác ngứa và nóng ở vùng ngực cũng có thể là dấu hiệu ung thư vú. Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá.
2. Xử trí tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú
Một số biện pháp giúp giảm tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú bao gồm:
- Không nên sử dụng xà phòng để rửa núm vú và quầng vú những tháng cuối thai kỳ, bởi vì xà phòng có thể khiến núm vú bị kích thích, khô hơn. Khi bắt đầu cho trẻ bú thì sự khó chịu sẽ tăng lên.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng nhũ hoa mỗi lần cho trẻ bú xong và cần lau khô. Có thể sử dụng một vài giọt sữa mẹ thoa lên và để tự khô nhằm tránh vùng khô nứt và gây ngứa.
- Nên để cho nhũ hoa được tiếp xúc với không khí, lựa chọn áo ngực có kích thước phù hợp và không nên mặc quá chật.
- Trong thời gian cho con bú, vùng ngực thường sẽ bị cương cứng lên, vì vậy việc massage chính là cách giúp cho bầu ngực chắc khỏe hơn, chườm nóng trước khi cho bé bú cũng giúp cho sữa về nhanh hơn và phòng tránh được ngứa nhũ hoa.
- Nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất và vitamin từ những thực phẩm hàng ngày để tăng cường sức đề kháng cơ thể.
- Nếu như tình trạng ngứa khó chịu kéo dài thì cần đi khám để tìm nguyên nhân và có thể can thiệp kịp thời.
Tóm lại, ngứa xung nhũ hoa khi cho con bú có nhiều nguyên nhân gây ra mà phổ biến nhất là do vệ sinh không đúng cách và chọn áo ngực không phù hợp. Vì vậy, sau khi cho con bú xong các mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vùng da đầu nhũ hoa và vùng da xung quanh để hạn chế viêm nhiễm. Bên cạnh đó, triệu chứng ngứa có thể là tình trạng bệnh nguy hiểm, do vậy nếu ngứa xung quanh nhũ hoa kéo dài và xuất hiện những triệu chứng bất thường cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.