Ngứa nhiều khi mang thai có sao không?

Bà bầu bị ngứa toàn thân hoặc từng vùng khi mang thai là triệu chứng thường gặp. Tình trạng này thường khiến bà bầu cảm thấy khó chịu, thậm chí lo sợ, liệubị ngứa khi mang thai có nguy hiểm không?

1. Ngứa khi mang thai do đâu?

Bị ngứa khi mang thai là tình trạng phổ biến ở nhiều bà bầu bởi đây là lúc cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi về thể chất và tâm lý, cụ thể:

  • Hệ miễn dịch và nội tiết tố trong cơ thể thay đổi.
  • Thai nhi phát triển bên trong tử cung, làm căng, giãn, thậm chí gây khô da.
  • Mẹ bầu mắc các bệnh về da liễu như mề đay, dị ứng.

Bị ngứa khi mang thai có thể được nhận biết qua những dấu hiệu như:

  • Đỏ và ngứa ngáy ở lòng bàn tay, bàn chân.
  • Phát ban hoặc ngứa toàn thân.
  • Rạn da gây ngứa ở ngực, bụng, đùi, mông (thường xuất hiện ở cuối thai kỳ).

Trắc nghiệm: Tại sao khi mang thai có người rạn da, người thì không?

Hầu như mẹ bầu nào cũng sẽ bị rạn da khi mang thai, nhưng một số lại không gặp tình trạng này. Vậy nguyên nhân là do đâu? Làm bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

2. Bị ngứa khi mang thai có nguy hiểm không?

Thông thường, tình trạng bị ngứa khi mang thai là không nguy hiểm và cũng không ảnh hưởng đến thai nhi.

Mẹ bầu bị ngứa thường cảm thấy khó chịu và mệt mỏi, đặc biệt là vào những tháng cuối thai kỳ khi thai nhi phát triển nhanh về mặt kích thước, hoặc bị ngứa trong thai kỳ lúc thời tiết nắng nóng, đổ nhiều mồ hôi. Tình trạng, ngứa khiến mẹ bầu gãi và trầy xước trên da nên có thể gây mất thẩm mỹ.


Mẹ bầu bị ngứa thường xuyên cảm thấy khó chịu và mệt mỏi trong người
Mẹ bầu bị ngứa thường xuyên cảm thấy khó chịu và mệt mỏi trong người

Tuy nhiên bà bầu có thể yên tâm rằng các cơn ngứa này không kéo dài và thường chấm dứt sau khi sinh. Trong trường hợp bị ngứa khi mang thai đi kèm với những bất thường hoặc triệu chứng khác, mẹ bầu nên đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kiểm tra sức khỏe:

  • Mẹ bầu bị ngứa toàn thân kèm vàng da: Đây có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang ứ mật thai kỳ trong gan. Dịch mật bị tích tụ, ứ đọng trong gan và gây ngứa toàn thân, đau rát và ửng đỏ do gãi, trầy xước.
  • Mẹ bầu bị ngứa kèm theo tổn thương ngoài da đóng vảy: Đây có thể là biểu hiện của các bệnh da liễu khác như vảy nến, chàm, ...
  • Mẹ bầu bị phát ban kèm theo sốt: Đây có thể là biểu hiện của các bệnh thủy đậu hoặc bệnh do virus herpes gây ra...
  • Mẹ bầu bị ngứa kèm theo nóng rát vùng âm đạo: Đây có thể là biểu hiện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc âm đạo bị nhiễm nấm, khuẩn.

3. Bị ngứa khi mang thai phải làm thế nào?

Cũng có một số biện pháp giúp hạn chế rạn da khi mang thai, tuy nhiên, trường hợp đã bị rạn da và gây ngứa, để tránh làm tổn thương da mẹ bầu cần lưu ý:

  • Hạn chế gãi: Gãi nhiều sẽ khiến mẹ bầu thấy ngứa nhiều hơn. Thay vì gãi, mẹ bầu có thể dùng khăn hoặc túi chườm mát, ấm đắp hoặc chườm lên vùng da bị ngứa.
  • Giữ ẩm cho da và phòng ngừa rạn da: Ngứa khi mang thai do da khô, rạn da có thể được khắc phục và phòng ngừa bằng cách sử dụng tinh dầu, gel bôi từ thiên nhiên như dầu hạnh nhân, dầu dừa, dầu hướng dương. Tuy nhiên, khi thoa kem vùng bụng, mẹ bầu nên thoa nhẹ nhàng để tránh gây kích thích, co bóp tử cung. Mẹ bầu cũng hạn chế tắm lâu với nước nóng, tránh sử dụng dụng cụ chà xát mạnh trên da để làm giảm cơn ngứa vì có thể làm khô da.

Mẹ bầu có thể sử dụng các loại gel bôi từ thiên nhiên giúp giữ ẩm cho da vùng bụng
Mẹ bầu có thể sử dụng các loại gel bôi từ thiên nhiên giúp giữ ẩm cho da vùng bụng

  • Giữ gìn vệ sinh toàn thân: Để vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giúp làm dịu cơn ngứa khi mang thai, mẹ bầu nên chọn loại sữa tắm không gây kích ứng cho da và có độ pH phù hợp. Tránh sử dụng các sản phẩm da có nồng độ soude cao vì có thể gây ngứa nhiều hơn do kích ứng da. Mẹ bầu có thể ngâm mình trong nước trà xanh để làm dịu cơn ngứa.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín: Viêm nhiễm âm đạo trong thai kỳ rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần chú ý giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng, tránh ẩm ướt. Có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH phù hợp và tránh lạm dụng để không ảnh hưởng đến môi trường âm đạo, tạo điều kiện vi khuẩn, nấm phát triển. Rửa vùng kín bằng lá chè tươi cũng là cách giảm ngứa.

  • Hạn chế tiếp xúc với bụi bặm, khói, các chất gây dị ứng: Bị ngứa khi mang thai có thể nặng hơn khi vùng da tổn thương tiếp xúc với các chất dị ứng có thể gây ngứa.
  • Ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước mỗi ngày: Mẹ bầu nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin (vitamin A, D, ...), khoáng chất, chất xơ để đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ. Bên cạnh đó, cần tránh các loại thức ăn có chứa nhiều gia vị, cay như tiêu, ớt, ... có thể làm tình trạng ngứa khi mang thai khó chịu hơn.
  • Vận động nhẹ nhàng: Thường xuyên vận động cơ thể với những động tác đơn giản như đi bộ khi mang thai sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn.
  • Mặc trang phục cotton: bà bầu nên chọn các trang phục có chất liệu cotton mềm, thoáng, thấm hút tốt, không gây kích ứng cho da. Nên chọn trang phục màu sáng để tránh hấp thụ nhiệt khi ở bên ngoài trời nắng.

Bị ngứa khi mang thai thường không ảnh hưởng đến thai nhi, trừ trường hợp ngứa do các bệnh như ứ mật, thủy đậu, các bệnh da liễu do virus gây ra. Vì vậy, bà bầu cần khám thai định kỳ, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường để được kiểm tra, tư vấn sức khỏe thai kỳ kịp thời.


Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa
Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe