Ngôi thai ngang nên mổ ở tuần bao nhiêu?

Ngôi thai ngang hay còn được gọi là ngôi vai hay ngôi xiên, là tình trạng mà thai nhi không nằm theo trục dọc mà lại nằm ngang trong bụng mẹ. Đây là tư thế mà sản phụ không thuận lợi cho việc sinh nở, được xem là ngôi thai bất thường và nguy hiểm cho cả mẹ và con. Vậy ngôi thai ngang nên mổ ở tuần bao nhiêu?

1. Như thế nào là ngôi thai ngang

Ngôi thai ngang là tình trạng ngôi thai nằm ngang trong bụng mẹ mà không theo trục dọc, một số trường hợp nằm xiên và đầu ở phía hố chậu còn mông ở phía hạ sườn. Ngôi thai nằm ngang khi đầu của thai nhi có thể nằm bên trái bụng mẹ và phần chân có thể nằm bên phải hoặc ngược lại. Còn lưng, bụng và mạn sườn của thai nhi có thể nằm đối diện với kênh sinh, làm chắn cổ tử cung hoặc một bên vai có thể hướng vào kênh sinh.

  • Ngôi vai trái: khi vai trái của thai nhi đối diện với kênh sinh, tư thế này có thể dẫn tới tình trạng sa dây rốn khiến cho thai nhi không được cung cấp đầy đủ canxi máu và có nguy cơ dẫn tới tử vong.
  • Ngôi vai phải: vai phải của thai nhi đối diện với kênh sinh, tư thế này cần được thay đổi hoặc phải được chỉ định sinh mổ.
  • Ngôi ngang: thai nhi nằm ngang trong bụng, không có bên vai nào hướng về kênh sinh, tư thế này khiến cho sản phụ không thể sinh thường do không có cách nào để thai nhi đi vào kênh sinh.

Ngôi thai nằm ngang được coi là ngôi thai bất thường, có thể nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như:

  • Bất thường cấu trúc khung xương chậu của mẹ
  • Sản phụ gặp những vấn đề về tử cung nhu u nang, u xơ
  • Đa ối chiếm khoảng 1-2% những trường hợp mang thai
  • Mẹ mang thai đôi hoặc đa thai
  • Nhau tiền đạo

Ngôi thai nằm ngang có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Ngôi thai nằm ngang có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé

2. Ngôi thai ngang có nguy hiểm không?

Ngôi thai nằm ngang rất hiếm gặp và đặc biệt là trong thời gian ngày dự sinh đã cận kề. Trên thực tế, có 500 trẻ thì chỉ có 1 trẻ nằm ngang trong những tuần cuối của thai kỳ. Ngoài ra, trong số những trường hợp thai nhi nằm sai tư thế thì chỉ có khoảng 20% là thai ngôi nằm ngang. Tuy nhiên, nếu như xét ở thời điểm tuần thứ 32 của thai kỳ thì cứ 50 trẻ sẽ có 1 trẻ nằm ngôi thai ngang. Do vậy, nếu như bạn được chẩn đoán thai nhi nằm ngang ở thời điểm ngày dự sinh chưa cận kề thì không nên quá lo lắng bởi vì thai nhi vẫn đang trong quá trình quay đầu để sẵn sàng cho hành trình chào đời của mình.

Do thai nhi nằm ngang trong bụng mẹ sẽ chắn ngay tử cung nên trẻ không thể lọt qua được kênh sinh. Điều này khiến cho sản phụ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh nở, đôi khi không thể sinh thường. Nếu sản phụ sinh thường trong trường hợp ngôi thai nằm ngang thì phần vai của thai nhi có thể đi vào xương chậu trước phần đầu, điều này có thể khiến cho thai nhi bị thương hoặc thậm chí có thể tử vong trước khi chào đời do bị ngạt thở. Ngoài ra, do áp lực tử cung không đều, tình trạng ngôi thai nằm ngang rất dễ khiến cho màng thai rách sớm hoặc sa dây rốn, dẫn tới suy thai, thai lưu hoặc vỡ tử cung. Do đó, nếu được chẩn đoán thai ngôi nằm ngang trong 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu cần được theo dõi cẩn thận và có thể được chỉ định sinh mổ khi thai đã đủ tháng nhằm phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

3. Ngôi thai ngang nên mổ ở tuần bao nhiêu?

Ngôi thai nằm ngang là tình trạng khá nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do vậy, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi mà bác sĩ có thể chỉ định thời gian mổ lấy thai. Nếu tình hình vẫn đang tiến triển tốt thì nhiều khả năng ngôi thai ngang sẽ được mổ ở tuần thứ 38. Thời điểm này, thai nhi đã phát triển tương đối ổn định và có thể chào đời. Tuy nhiên, nếu như ngôi thai nằm ngang ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi khiến cho trẻ có thể gặp nguy hiểm thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ sớm hơn dự kiến.


Ngôi thai nằm ngang nên mổ ở tuần bao nhiêu tùy thuộc vào nhiều yếu tố
Ngôi thai nằm ngang nên mổ ở tuần bao nhiêu tùy thuộc vào nhiều yếu tố

Hình ảnh ngôi thai ngang được chẩn đoán bằng siêu âm sẽ khiến cho các mẹ lo lắng do tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, một số mẹo xoay ngôi thai ngang mà mẹ bầu có thể áp dụng như:

  • Quỳ bằng tứ chi theo tư thế của em bé đang tập bò, sau đó rướn người lên xuống trong một vài phút. Các mẹ có thể thực hiện động tác này một vài lần mỗi ngày để giúp cho thai nhi có thể dễ dàng xoay đầu xuống.
  • Thực hiện các tư thế yoga đảo ngược như tư thế chó con mở rộng để hỗ trợ thai nhi xoay đầu đúng vị trí. Với tư thế này, các mẹ sẽ bắt đầu với tư thế bò sau đó di chuyển cánh tay về phía trước cho đến khi đầu nằm trên sàn. Lúc này phần thân mông sẽ hướng lên trên, kết hợp với động tác hít thở đều trong quá trình thực hiện và giữ tư thế khoảng vài giây.
  • Đi bộ ít nhất 20 phút mỗi ngày. Hoạt động thể chất nhẹ nhàng sẽ tạo ra những chuyển động trong khung xương chậu của mẹ bầu, kích thích thai nhi quay đầu xuống dưới.
  • Massage lưng cũng là một cách giúp hỗ trợ bé quay đầu xuống hiệu quả mà các mẹ có thể áp dụng.

Tóm lại, ngôi thai nằm ngang là một tình trạng ngôi thai bất thường và cần phải mổ lấy thai, điều này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé, thông thường chỉ định mổ lấy thai vào tuần thứ 38. Tuy nhiên, thời gian mổ lấy thai có thể sớm hơn nếu như thai nhi kém phát triển trong bụng mẹ hoặc gặp nguy hiểm. Vì vậy, trong những thời gian cuối của thai kỳ, các mẹ bầu cần được theo dõi sát và có chế độ chăm sóc đặc biệt. Nếu như có xuất hiện dấu hiệu bất thường thì mẹ bầu cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe