Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Ngoại tâm thu nhĩ là một rối loạn nhịp tim do tâm nhĩ phát ra nhịp đập sớm bất thường, trước nhịp tim bình thường nhưng nhịp tim này thường yếu và bơm máu kém gây ra cảm giác tim bỏ nhịp, hồi hộp mà bạn đang gặp phải.
1. Ngoại tâm thu nhĩ là gì?
Ngoại tâm thu nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến, được đặc trưng bởi nhịp tim sớm hơn bình thường, nguyên nhân là do tín hiệu điện bất thường phát ra từ tâm nhĩ, tức buồng tim phía trên.
Bình thường, nút xoang sẽ phát nhịp cho toàn bộ tim và kiểm soát nhịp tim thông qua tín hiệu điện. Khi tín hiệu điện bất thường từ tâm nhĩ phát nhịp (không phải nút xoang), gây ra 1 nhịp ngoại tâm thu, nhịp này thường yếu nên tim sẽ “tạm nghỉ” một thời gian ngắn để đập một nhịp mạnh, nhằm bơm máu tích lũy ra khỏi buồng tim, nên bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng trong lồng ngực, tim bỏ nhịp.
Ngoại tâm thu nhĩ tương đối phổ biến, có thể xảy ra ở cả những người khỏe mạnh nhưng hiếm khi gây triệu chứng và đa phần là vô hại. Nếu nhịp ngoại tâm thu nhĩ đến quá sớm, vấp phải tình trạng trơ của đường dẫn truyền nhĩ thất do nhát bóp trước gây ra, khi đó xung điện không dẫn truyền đến tâm thất, ngoại tâm thu có thể đi thành từng chùm gây ra nhịp tim chậm. Tình trạng này còn được gọi là ngoại tâm thu nhĩ bị block (block có nghĩa là bị chặn đứng).
2. Triệu chứng của ngoại tâm thu nhĩ
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của của ngoại tâm thu nhĩ là tim đập không đều, thêm nhịp, bỏ qua nhịp, tim đập mạnh hơn, cảm giác rung động vùng ngực, tạm dừng một thời gian ngắn. Xét nghiệm đơn giản như điện tâm đồ có thể phát hiện được cơn ngoại tâm thu.
Ngoài các triệu chứng phổ biến đó, người bệnh ngoại tâm thu nhĩ cũng có thể gặp dấu hiệu thường thấy ở bệnh tim mạch khác như:
- Ngất xỉu, người lâng lâng.
- Cảm nhận rõ nhịp đập trái tim.
- Đổ mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt khi nhịp đập không đều.
- Đau ngực, khó thở, chóng mặt.
- Mệt mỏi sau khi tập thể dục.
Đôi khi, người mới bị ngoại tâm thu nhĩ sẽ không có biểu hiện rõ ràng nên khó phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.
3. Ngoại tâm thu nhĩ có nguy hiểm không?
Ngoại tâm thu nhĩ đa phần thường lành tính và không gây nguy hiểm ở giai đoạn sớm. Ngoại tâm thu nhĩ nhiều trường hợp không hề gây một triệu chứng nào, hoặc được mô tả như một cảm giác hẫng hụt, một nhát bóp phụ, đánh trống ngực hoặc tim đập dồn dập. Nếu ngoại tâm thu nhĩ xuất hiện thành từng chùm 5 - 10 nhát bóp sẽ gây cảm giác chóng mặt hoặc mệt ngực, hồi hộp
Hiện tượng ngoại tâm thu nhĩ kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi cơ thể và trí óc, đau đầu, căng thẳng, từ đó ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung, hiệu quả công việc, chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Trường hợp ngoại tâm thu nhĩ xuất hiện ít không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nặng dần, đặc biệt trên người có bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh cơ tim... Và đó là dấu hiệu cảnh báo của chứng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất (SVT)... Lúc này, bạn phải đi khám tim mạch ngay để được kê thuốc chống loạn nhịp.
4. Cách điều trị ngoại tâm thu nhĩ
Mục tiêu cơ bản trong điều trị bệnh ngoại tâm thu nhĩ là giúp ổn định nhịp tim, làm giảm tần suất của các cơn ngoại tâm thu, cải thiện chất lượng cuộc sống.
3.1. Thuốc điều trị ngoại tâm thu nhĩ
- Điều trị nguyên nhân gây bệnh: Ngoại tâm thu trên thất gây ra bởi các căn bệnh khác như: tăng huyết áp, cường giáp... dùng thuốc điều trị nguyên nhân đó thì bệnh cũng thuyên giảm theo.
- Điều trị triệu chứng: Thuốc chống loạn nhịp tim có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng tim đập không đều ở người bệnh như: thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi...
3.2. Can thiệp đốt điện tim
Đốt điện tim bằng năng lượng sóng radio qua ống thông có thể dùng để điều trị ngoại tâm thu nhĩ rất hiệu quả. Bác sĩ sẽ đưa ống thông vào tim qua đường tĩnh mạch vùng bẹn, tìm các vị trí phát xung điện bất thường để triệt đối. Nhưng nếu ngoại tâm thu nhĩ xảy ra không phổ biến hoặc tại thời điểm đốt không xuất hiện thì có thể bị bỏ sót.
Những người phù hợp để đốt điện tim bao gồm:
- Bị đánh trống ngực do nhịp ngoại tâm thu nhĩ.
- Dùng thuốc điều trị không có tác dụng hoặc gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Trường hợp này can thiệp đốt điện sẽ rất hiệu quả.
- Người không muốn dùng thuốc trong thời gian dài.
- Chức năng tim suy giảm do ngoại tâm thu tiến triển.
Ngoại tâm thu nhĩ ngay từ ban đầu có thể chưa nguy hiểm nhưng về lâu dài sẽ gây ra những biến chứng trầm trọng như đã nêu trên. Vì thế, người bệnh không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh không có cơ hội tiến triển nặng thêm.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch; đặc biệt có thế mạnh về siêu âm tim qua thành ngực trong lĩnh vực nội khoa và can thiệp tim mạch. Thực hiện các Thăm dò chức năng không xâm lấn khác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Hiện là bác sĩ điều trị tại Trung tâm tim mạch, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang từ tháng 02/2019.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam