Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Năm 2012, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về việc ngộ độc thuốc nhỏ mũi OTC (thuốc không cần kê toa) thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, thậm chí có trường hợp trẻ 2 tháng tuổi cũng bị ngộ độc và thường gây hại nghiêm trọng . Do tính chất nghiêm trọng của các tác dụng phụ có thể xảy ra nếu trẻ nhỏ tiếp xúc với các sản phẩm này, cha mẹ và người chăm sóc cần phải nhận thức được những rủi ro này.
1. Ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ xảy ra khi nào?
Phần lớn các trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ là do Naphazolin - một loại thuốc nhỏ mũi được nhiều gia đình sử dụng. Công dụng của Naphazolin là làm co mạch máu trong niêm mạc mũi, giúp giảm sưng và sung huyết. Ngoài Naphazolin còn có các loại thuốc nhỏ mũi khác như Xylometazolin, Oxymetazolin, Tetrahydrozoline, Fenoxazolin cũng có thể gây ngộ độc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên, tỷ lệ gây ngộ độc là thấp hơn. Thông thường, các loại thuốc nhỏ mũi này có nồng độ từ 0,025% đến 0,1% và không được đóng gói trong chai chống trẻ em
Khi sử dụng nhỏ mũi theo chỉ dẫn, thuốc chỉ có tác dụng tại chỗ. Nhưng nếu nuốt phải, chúng nhanh chóng có tác dụng khắp cơ thể. Nếu sử dụng không đúng theo chỉ định (trẻ chưa đến tuổi để sử dụng), dùng quá liều hoặc trong thời gian dài, hoặc để trẻ tự ý dùng thuốc, thuốc có thể gây ngộ độc và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
2. Triệu chứng ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ
Sau khi sử dụng khoảng 30 phút - 2 giờ, nếu bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi, trẻ có thể có một số biểu hiện sau:
- Thần kinh: đau đầu, lừ đừ, run rẩy, hôn mê
- Tiêu hoá: buồn nôn, ói mửa
- Tim mạch: tay chân lạnh, cơ thể tái xanh, nhịp tim nhanh hay chậm, thay đổi huyết áp (cao lúc đầu, thấp sau)
- Hô hấp: thở chậm, thở không đều, khó thở, ngừng thở từng cơn
- Dấu hiệu nặng trẻ có thể bị hạ thân nhiệt và rơi vào trạng thái li bì.
Nếu không được chẩn đoán và cấp cứu điều trị kịp thời, trẻ có thể bị nhiều biến chứng nghiêm trọng.
3. Điều trị ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ
Ngay khi nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm trên, cha mẹ và người nhà cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý điều trị kịp thời. Tại đây, trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi sẽ được điều trị theo triệu chứng :
- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn của trẻ
- Truyền dịch, thở oxy, ủ ấm
- Trường hợp nặng, nếu trẻ bị ngừng thở hoặc ngừng thở kéo dài kèm theo tím tái, đặt nội khí quản để giúp trẻ thở
- Theo dõi chặt chẽ để phát hiện và xử trí các biến chứng
Phần lớn những trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ là nhẹ, trẻ chỉ cần được điều trị hỗ trợ sẽ tự khỏi trong vòng 12 - 24 giờ sau khi được điều trị.
4. Phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ
Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý những điều sau để phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ:
- Không tự ý mua và sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ mà không có chỉ định và chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
- Đối với trẻ nhỏ, có thể giúp trẻ thông mũi bằng cách bấc sâu kèn, sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để giúp trẻ làm sạch mũi, cho trẻ ăn, uống thức ăn lỏng, uống nhiều nước.
- Lưu trữ thuốc ở nơi an toàn để trẻ nhỏ không thể với tới hoặc nhìn thấy.
- Nếu một chai thuốc có nắp an toàn, hãy vặn chặt lại sau mỗi lần sử dụng.
Ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ có thể xảy ra do sự sơ suất của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng là nhẹ, phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tự khỏi trong 12 - 24 giờ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
Tài liệu tham khảo: fda.gov, pharmacytoday.org, webmd.com,mountsinai.org
XEM THÊM