Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Nghiện rượu có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe con người, nhất ra nghiện rượu lâu năm. Hiện nay, chưa có cách chữa trị cho nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu. Để có thể điều trị nghiện rượu là một quá trình lâu dài đòi hỏi cả sự nỗ lực của cá nhân người nghiện và các phương pháp điều trị hoặc liệu pháp khác nhau.
1. Đối diện với vấn đề
Bước đầu tiên để bắt đầu bước vào quá trình điều trị chứng nghiện rượu là người bệnh phải có sự chuẩn bị tâm lý, chấp nhận rằng mình đã bị nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu. Đối mặt với chúng và chấp nhận rằng uống rượu có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh không phải là dễ dàng nhưng nó là một bước cần thiết trên con đường phục hồi.
Nghiện rượu có thể gây tổn hại về sức khỏe của bạn, gây ra nhiều biến chứng như tăng nguy cơ mắc các bệnh về: bệnh tim, các loại ung thư, xơ gan, viêm dạ dày, mất trí nhớ và các rối loạn thần kinh khác, rối loạn cương dương...
Nghiện thường đi kèm với một số rối loạn tâm thần hoặc tâm lý nhất định, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng. Khi bạn mất khả năng kiểm soát trong việc sử dụng rượu, bạn đã bị nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu. Bước đầu, bạn có thể cắt giảm lượng rượu, nhưng quan trọng là có thể bỏ rượu hoàn toàn.
Để đạt được mục tiêu này, bác sĩ có thể đề nghị bạn cai nghiện, tư vấn, dùng thuốc hoặc các lựa chọn điều trị khác. Kế hoạch điều trị tối ưu của những bệnh nhân nghiện rượu sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của họ, như: tiền sử nghiện rượu, mức độ giúp đỡ từ gia đình và bạn bè, cam kết cá nhân và tình hình tài chính.
Nếu bạn đã sẵn sàng đối mặt với chứng nghiện của mình và muốn thoát khỏi những vấn đề về sức khỏe do rượu gây ra thì hãy đến gặp bác sĩ.
2. Giải độc rượu
Giải độc thường được thực hiện tại một trung tâm điều trị nội trú hoặc bệnh viện. Nó thường mất một tuần để hoàn thành, vì các triệu chứng cai thuốc có thể rất nghiêm trọng, bạn cũng có thể được cho dùng thuốc để giúp ngăn ngừa các triệu chứng: run rẩy, hoang tưởng, ảo giác, co giật.
3. Sửa đổi hành vi
Những người lạm dụng rượu thường xuyên uống rượu, do đó bạn cần học các kỹ năng và cơ chế đối phó để giúp bạn tránh uống rượu khi rời khỏi trung tâm điều trị hoặc quay trở lại môi trường xã hội. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một cố vấn hoặc chương trình điều trị khác để giúp bạn học những kỹ năng và chiến lược đối phó tránh xa rượu.
4. Tư vấn
Tư vấn là biện pháp bác sĩ giới thiệu người bệnh đến tư vấn trực tiếp hoặc theo nhóm. Các nhóm hỗ trợ có thể đặc biệt hữu ích khi bạn đang điều trị nghiện rượu. Bên cạnh đó, một nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn kết nối với những người khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Từ đó, những người cùng hoàn cảnh có thể động viên, khuyến khích và hỗ trợ lẫn nhau để điều trị nghiện rượu hiệu quả hơn.
5. Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị nghiện rượu có tác dụng tốt đối với những bệnh nhân muốn ngừng uống hoặc uống ít hơn. Ba loại thuốc được FDA phê chuẩn cho chứng rối loạn sử dụng rượu và mỗi loại có tác dụng khác nhau.
Disulfiram
Disulfiram là loại thuốc đầu tiên được FDA chấp thuận để điều trị cho rối loạn sử dụng rượu. Disulfiram (Antabuse) thay đổi cách cơ thể bạn phân hủy rượu. Disulfiram là một loại thuốc nhạy cảm với rượu, có thể làm giảm ham muốn uống rượu của bạn bằng cách làm cho bạn bị bệnh khi bạn uống rượu. Khi kết hợp với rượu, nó có thể gây đỏ bừng, buồn nôn, nôn và đau đầu.
Acamprosate
Acamprosate (Campral) làm giảm các triệu chứng cai - như mất ngủ, lo lắng, bồn chồn kéo dài trong nhiều tháng sau khi bạn ngừng uống rượu. Nó có thể giúp chống lại cảm giác thèm rượu bằng cách khôi phục sự cân bằng của một số hóa chất trong não của bạn. Giống như Naltrexone, Acamprosate dường như hoạt động tốt nhất cho những người có thể ngừng uống rượu trước khi bắt đầu điều trị. Người bệnh cần uống hai viên thuốc 3 lần mỗi ngày.
Naltrexone
Khi uống rượu trong khi dùng Naltrexone, người uống có thể cảm thấy say rượu, nhưng sẽ không cảm nhận được niềm vui thường đi kèm khi uống rượu. Nghĩa là Naltrexone giúp ngăn chặn những cảm giác tốt mà rượu mang lại cho não của người uống. Khi mất đi những cảm giác tốt, người uống sẽ uống ít hơn.
Naltrexone có sẵn ở dạng viên uống hoặc thuốc tiêm. Vivitrol là một dạng thuốc tiêm mà bác sĩ có thể cung cấp cho bạn mỗi tháng một lần. Thuốc này an toàn và thuận tiện hơn so với thuốc uống. Nghiên cứu cho thấy rằng Naltrexone hoạt động tốt nhất cho những người đã ngừng uống rượu ít nhất 4 ngày khi họ bắt đầu điều trị.
Tuy nhiên, nếu chỉ dùng thuốc thôi là không đủ, quan trọng nhất trong quá trình cai nghiện rượu là thái độ của người bệnh. Nếu người bệnh không thay đổi thái độ với rượu thì dù uống thuốc cũng không có tác dụng. Thuốc như một động lực hỗ trợ người bệnh cai nghiện.
6. Hy vọng lâu dài
Cai nghiện rượu là một hành trình suốt đời, người bệnh có thể phải đối mặt với sự tái phát và cám dỗ của rượu sau khi cai nghiện, vì vậy bạn cần điều trị liên tục. Một số người có thể chống lại sự cám dỗ của rượu và sau nhiều lần như vậy họ có thể vượt qua cơn nghiện dễ dàng, một số bệnh nhân khác lại tái nghiện ngay sau khi cai rượu. Như vậy, khi bạn càng cố gắng cai nghiện, cơ hội thành công của bạn càng cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com; Healthline.com