Nghén không ăn được có ảnh hưởng đến thai nhi?

Hiện tượng ốm nghén trong quá trình mang thai gây cảm giác buồn nôn khó chịu, khiến các thai phụ không ăn được gì. Tình trạng nghén nặng không ăn được gì, nghén ăn vào là nôn,... nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thai nhi.

1. Sơ lược về ốm nghén khi mang thai

1.1 Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu (chủ yếu từ tuần thứ 4 - 16). Tuy nhiên, có nhiều phụ nữ có thể có các triệu chứng ốm nghén tới khi sinh nở. Tình trạng ốm nghén bao gồm các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, mất ngủ, chán ăn,... Ở những người cơ địa nhạy cảm, biểu hiện nôn ói thường xảy ra sớm, diễn ra nghiêm trọng và khó kiểm soát.

Cho tới nay, nguyên nhân gây ốm nghén khi mang thai vẫn chưa được làm rõ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc mang thai làm thay đổi nội tiết tố của tuyến sinh dục ở người mẹ. Cụ thể, khi mang thai, cơ thể sản xuất một lượng lớn hormone progesterone, làm giãn các cơ hệ tiêu hóa, khiến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, hormone progesterone còn làm chậm khả năng tiêu hóa, gây chứng khó tiêu.

Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, không phải tất cả các thai phụ đều có biểu hiện ốm nghén. Những thai phụ có nguy cơ cao bị ốm nghén gồm:

  • Thai phụ mới mang thai lần đầu;
  • Thai phụ bị thừa cân;
  • Người có tiền sử nghén nặng ở lần mang thai trước đó;
  • Bà bầu mang song thai hoặc đa thai;
  • Bà bầu mắc bệnh nguyên bào nuôi.

Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai ba tháng đầu
Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai ba tháng đầu

1.2 Triệu chứng đặc trưng

Triệu chứng ốm nghén có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là khi có sự kích thích về mùi, vị của thực phẩm như thịt, cá sống,... sẽ khiến thai phụ có cảm giác buồn nôn và bị nôn ói. Trường hợp thai phụ nôn ói quá nhiều có thể khiến cơ thể bị mất nước. Đồng thời, các bà bầu cũng bị nhạy cảm hơn với mùi thức ăn, dẫn tới ăn không ngon, chán ăn.

Không chỉ vậy, nhiều bà bầu còn bị hoa mắt, chóng mặt, sụt cân vì không ăn được, không được cung cấp đủ dưỡng chất. Vì vậy, họ thường bị mệt mỏi, thiếu năng lượng và không tập trung vào công việc.

1.3 Phân loại ốm nghén

Dựa trên mức độ nặng của các triệu chứng, ốm nghén được chia thành 2 loại:

  • Nghén thông thường: Gặp ở 80% thai phụ. Trong quá trình ốm nghén, bà bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do nôn ói. Tuy nhiên, tình trạng nôn ói chỉ xảy ra ở mức độ vừa phải, vẫn giữ được thức ăn trong dạ dày nên bà bầu không bị sút cân. Đồng thời, sau khoảng 12 - 20 tuần thì tình trạng nôn ói sẽ giảm dần;
  • Nghén nặng: Khoảng 1 - 1,5% thai phụ bị nghén nặng. Trong giai đoạn mang thai, bà bầu thường xuyên bị nôn ói, tống hết thức ăn trong dạ dày ra ngoài, đi kèm với triệu chứng chán ăn, làm sụt tới 2 - 10kg. Cơ thể bị suy nhược nên bà bầu hay bị mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng nghén nặng thường bắt đầu từ 3 tháng đầu của thai kỳ, có thể kéo dài tới khi sinh nở.

Trắc nghiệm: Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ bầu như thế nào?

3 tháng đầu được coi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất cần thiết. Làm bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Lê Hồng Liên
Lê Hồng Liên
Bác sĩ chuyên khoa I,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

2. Tình trạng nghén không ăn được có ảnh hưởng đến thai nhi?

Trong giai đoạn đầu, thai nhi nên nhận được chất dinh dưỡng từ người mẹ thông qua nhau thai. Do đó, chế độ ăn uống của thai phụ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Tình trạng ốm nghén là bình thường trong thai kỳ nhưng nghén ăn vào là nôn, nghén nặng không ăn được gì có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.


Chế độ ăn uống của thai phụ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi
Chế độ ăn uống của thai phụ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi

Cụ thể, bà bầu không ăn được gì hoặc ăn vào là ói hết ra sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, dẫn tới sụt cân. Đi kèm với đó là tình trạng mất axit dạ dày do nôn ói, khiến bà bầu bị mất nướcmất cân bằng điện giải. Nếu để tình trạng nghén nặng kéo dài mà không có biện pháp can thiệp, chữa trị thì cả mẹ và bé có thể đối diện với nguy cơ gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng, sinh non,...

3. Biện pháp kiểm soát tình trạng nghén nặng không ăn được gì?

Khi tình trạng nôn ói xảy ra liên tục, kéo dài và không kiểm soát được thì bà bầu nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng thai nghén. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và nước tiểu để đánh giá nguy cơ mất nước hoặc xét nghiệm các vấn đề trên hệ tiêu hóa của thai phụ vì rất có thể đây là nguyên nhân gây buồn nôn và nôn ói.

Bên cạnh đó, bác sĩ còn chỉ định thực hiện siêu âm để kiểm tra xem bà bầu có mang đa thai hoặc có khối u trong tử cung không. Khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phương án làm giảm tình trạng nôn nghén cho bà bầu.

Để khắc phục tình trạng ốm nghén, các thai phụ có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Tránh tiếp xúc với các loại thực phẩm có mùi vị kích thích như thịt sống, cá sống,...;
  • Uống nước thường xuyên bởi tình trạng nôn ói khiến bà bầu bị mất nước. Khi uống nước nên uống từng ngụm nhỏ và uống vào giữa các bữa ăn để ngăn ngừa cảm giác buồn nôn;
  • Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi nhiều để giảm mệt mỏi, tránh căng thẳng và âu lo;

Thai phụ nên ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng âu lo để hạn chế tình trạng ốm nghén
Thai phụ nên ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng âu lo để hạn chế tình trạng ốm nghén

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không để dạ dày trống vì sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn. Trong các bữa ăn, thai phụ nên ăn thực phẩm giàu chất xơ, thức ăn ít đường và ít béo. Để cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi, mẹ bầu nên ưu tiên thực phẩm giàu protein như trứng, sữa, thịt,... Rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu canxi,... cũng cần được bổ sung nhiều hơn vào chế độ ăn của bà bầu;
  • Không được bỏ bữa sáng, nên ăn kết hợp với các món thanh đạm, dễ tiêu như bánh quy mặn, nước gừng, sữa chua,...;
  • Tránh đồ cay, thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn khó tiêu;
  • Sử dụng sản phẩm có thành phần là gừng như trà gừng, kẹo gừng,... để giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa;
  • Áp dụng các phương pháp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt,... để giảm cảm giác buồn nôn;
  • Có thể sử dụng một số thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ để giảm tình trạng nôn ói (với bà bầu bị nôn nghén nặng).

Ốm nghén khiến bà bầu mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt, công việc và sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy, thai phụ cần chú ý tránh những tác nhân gây nôn ói, cố gắng ăn uống nhiều hơn và tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo giữ được một sức khỏe tốt để mẹ khỏe, bé phát triển toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe