Ăn nghệ có tốt không? Nên ăn bao nhiêu là đủ?

Nghệ được biết đến rộng rãi như một loại gia vị, sử dụng nhiều trong các món ăn Ấn Độ. Ngoài ra, nghệ cũng được ứng dụng rất nhiều trong y học cổ truyền với những tác dụng tuyệt vời mang lại cho sức khỏe con người.

1. Ăn nghệ có tốt không? 10 lợi ích mà nghệ mang lại cho sức khỏe

1.1. Nghệ chứa các hợp chất hoạt tính sinh học

Những hợp chất này được gọi là curcuminoids, trong đó hoạt chất quan trọng nhất là curcumin. Curcumin là hoạt chất chính trong nghệ, có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa rất mạnh. Tuy nhiên, hàm lượng curcumin ở nghệ không cao, khoảng 3%, tính theo trọng lượng. Curcumin hấp thu vào máu kém. Sử dụng nghệ cùng hạt tiêu đen (chứa piperine) giúp tăng cường sự hấp thu của curcumin lên 2.000%. Curcumin có thể hòa tan trong chất béo, vì vậy dùng nghệ với một bữa ăn nhiều chất béo sẽ khiến curcumin được hấp thu tốt hơn.

1.2. Curcumin là một hợp chất chống viêm tự nhiên

Viêm là một phản ứng vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Nếu không bị viêm, các mầm bệnh như vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và giết chết cơ thể.

Mặc dù những tình trạng viêm cấp tính, ngắn hạn là có lợi, nhưng có thể trở thành một vấn đề lớn khi trở thành mãn tính và tấn công các mô của cơ thể thường xuyên. Các nhà khoa học tin rằng, viêm mãn tính đóng một vai trò tương đối quan trọng trong hầu hết các bệnh như: Bệnh tim, ung thư, hội chứng chuyển hóa, Alzheimer...

Curcumin là một hợp chất có tác dụng chống viêm mạnh. Trên thực tế, curcumin mạnh đến mức tương đương với hiệu quả của một số loại thuốc chống viêm mà không có tác dụng phụ. Curcumin giúp ngăn chặn NF-kB, một phân tử đi vào nhân tế bào và kích hoạt các gen liên quan đến phản ứng viêm. NF-kB được cho là có vai trò chính trong nhiều bệnh lý mãn tính.


Hợp chất Curcumin trong nghệ mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe
Hợp chất Curcumin trong nghệ mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe

1.3. Nghệ giúp làm tăng đáng kể khả năng chống oxy hóa của cơ thể

Tổn thương oxy hóa được cho là một trong những cơ chế gây ra lão hóa và các bệnh lý của cơ thể. Quá trình này liên quan đến các gốc tự do, các phân tử có phản ứng cao với các điện tử chưa ghép đôi. Các gốc tự do có xu hướng phản ứng với những chất hữu cơ quan trọng, chẳng hạn như protein, acid béo hoặc ADN. Lý do chính mà chất chống oxy hóa rất có lợi là chúng bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.

Curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh có thể trung hòa được các gốc tự do do cấu trúc hóa học của nó. Ngoài ra, curcumin còn giúp tăng cường hoạt động của những enzym chống oxy hóa trong cơ thể. Như vậy, ngoài khả năng ngăn chặn trực tiếp, curcumin còn kích thích khả năng chống oxy hóa của cơ thể.

1.4. Curcumin giúp cải thiện chức năng não và giảm nguy cơ mắc bệnh não

Ở một số vùng nhất định của não, các tế bào thần kinh có khả năng phân chia và nhân lên kể cả khi đã đến tuổi trưởng thành. Một trong những động lực chính của quá trình này là BDNF, yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não, một loại hormone tăng trưởng hoạt động trong não của chúng ta. Nhiều bệnh lý rối loạn não phổ biến có liên quan đến việc giảm nồng độ hormone này, bao gồm cả bệnh trầm cảm và bệnh Alzheimer.

Curcumin có thể làm tăng lượng hormone BDNF trong não. Từ đó, hợp chất này có thể có hiệu quả trong việc trì hoãn hoặc thậm chí đảo ngược nhiều bệnh lý não và suy giảm chức năng não do tuổi tác. Curcumin cũng giúp cải thiện trí nhớ và làm người cao tuổi trở nên minh mẫn hơn.


Dùng nghệ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về não
Dùng nghệ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về não

1.5. Curcumin làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số 1 trên thế giới. Lợi ích quan trọng của curcumin với bệnh tim là cải thiện chức năng của nội mô, lớp lót của các mạch máu. Rối loạn chức năng nội mô khiến cơ thể không có khả năng điều chỉnh huyết áp, đông máu và nhiều yếu tố khác, đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch.

Một số nghiên cứu cho thấy hoạt chất curcumin giúp cải thiện chức năng nội mô. Ngoài ra, curcumin giúp làm giảm viêm và oxy hóa. Một nghiên cứu đã quan sát ngẫu nhiên 121 người đang trải qua phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, dùng giả dược hoặc 4 gam curcumin mỗi ngày, vài ngày trước và sau khi phẫu thuật. Nhóm curcumin giúp giảm 65% nguy cơ bị đau tim trong bệnh viện.

1.6. Nghệ có thể giúp ngăn ngừa ung thư

Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm, đặc trưng bởi sự phát triển không kiểm soát của tế bào. Curcumin đã được nghiên cứu như một loại thảo mộc có lợi trong điều trị ung thư và được phát hiện có ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng và lây lan của ung thư ở cấp độ phân tử.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, curcumin có thể góp phần làm chết các tế bào ung thư và giảm sự hình thành, phát triển của các mạch máu mới trong khối u và sự di căn (sự lây lan của ung thư). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng curcumin có thể giúp làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm và ức chế sự phát triển của các khối u trên động vật thử nghiệm.

Liệu curcumin liều cao (dùng cùng với chất tăng cường hấp thu như piperine) có thể giúp điều trị ung thư ở người hay không vẫn chưa được nghiên cứu chính xác. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy hoạt chất curcumin có thể ngăn ngừa ung thư xảy ra ngay từ đầu, đặc biệt là ung thư của hệ tiêu hóa như ung thư đại trực tràng.

Trong một nghiên cứu kéo dài 30 ngày ở 44 người đàn ông bị tổn thương ở ruột kết đôi khi chuyển thành ung thư, 4 gam curcumin mỗi ngày làm giảm số lượng tổn thương 40%. Có thể một ngày nào đó curcumin sẽ được sử dụng cùng với phương pháp điều trị ung thư thông thường. Còn quá sớm để có thể chắc chắn, nhưng đây là một điều đầy hứa hẹn và đang được nghiên cứu kỹ lưỡng.


Nhiều kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy nghệ có tác dụng tới việc ngăn ngừa mắc bệnh ung thư
Nhiều kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy nghệ có tác dụng tới việc ngăn ngừa mắc bệnh ung thư

1.7. Curcumin có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ và hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh Alzheimer. Vì vậy, ngăn chặn bệnh xảy ra ngay từ đầu là ưu tiên quan trọng.

Chúng ta biết rằng tình trạng viêm và tổn thương oxy hóa đóng một vai trò trong bệnh Alzheimer và curcumin có tác dụng có lợi trên cả hai. Ngoài ra, bệnh Alzheimer có một đặc điểm chính là sự tích tụ của các đám rối protein được gọi là mảng amyloid. Các nghiên cứu cho thấy rằng, curcumin có thể giúp làm sạch các mảng này.

1.8. Bệnh nhân viêm khớp phản ứng rất tốt với chất bổ sung Curcumin

Viêm khớp là một vấn đề bệnh lý phổ biến ở các nước phương Tây. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, chất curcumin có thể giúp điều trị các triệu chứng của bệnh viêm khớp và trong một số trường hợp còn hiệu quả hơn cả các loại thuốc chống viêm. Nhiều nghiên cứu khác đã tìm hiểu các tác động của curcumin đối với bệnh viêm khớp và ghi nhận những cải thiện trong các triệu chứng khác nhau.

1.9. Curcumin có những lợi ích trong việc điều trị bệnh trầm cảm

Curcumin cho thấy một số hứa hẹn trong việc điều trị chứng trầm cảm. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, 60 người bị trầm cảm được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm. Một nhóm dùng Prozac, nhóm khác dùng 1 gam curcumin và nhóm thứ ba dùng cả Prozac và curcumin. Sau 6 tuần, curcumin đã dẫn đến những cải thiện tương tự như Prozac. Nhóm dùng cả Prozac và curcumin đạt hiệu quả điều trị tốt.

Trầm cảm cũng có liên quan đến việc giảm nồng độ yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF) và hồi hải mã co lại, một vùng não bộ có vai trò trong ghi nhớ và học tập. Curcumin giúp tăng mức BDNF, có khả năng đảo ngược một số thay đổi này. Cũng có một số bằng chứng cho thấy curcumin có thể tăng cường chất dẫn truyền thần kinh trong não là serotonin và dopamine.

1.10. Curcumin giúp trì hoãn sự lão hóa và chống lại các bệnh mãn tính liên quan đến tuổi tác

Với công dụng giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, ung thư và bệnh Alzheimer, curcumin có những lợi ích rõ ràng giúp tăng tuổi thọ. Vì lý do này, curcumin đã trở nên rất phổ biến với công dụng như một chất bổ sung chống lão hóa.


Curcumin trong nghệ có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer
Curcumin trong nghệ có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer

2. Ăn nghệ bao nhiêu là đủ?

Mặc dù đã biết những lợi ích của nghệ đem tới cho sức khỏe, tuy nhiên nhiều người vẫn thắc mắc và đặt ra câu hỏi, ăn nghệ nhiều có tốt khôngăn nghệ bao nhiêu là đủ?

Các nghiên cứu thường sử dụng liều 500–2.000 mg nghệ mỗi ngày, thường ở dạng chiết xuất với nồng độ curcumin cao hơn nhiều so với lượng có trong thực phẩm tự nhiên.

Ví dụ, chế độ ăn uống trung bình của một người Ấn Độ cung cấp khoảng 2.000–2.500 mg nghệ (60–100 mg curcumin) mỗi ngày. Một lượng tương tự ở dạng chiết xuất có thể chứa đến 1.900–2.375 mg curcumin. Nói cách khác, gia vị nghệ chứa khoảng 3% curcumin, so với 95% curcumin trong chất chiết xuất. Tuy nhiên, nghệ vẫn có lợi khi được sử dụng như một loại gia vị .

Mặc dù không có sự đồng thuận chính thức về liều lượng nghệ hoặc curcumin hiệu quả, nhưng liều lượng sau đây đã được sử dụng trong nghiên cứu với kết quả đầy hứa hẹn:

  • Đối với viêm xương khớp: sử dụng 500 mg chiết xuất nghệ hai lần mỗi ngày trong 2-3 tháng.
  • Đối với cholesterol cao: sử dụng 700 mg chiết xuất nghệ hai lần mỗi ngày trong 3 tháng.
  • Đối với tình trạng ngứa da: sử dụng 500 mg nghệ ba lần mỗi ngày trong 2 tháng.

Liều cao của nghệ và curcumin không được khuyến khích sử dụng lâu dài vì thiếu nghiên cứu xác nhận tính an toàn của chúng.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định 1,4 mg mỗi pound (0–3 mg/kg) trọng lượng cơ thể là mức tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được. Cần ghi nhớ rằng, tất cả các chất bổ sung có nguồn gốc thảo dược nên được sử dụng một cách thận trọng.


Nghệ rất tốt cho sức khỏe nhưng cần sử dụng đúng liều lượng
Nghệ rất tốt cho sức khỏe nhưng cần sử dụng đúng liều lượng

3. Những đối tượng không nên dùng nghệ

Mặc dù nghệ được cho là an toàn đối với đa số mọi người, nhưng một số người có thể phải tránh sử dụng. Những đối tượng sau cần thận trọng khi sử dụng nghệ:

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ nghiên cứu để xác định xem chất bổ sung nghệ có an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú hay không.
  • Bệnh túi mật: Củ nghệ có thể khiến túi mật co lại, làm các triệu chứng trầm trọng hơn.
  • Sỏi thận: Nghệ chứa nhiều oxalat, có thể liên kết với canxi và gây hình thành sỏi thận.
  • Rối loạn đông máu: Nghệ có thể làm chậm khả năng đông máu từ đó làm trầm trọng thêm các vấn đề chảy máu.
  • Bệnh tiểu đường: Nghệ có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp.
  • Thiếu sắt: Nghệ có thể cản trở cơ thể hấp thụ sắt.

Ngoài ra, chất bổ sung nghệ có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc làm loãng máu và thuốc tiểu đường. Tuy nhiên, nghệ có vẻ an toàn khi dùng làm gia vị trong thực phẩm.

Với những kết quả nghiên cứu và đánh giá trên, có thể thấy nghệ mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng nghệ bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ xem việc dùng nghệ có thực sự cần thiết và phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe