Nên tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào?

Mục lục

Tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào? Đây là câu hỏi mà nhiều người, đặc biệt là những người đã quan hệ tình dục, thường đặt ra. Tầm soát rất quan trọng vì nhiều bệnh lây qua đường tình dục không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCKII Nguyễn Thu Hoài - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Bệnh lây qua đường tình dục là gì?

Bệnh lây qua đường tình dục là gì? Các bệnh lây qua đường tình dục viết tắt là STDs (Sexually Transmitted Diseases), là những bệnh nhiễm trùng có thể mắc phải khi quan hệ tình dục. Những bệnh này do vi khuẩn hoặc virus gây ra và có thể lây qua mọi hình thức quan hệ tình dục. Một số bệnh như HIV, viêm gan còn có thể lây qua con đường khác, chẳng hạn như tiếp xúc với dịch cơ thể.

Một số bệnh truyền nhiễm qua quan hệ tình dục (STDs) bao gồm:

  • Giang mai: Do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra.
  • Chlamydia: Đây là một trong những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm cảm giác đau rát khi đi tiểu, khí hư bất thường ở nữ giới hoặc đau vùng bụng dưới.
  • Lậu: Một bệnh lý do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây nên, phổ biến ở cả nam và nữ. Triệu chứng thường gặp là tiểu buốt, tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật, ngoài ra nam giới có thể bị đau và sưng tinh hoàn.
  • Herpes sinh dục: Do virus Herpes simplex (HSV) gây ra.
  • Sùi mào gà sinh dục: Tác nhân gây bệnh là Human papillomavirus (HPV), trong đó một số chủng có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
  • Viêm gan B, C: Cũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục.
  • HIV/AIDS: Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Việc xét nghiệm HIV trong thai kỳ giúp phát hiện kháng thể HIV và/hoặc kháng nguyên p24 trong máu. 
Bệnh lây qua quan hệ tình dục (STDs) bao gồm sùi mào gà sinh dục ở nữ giới.
Bệnh lây qua quan hệ tình dục (STDs) bao gồm sùi mào gà sinh dục ở nữ giới.

2. Tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào?

Tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục giúp bác sĩ xác định liệu một người có nhiễm bệnh hay không. Vì những bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng, nhiều người có thể mắc mà không hay biết, nên việc sàng lọc đóng vai trò rất quan trọng.

Những nhóm đối tượng cần được sàng lọc bao gồm:

  • Tất cả mọi người, bất kể giới tính hay độ tuổi, kể cả thanh thiếu niên, nên thực hiện sàng lọc HIV.
  • Phụ nữ dưới 26 tuổi đã có hoạt động tình dục.
  • Phụ nữ lớn tuổi có đời sống tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều người nhưng không dùng bao cao su.
  • Những người có đời sống tình dục không ổn định, quan hệ với nhiều đối tượng khác nhau.
  • Phụ nữ đang mang thai cần kiểm tra sàng lọc các bệnh như giang mai, chlamydia, HIV và viêm gan B. Trong một số trường hợp, có thể cần xét nghiệm bổ sung tùy theo thói quen quan hệ tình dục.
  • Những người có quan hệ đồng giới. 
Những người quan hệ đồng tính nên tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Những người quan hệ đồng tính nên tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào? Mỗi loại nhiễm trùng sẽ cần thực hiện những xét nghiệm khác nhau, bệnh phẩm có thể bao gồm dịch tiết âm đạo, dương vật, nước tiểu hoặc máu,... Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như độ tuổi, tình trạng sức khỏe và thói quen tình dục của bệnh nhân để chỉ định xét nghiệm phù hợp.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mọi người cần tuân thủ những biện pháp sau:

  • Duy trì đời sống tình dục an toàn bằng cách chung thủy với một bạn tình và sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ. Lưu ý rằng một số loại bao cao su có nguồn gốc “tự nhiên”, chẳng hạn như làm từ ruột cừu, không có tác dụng bảo vệ.
  • Nếu dưới 26 tuổi, có thể tiêm vắc-xin HPV nhằm ngăn ngừa sùi mào gà và ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Ngoài ra, nếu chưa từng nhiễm viêm gan B hoặc C, nên tiêm vắc-xin để phòng tránh hai loại bệnh này.
  • Trong trường hợp bạn tình mắc herpes, họ có thể uống thuốc valacyclovir để làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho đối phương.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như khí hư ra nhiều, dương vật có biểu hiện lạ, đau và sưng tinh hoàn, tiểu buốt,... đặc biệt với những người quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình hoặc nghi ngờ mắc bệnh, thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bệnh lây qua đường tình dục có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc kiểm tra và sàng lọc các bệnh này đóng vai trò rất quan trọng. Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và thói quen tình dục của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, biện pháp hiệu quả nhất là duy trì đời sống tình dục an toàn và sử dụng bao cao su khi quan hệ. 

Tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào phụ thuộc vào thói quen tình dục của bệnh nhân.
Tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào phụ thuộc vào thói quen tình dục của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ khám và tầm soát các bệnh xã hội, giúp nhận diện sớm nguy cơ và đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Gói khám áp dụng cho cả nam lẫn nữ, không giới hạn độ tuổi. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ