Chỉ số xét nghiệm PSA có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Xét nghiệm PSA là xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ PSA có trong máu. Chỉ số xét nghiệm PSA thay đổi tùy thuộc vào chúng ta có các mô lành tính (khỏe mạnh) hay các mô ác tính (dấu hiệu của ung thư).
1. Xét nghiệm PSA là gì?
PSA là cụm từ viết tắt của Prostate-Specific Antigen, đây là một loại glycoprotein có phân tử nhẹ và thường thấy trong tinh dịch của nam giới, được tiết ra chủ yếu bởi các tế bào biểu mô ống tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, PSA cũng tồn tại trong máu, tuy nhiên chúng có nồng độ rất thấp trong huyết tương, giá trị trung bình thường nhỏ hơn 4 ng/ml.
Hiện nay xét nghiệm PSA là công cụ để sàng lọc bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt.
2. Quy trình làm xét nghiệm PSA
Sau khi đến bệnh viện và kiểm tra một vài biểu hiện lâm sàng bác sĩ sẽ chỉ định đi làm xét nghiệm PSA theo hướng dẫn.
Bác sĩ hoặc y tá sẽ lấy một lượng nhỏ máu theo quy định dưới tĩnh mạch của bạn và mang đi phân tích trong phòng thí nghiệm.
Kết quả đưa về sẽ hiển thị dưới dạng ng/ml và bạn sẽ phải mất một khoảng thời gian để chờ kết quả.
Mặc dù chỉ số xét nghiệm PSA được dùng để đánh giá khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên để có kết quả chính xác, bác sĩ sẽ tham khảo thêm một số yếu tố khách quan sau:
- Độ tuổi của bệnh nhân: Mức PSA tăng theo độ tuổi của bệnh nhân
- Kích thước của tuyến tiền liệt trong cơ thể người làm xét nghiệm
- Đánh giá sự thay đổi chỉ số xét nghiệm PSA: Bệnh nhân xuất tinh trong khoảng 48h trước khi đi xét nghiệm, tập thể dục cường độ cao, đã từng sử dụng các thủ thuật y tế trên tuyến tiền liệt sẽ làm thay đổi chỉ số xét nghiệm PSA
- Kiểm tra các đơn thuốc bệnh nhân sử dụng trước xét nghiệm nếu có vì một số thuốc làm thay đổi nồng độ PSA trong máu.
3. Ý nghĩa của chỉ số PSA
Chỉ số xét nghiệm PSA cảnh báo một số căn bệnh như viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, bí tiểu phải đặt sonde niệu đạo và đặc biệt đây là chỉ số xét nghiệm sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.
Trong đó, nếu chỉ số PSA lớn hơn 10 ng/ml khả năng ung thư là 80%, còn chỉ số lớn hơn 20 ng/ml thì khả năng ung thư là 90%. Tuy nhiên, để chắc chắn chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ làm thêm sinh thiết tuyến tiền liệt để đưa ra kết quả chẩn đoán cuối cùng.
Chỉ số xét nghiệm PSA còn giúp tiên lượng được mức độ tiến triển của ung thư, giúp bác sĩ chuyên khoa theo dõi hiệu quả của việc điều trị:
- Chỉ số xét nghiệm PSA nhỏ hơn 10 ng\ml: Ung thư vẫn còn khu trú trong tuyến tiền liệt
- PSA lớn hơn 30 ng/ml: 80% ung thư đang ở giai đoạn 3
- PSA lớn hơn 50 ng/ml: 80% ung thư đã lan tới bọng tinh
- PSA lớn hơn 100 ng/ml: 100% di căn xa
4. Nên làm xét nghiệm PSA khi nào?
Nên làm xét nghiệm PSA khi nào thì thích hợp là điều được nhiều bệnh nhân quan tâm. Trước đây, xét nghiệm PSA được làm khi có chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên ngày nay, bạn có thể chủ động làm xét nghiệm này để theo dõi sức khỏe bản thân
Đối với nam giới từ 50 tuổi trở lên, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với người trẻ tuổi. Vì vậy, các đối tượng này cần được sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt thường xuyên. Mỗi năm bạn nên đi làm xét nghiệm PSA 1 lần để có thể kịp thời phát hiện ra ung thư tuyến tiền liệt sớm và có phác đồ điều trị kịp thời nếu mắc phải căn bệnh này.
Nếu trong gia đình bạn có người thân có tiền sử mắc ung thư tuyến tiền liệt thì nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Nguy cơ bạn mắc phải căn bệnh này do nguyên nhân di truyền có tỉ lệ rất lớn. Vì vậy, nam giới từ 40 tuổi nên đi xét nghiệm PSA để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư mà không phát hiện ra được
Đối với các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đang được điều trị thì nên làm xét nghiệm PSA để theo dõi hiệu quả điều trị cũng như kiểm tra nguy cơ tái phát bệnh.