Nên cho trẻ uống thuốc giun khi nào?

Giun là một loại ký sinh trùng sống trong đường ruột của người. Mọi đối tượng đều có thể bị nhiễm giun và tỷ lệ thường tăng cao đối với trẻ nhỏ. Nguyên nhân do trẻ hay nghịch đất và gãi hậu môn, do đó rất dễ bị nhiễm giun kim. Vậy nên cho trẻ uống thuốc giun khi nào là hợp lý nhất?

1. Những thuốc tẩy giun phổ biến trên thị trường hiện nay

Thuốc tẩy giun là loại thuốc có tác dụng tiêu diệt giun ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế hoạt động của thuốc là ngăn cản khả năng tổng hợp nguồn dinh dưỡng của giun, từ đó làm cho chúng bị chết hoặc làm cho giun bị tê liệt và đào thải qua phân. Tuy nhiên các loại giun hiện nay không thể diệt được trứng giun mà chỉ có thể diệt ấu trùng và giun trưởng thành.

Những loại thuốc tẩy giun được sử dụng phổ biến trên thị trường:

  • Nhóm thuốc mebendazole, thiabendazole, albendazole, pyrantel có khả năng loại bỏ giun đũa, giun móc, giun tóc, giun đũa, giun kim, giun mỏ, thậm chí cả sán dây.
  • Nhóm thuốc có khả năng loại bỏ giun ngoài đường ruột, ví dụ như: ivermectin (loại bỏ giun lươn, giun chỉ), diethylcarbamazin điều trị giun chỉ bạch huyết.

2. Nên uống thuốc tẩy giun khi nào?

Hiện nay thuốc giun thường chứa 2 hoạt chất albendazol, mebendazol. Trong đó mebendazol không độc với khả năng ức chế khả năng tiêu thụ các chất dinh dưỡng của giun. Mebendazol là loại thuốc không kê đơn, do đó bạn có thể cho trẻ uống thuốc định kỳ 4 đến 6 tháng 1 lần, mỗi lần chỉ uống 1 viên 500mg. Chỉ nên dùng thuốc chứa mebendazol cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Có thể sử dụng mebendazol vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, có thể dùng trong lúc no hoặc đói. Mebendazol dễ sử dụng hơn so với các loại thuốc trị giun trước đây, bạn không cần phải cho trẻ nhịn ăn hay sử dụng kèm thuốc tẩy xổ.

Tuy nhiên các loại thuốc này vẫn có khả năng gây ra tác dụng phụ không mong muốn như: buồn nôn, nôn, đau bụng,... Để tránh các triệu chứng này có thể xảy ra bạn có thể dùng thuốc vào sau bữa sáng. để có hiệu quả tẩy giun tốt nhất bạn nên cho bé uống thuốc cách 2 giờ sau khi ăn tối hoặc sáng sớm (lúc bụng đói).

Tuyệt đối không chỉ định thuốc cho người đang mang thai (3 tháng đầu thai kỳ), nên tẩy giun trước khi có dự định sinh con. Nhiều bác sĩ cho rằng trẻ trên 12 tháng tuổi đã có thể bắt đầu tẩy giun hoặc sớm hơn nhưng cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Tẩy giun cho trẻ theo định kỳ hàng năm là một điều rất cần thiết. Tẩy giun thường xuyên giúp trẻ tránh bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển,...

3. Một số biện pháp phòng ngừa nhiễm giun sán

Bên cạnh việc sử dụng thuốc bạn nên dạy cho trẻ cách phòng ngừa nhiễm giun như:

  • Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
  • Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.Không sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng nhất là các loại rau.

Hy vọng với những chia sẻ về vấn đề nên cho trẻ uống thuốc xổ giun khi nào? đã giúp cho cha mẹ có được câu trả lời và biết cách chăm sóc con được tốt và phát triển toàn diện hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe