Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Việc sinh cực non, đặc biệt là cách ngày dự sinh quá xa là điều không hề vui vẻ và nằm ngoài mong muốn của bố mẹ bởi những trẻ em sinh cực non sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi cơ thể trẻ vẫn chưa có đủ thời gian để hoàn thiện. Bất cứ ai cũng có nguy cơ sinh cực non.
1. Thế nào là sinh cực non?
Đa số thời gian thai kỳ thường kéo dài khoảng 40 tuần. Những trẻ ra đời trước tuần 28 của thai kỳ được gọi là sinh cực non. Thai nhi càng ra sớm thì khả năng sống sót càng trở nên ít đi.
- Những trẻ ra đời từ tuần thứ 28 đến 32 của thai kỳ được coi là sinh rất non.
- Trẻ sinh ra trong khoảng thời gian từ tuần 32 đến 33 tuần 6 ngày được coi là sinh non trung bình.
- Trẻ sinh ra trong khoảng thời gian từ tuần thứ 34 đến 36 tuần 6 ngày được coi là sinh non muộn.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ trao đổi về khả năng sống của trẻ nếu bạn có nguy cơ sinh cực non. Khả năng sống của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với trẻ sinh cực non, có thể sống sót nhưng vẫn thường gặp những vấn đề sức khỏe, sự phát triển tâm thần hay thể chất có thể có khiếm khuyết và cần có sự chăm sóc y tế đặc biệt.
2. Dấu hiệu của việc sinh cực non
Một số dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ sinh non như sau:
- Dịch âm đạo rỉ nhiều hơn bình thường: Dịch trở nên lỏng hơn, nhầy hơn hoặc có thể có lẫn cả máu.
- Tình trạng xuất huyết âm đạo xảy ra: Bạn có thể sẽ cảm thấy đau bụng giống như đau bụng kinh hoặc có thể kèm theo các cơn co thắt.
- Áp lực vùng xương chậu gia tăng: Đau lưng vùng thấp, kèm theo là cảm giác đau theo chu kỳ, có thể trước đây bạn chưa từng bị đau lưng.
3. Nguyên nhân của việc sinh cực non
- Thai phụ bị nhiễm trùng vùng kín: Thai phụ sẽ có nguy cơ sinh non rất cao nếu bị nhiễm trùng vùng kín bởi vi khuẩn trong cơ thể phát triển khiến cho lớp màng bọc thai nhi yếu đi, làm ảnh hưởng đến nước ối khiến cho túi ối có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi bị viêm nhiễm vùng kín, bạn sẽ thấy một số dấu hiệu như đi tiểu thấy đau rát, dịch âm đạo có màu trắng hoặc màu xám, xuất hiện mẩn đỏ ở vùng kín.
- Thai phụ có tiền sử sinh non: Nếu bạn đã từng sinh con cực non thì rất có thể bạn sẽ có nguy cơ phải trải qua một lần nữa. Trước khi có ý định mang thai, bạn nên báo cho bác sĩ biết về tình trạng của bản thân.
- Thai phụ có lối sống ít vận động: Lối sống không lành mạnh hoặc có những thói quen xấu như hút thuốc, nghiện rượu, tinh thần căng thẳng hoặc thường xuyên lo lắng quá mức cũng khiến thai phụ có nguy cơ sinh non.
- Thai phụ mang đa thai: Những thai phụ mang thai theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hoặc mang thai đôi, thai ba có thể mắc tình trạng sinh cực non.
- Hai lần mang thai quá gần nhau: Trong vòng 6-9 tháng sau khi sinh nếu thai phụ mang thai rất dễ dẫn đến tình trạng sinh cực non. Để tránh bé bị dị tật bẩm sinh hoặc sinh non, phụ nữ cần nghỉ ngơi từ 11-12 tháng trước khi mang thai tiếp
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp sinh cực non mà không thể tìm được nguyên nhân chính xác.
4. Những rủi ro có thể gặp đối với trẻ sinh cực non
Trẻ sinh cực non sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về sức khỏe. Bé có thể có nguy cơ mắc bệnh bại não thậm chí là nghiêm trọng hơn có thể tử vong.
- Suy hô hấp: Phổi là cơ quan cuối cùng hoàn thiện trong quá trình mang thai chính vì vậy khi trẻ sinh cực non, phổi chưa được phát triển đầy đủ, trẻ sẽ gặp phải các vấn đề về hô hấp. Nếu bé không được cung cấp oxy kịp thời thì các cơ quan khác của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Chảy máu trong não: Tình trạng này có thể điều trị tuy nhiên nếu chảy máu quá nhiều, não của trẻ sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
- Vấn đề về tim: Tình trạng huyết áp thấp và sót ống động mạch là hai bệnh thường gặp khi trẻ sinh cực non, nếu không được điều trị kịp thời, bé có thể bị suy tim.
- Kiểm soát nhiệt độ cơ thể có vấn đề: Cơ thể của những trẻ sinh non không thể tự điều chỉnh được bởi hầu hết trẻ sinh non đều thiếu chất béo.
- Vấn đề về hệ tiêu hóa: Trẻ sinh non có nguy cơ bị viêm ruột ngoại tử, tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và thường xảy ra khi trẻ bắt đầu được cho bú. Nếu được bú sữa mẹ, trẻ ít bị bệnh này hơn.
- Vấn đề về máu: Trẻ sinh non thường dễ mắc các bệnh liên quan đến máu như vàng da, thiếu máu.
- Khả năng miễn dịch suy yếu: Trẻ sinh non có hệ miễn dịch yếu chính vì vậy trẻ rất dễ phải đối mặt với các tính huống nguy hiểm.
- Phát triển chậm: Trẻ sinh non thường sẽ phát triển chậm hơn và có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề trong học tập, hành vi.
- Vấn đề về não: Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc bệnh bại não.
- Vấn đề về thị lực, thính lực: Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc, bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến mù lòa.
- Một số bệnh mãn tính: Trẻ sinh non dễ mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, các vấn đề về dạ dày...
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã thực hiện thành công nhiều ca cứu sống cho trẻ em sinh non. Đặc biệt có những ca sinh non với tỉ lệ tử vong cao nhưng sau khi được điều trị tại Vinmec, các bé đều đã xuất viện mà không có bất cứ nguy cơ biến chứng nào lâu dài.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là bệnh viện duy nhất ở miền Bắc cứu sống được trẻ sinh non 24 tuần. Bằng các trang thiết bị hiện đại như máy thở thường, máy thở tần số cao, máy thở CPAP, lồng ấp, khả năng kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ. Bác sĩ Trần Liên Anh cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Sơ sinh tại Vinmec đã và đang mang đến nhiều cơ hội cho các bé sinh non được cứu chữa và sống khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.