Thế nào là thất bại làm tổ (RIF) trong thụ tinh ống nghiệm?

Thất bại làm tổ được định nghĩa là thất bại trong việc mang thai sau khi chuyển ít nhất bốn phôi tươi hoặc đông lạnh có chất lượng tốt trong tối thiểu ba chu kỳ thụ tinh ống nghiệm diễn ra phụ nữ dưới 40 tuổi. Nguyên nhân thất bại làm tổ liên tiếp có thể xuất phát từ các yếu tố của phôi thai hoặc tử cung của sản phụ.

1. Thế nào là thất bại làm tổ trong thụ tinh ống nghiệm?

Trong ba thập kỷ qua, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã giúp hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới thụ thai những đứa trẻ khỏe mạnh. Mặc dù tỷ lệ thành công của IVF luôn được cải thiện, tuy nhiên, nhiều chu kỳ IVF kết thúc trong sự thất vọng ở các cặp vợ chồng do phôi thai lúc đầu có vẻ bình thường nhưng sau khi cấy vào tử cung thì phôi không thể làm tổ và không thể phát triển thành thai nhi. Khi cấy ghép thất bại diễn ra trong nhiều chu kỳ IVF, bệnh nhân hoặc cặp vợ chồng đó được gọi là thất bại làm tổ liên tiếp (tên tiếng Anh là recurrent implantation failure và viết tắt là RIF).


Sau khi thụ tinh trong ống nghiệm phôi sẽ được chuyển vào tử cung
Sau khi thụ tinh trong ống nghiệm phôi sẽ được chuyển vào tử cung

Hiện nay các chuyên gia sản khoa vẫn chưa thống nhất về định nghĩa của RIF. Định nghĩa thường được sử dụng phổ biến nhất là thất bại sau 3 lần chuyển phôi với phôi có thể có chất lượng cao. RIF bao gồm những trường hợp phôi đã được cấy nhưng không thể làm tổ dẫn đến thất bại, trước khi túi thai có thể được phát hiện bằng siêu âm. Với sự ra đời của xét nghiệm di truyền tiền phôi đối với các bất thường nhiễm sắc thể (PGT-A) thì định nghĩa về sẩy thai, thai chết lưu tái diễn có thể được bổ sung thêm trường hợp bao gồm thất bại làm tổ liên tiếp sau ba lần chuyển phôi nhiễm sắc thể chỉnh bội (euploid), có nghĩa là số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào là một bội số của n bao gồm cả trường hợp 2n, n, đa bội.

2. Nguyên nhân của thất bại làm tổ trong thụ tinh ống nghiệm?


Nhiều yếu tố được biết đến đóng góp vào thất bại làm tổ trong thụ tinh ống nghiệm. Các yếu tố được biết đến bao gồm tuổi của bố và mẹ, vấn đề di truyền của phôi, bất thường của tử cung bao gồm dị tật bẩm sinh, khối u xơ và polyp, nhiễm trùng mãn tính và viêm ống dẫn trứng cũng như mô lót bên trong tử cung (nội mạc tử cung), các yếu tố tự miễn, bất thường hormone, béo phì và độc tố môi trường bao gồm bà mẹ hút thuốc lá, sử dụng rượu và ma túy.


Uống rượu bia khi mang thai làm tăng khả năng RIF
Uống rượu bia khi mang thai làm tăng khả năng RIF

Khi phụ nữ càng lớn tuổi thì số lượng trứng giảm đi và gia tăng tỷ lệ trứng có bất thường về mặt di truyền. Không thể làm tổ và tỷ lệ mang thai sinh hóa tăng theo tuổi mẹ, đặc biệt ở phụ nữ từ 38 tuổi trở lên. Tuy nhiên, RIF có thể xảy ra, ngay cả với các phôi được coi là bình thường về nhiễm sắc thể, tuổi tác chỉ là một yếu tố góp phần vào RIF.

3. Hướng điều trị thất bại làm tổ trong thụ tinh ống nghiệm

Đối với bất kỳ phụ nữ hoặc cặp vợ chồng có RIF thì việc đánh giá dựa trên bằng chứng nên được thực hiện vừa tiết kiệm thời gian và vừa tiết kiệm chi phí. Bằng cách đánh giá toàn diện bao gồm tiền sử bệnh tật và sinh sản của cả hai bố và mẹ, đánh giá các yếu tố di truyền, nội tiết tố và miễn dịch, đánh giá chi tiết về tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Xét nghiệm nâng cao về tinh trùng có thể được thực hiện trong một số trường hợp RIF.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến và phối kết hợp để giúp giảm tỷ lệ thất bại làm tổ như bổ sung nội tiết tố, thuốc chống đông máu, điều trị các bệnh lý của tử cung hoặc vùng chậu, điều trị bằng kháng sinh và IVF kết hợp với xét nghiệm di truyền trước làm tổ (Pre-implantation genetic testing – PGT) có thể là phương pháp điều trị thích hợp cho một số cặp vợ chồng.


Tiến hành các xét nghiệm trước khi tiến hành chuyển phôi
Tiến hành các xét nghiệm trước khi tiến hành chuyển phôi

Nguồn tham khảo: Rbmojournal.com; Rmany.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe