Nang giáp lưỡi là một khối u hoặc cục ở cổ, khối này chứa đầy chất lỏng bên trong. Trong quá trình mang thai, tuyến giáp của thai bắt đầu hình thành ở đáy lưỡi và sẽ di chuyển đến cổ bên dưới sụn tuyến giáp. Nang hình thành khi một phần của ống giáp lưỡi không biến mất và vẫn tồn tại sau khi sinh, dẫn tới hình thành khối nang giáp lưỡi.
1. Triệu chứng nang giáp lưỡi
U nang giáp lưỡi (Tên tiếng Anh là thyroglossal duct cyst) thường xuất hiện các triệu chứng khi trẻ từ 2 đến 10 tuổi, mặc dù bệnh lý này cũng có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi từ khi sinh ra cho đến tuổi thiếu niên. Khối u thường di chuyển khi người bệnh nuốt hoặc lè lưỡi. Khối u có thể không rõ ràng cho đến khi trẻ lớn. Trong một số trường hợp, bố mẹ hoặc trẻ cũng không nhận thấy có một khối u ở cổ cho đến khi trẻ bị nhiễm trùng khiến u nang sưng lên.
Thông thường, khối u sẽ xuất hiện ở giữa cổ và hầu như không gây ra biểu hiện khó chịu như đau, khó nuốt hoặc khó thở.
Các triệu chứng phổ biến khác của u nang giáp lưỡi bao gồm:
- Giọng khàn khàn
- Khó thở hoặc nuốt
- Có lỗ ở cổ gần u nang khiến chất nhầy chảy ra
- Đỏ da xung quanh khu vực của u nang
- Đỏ và đau ở u nang khi khối u nang bị nhiễm trùng.
2. Nguyên nhân của nang giáp lưỡi
U nang giáp lưỡi là dị tật bẩm sinh và hiện nay các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn tới dị tật này. U nang giáp lưỡi xảy ra ở cả bé trai và bé gái và dị tật này không liên quan đến các bệnh lý hay dị tật bẩm sinh khác.
3. Chẩn đoán nang giáp lưỡi
Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ nhìn và sờ nắn lên cổ của trẻ để phát hiện có u nang nào không. Nếu nghi ngờ có u nang, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh để tìm u nang ở cổ để xác nhận chẩn đoán.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm định lượng TSH (Thyroid-Stimulating Hormone) trong máu để xác định tình trạng hoạt động của tuyến giáp diễn ra như thế nào.
Chẩn đoán hình ảnh:
- Siêu âm: Kỹ thuật này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của u nang.
- Chụp CT: Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo hình ảnh 3 chiều của các mô trong cổ họng của trẻ.
- Chụp MRI: Xét nghiệm này sử dụng sóng radio và từ trường để tạo ra hình ảnh của các mô trong cổ họng của trẻ.
Xét nghiệm chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA- Fine Needle Aspiration): Trong xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng một cây kim nhỏ và rỗng đâm vào u nang để trích các tế bào để đưa đến phòng xét nghiệm kiểm tra và xác nhận chẩn đoán.
4. Điều trị u nang giáp lưỡi
- Thuốc kháng sinh
Nếu u nang giáp lưỡi bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để giúp điều trị nhiễm trùng. Nhiễm trùng trước khi phẫu thuật có thể làm cho việc loại khối u nang khó khăn hơn và tăng khả năng tái phát, do đó, bác sĩ cần điều trị tình trạng nhiễm trùng trước khi phẫu thuật.
- Phẫu thuật ống tuyến giáp
Bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện phẫu thuật để loại bỏ u nang giáp lưỡi, đặc biệt khối u nang đã bị nhiễm trùng hoặc khiến trẻ khó thở hoặc khó nuốt. Kỹ thuật này được gọi là phẫu thuật Sistrunk. Quy trình thực hiện phẫu thuật Sistrunk như sau:
- Gây mê toàn thân để trẻ có thể ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Cắt một vết cắt nhỏ ở phía trước cổ để mở da và cơ phía trên vị trí u nang.
- Loại bỏ các mô nang ở cổ.
- Loại bỏ một mảnh nhỏ từ bên trong xương móng cũng như bất kỳ mô nào còn lại trong ống tuyến giáp.
- Đóng các cơ và mô xung quanh xương móng và các khu vực đã mở bằng chỉ khâu.
- Đóng vết cắt trên da bằng chỉ khâu.
Thời gian để thực hiện phẫu thuật này mất khoảng vài giờ nên trẻ vẫn phải nằm tại viện ít nhất một đêm và sau khi xuất viện trẻ vẫn cần phải nghỉ học vài ngày. Trong khi trẻ phục hồi:
- Bố mẹ nên thực hiện đầy đủ và đúng các hướng dẫn nào bác sĩ trong chăm sóc vết mổ cho trẻ.
- Đi tái khám đúng lịch.
5. Nang giáp lưỡi có nguy hiểm không?
Hầu hết các u nang giáp lưỡi đều vô hại và không gây ra bất kỳ biến chứng lâu dài nào cho trẻ. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể khuyên bố mẹ nên phẫu thuật loại bỏ u nang này nếu nó làm cho trẻ cảm thấy tự ti do xuất hiện khối u ở cổ. Các u nang có thể phát triển trở lại ngay cả sau khi phẫu thuật nhưng với tỷ lệ chỉ khoảng 3%.
Trong một số ít trường hợp, u nang giáp lưỡi có thể trở thành khối ung thư và có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ ngay lập tức nhằm ngăn chặn các tế bào ung thư di căn. Tỷ lệ ung thư hóa trong u nang giáp lưỡi khoảng 1%.
Nguồn tham khảo: childrenshospital.org, medicalnewstoday.com, healthline.com
Video đề xuất:
Tầm soát thai nhi - Bé khỏe chào đời