Nấm rơm có tác dụng gì?

Nấm rơm là loại thực phẩm quen thuộc với người Việt Nam và thường xuyên xuất hiện trong các món ăn hàng ngày. Vậy nấm rơm có tác dụng gì và ăn nấm rơm có tốt không?

1. Đặc điểm của nấm rơm

Nấm rơm có tên khoa học là Volvariella volvacea, thuộc họ nấm ăn Pluteaceae. Nấm rơm tự nhiên mọc ở nơi có khí hậu nóng ẩm nên gặp nhiều ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới thuộc Đông và Đông Nam Á.

Nấm rơm tươi có kích thước cỡ ngón tay cái, được trồng nhiều để làm thực phẩm ở các nước Châu Á, còn các vùng khác chủ yếu được tìm thấy ở dạng đóng hộp hoặc sấy khô. Những nỗ lực để trồng nấm rơm tự nhiên ở miền nam Hoa Kỳ cho đến nay vẫn không thành công.

Nấm rơm còn có những tên gọi khác như nấm rơm lúa, nấm cỏ, nấm phụ tử, nấm ngọc cẩu và nấm Trung Quốc. Sở dĩ loại nấm này có tên là nấm rơm lúa vì chúng phát triển tốt nhất trên rơm rạ hoặc gọi là nấm Trung Quốc vì việc trồng nhân tạo loại nấm này đầu tiên bắt đầu ở Trung Quốc.

Nấm rơm là loài thực vật kỵ khí, mọc thành chùm hoặc thành cụm trên những lá mục, gỗ mục, dăm gỗ, phân động vật, trên cây cối và nấm có khả năng sinh sôi, phát triển quanh năm. Nấm rơm thường phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 28 - 35 ° C. Vậy ăn nấm rơm có tốt không?

2. Nấm rơm ăn có tốt không?

Nấm rơm là thành phần có trong nhiều món ăn châu Á khác nhau. Vậy ăn nấm rơm có tác dụng gì? Những lợi ích của nấm rơm đã được nghiên cứu bao gồm:

2.1. Nâng cao sức đề kháng

Nấm rơm tự nhiên có chứa ergothioneine, được xem là một chất chống oxy hóa mạnh có trong các loại nấm với tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Tác dụng này giúp người tiêu thụ nấm rơm nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng do nấm men hoặc vi khuẩn.

Ngoài ra, nấm rơm còn có thể giúp tăng khả năng chữa lành vết loét hoặc vết thương. Hàm lượng cao các loại vitamin A, nhóm B và C có trong nấm rơm tự nhiên rất hữu ích cho hệ thống miễn dịch.

2.2. Hàm lượng cholesterol thấp

Thành phần của nấm rơm bao gồm một số protein, không chứa các chất béo xấu và hàm lượng carbohydrate cũng rất thấp. Ngoài ra, lượng chất xơ và enzyme trong nấm rơm giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa trong khi lượng protein cao sẽ giúp đốt cháy cholesterol trong hệ tiêu hóa.


Thành phần của nấm rơm bao gồm một số protein
Thành phần của nấm rơm bao gồm một số protein

2.3. Giúp cơ thể tăng trưởng

Protein là chất cần thiết để cơ thể phát triển và tăng trưởng. Khi so với một loại thực phẩm rất thông dụng là lòng đỏ trứng gà, nấm rơm có lượng protein tương tự và không chứa chất béo nên rất tốt cho những người có lượng cholesterol máu cao, đồng thời còn giúp hạ cholesterol máu rất hiệu quả. Do đó, tiêu thụ nấm rơm trong thời kỳ cơ thể tăng trưởng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

2.4. Tốt cho bệnh đái tháo đường

Ăn nấm rơm có tốt không đối với người bệnh đái tháo đường? Câu trả lời là có vì trong nấm rơm có chứa insulin tự nhiên, ít chất béo và carbohydrate nên rất tốt cho bệnh đái tháo đường.

Bên cạnh đó, tiêu thụ nấm rơm tác động tích cực lên các cơ quan như gan, tuyến tụy và các tuyến nội tiết khác, qua đó tăng hình thành insulin với số lượng thích hợp. Cuối cùng, hàm lượng các chất kháng sinh trong nấm rất tốt để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng các vết thương do đái tháo đường gây ra.

2.5. Giảm các gốc tự do

Bên cạnh các flavonoid đã quá nổi tiếng trong việc khắc phục các gốc tự do thì selen cũng là một lựa chọn thích hợp để khắc phục và làm giảm các gốc tự do. Do đó, lượng selen có trong nấm rơm tự nhiên giúp người tiêu thụ khắc chế các gốc tự do trong cơ thể.

Các gốc tự do xâm nhập từ ô nhiễm không khí, rượu, thực phẩm chứa chất béo xấu và bức xạ điện từ có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng.

2.6. Ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư

Nấm rơm giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, tác dụng này của nấm rơm có được là do beta-glucan và axit linoleic có trong nấm.

  • Axit linoleic giúp giảm tác động của hormone estrogen, vì nồng độ hormone estrogen quá cao làm tăng nguy cơ ung thư vú;
  • Beta-glucans ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trong ung thư tuyến tiền liệt;
  • Hàm lượng selen trong nấm rơm còn có tác dụng ức chế và làm giảm số lượng tế bào ung thư.

2.7. Nâng cao sức khỏe hệ xương

Nấm rơm chứa nhiều canxi và vitamin D, đặc biệt hàm lượng vitamin D xếp thứ 2 chỉ sau dầu gan cá. Vì vậy, hàm lượng cao canxi và vitamin D giúp ích rất nhiều cho sự phát triển xương của chúng ta.


Nấm rơm chứa nhiều canxi và vitamin D
Nấm rơm chứa nhiều canxi và vitamin D

2.8. Ngăn ngừa thiếu máu

Cơ thể cần sắt để chế tạo ra tế bào máu. Thiếu sắt là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến thiếu máu. Do đó, nấm rơm có đủ hàm lượng sắt giúp chúng ta tránh được nguy cơ mắc bệnh lý này.

2.9. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Nấm rơm có hàm lượng cao các loại khoáng chất, một trong số đó là kali và đồng. Chúng ta biết rằng đồng có đặc tính chống vi khuẩn, giữ cho các cơ quan nội tạng tránh khỏi sự tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh.

Hàm lượng kali cao của nấm rơm rất tốt cho việc duy trì chức năng của các mạch máu trong cơ thể. Do đó, ăn nấm rơm có tác dụng gì thì một trong số đó là nâng cao và duy trì sức khỏe tim mạch..

2.10. Một số công dụng và lợi ích khác của nấm rơm

  • Nhiều người tin rằng nấm rơm có tác dụng loại bỏ lượng nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể;
  • Hạn chế đông máu và có thể làm giảm huyết áp;
  • Kiểm soát một số bệnh lý tự miễn và chữa lành các tổn thương do bệnh tự miễn gây ra;
  • Nấm rơm giúp thanh nhiệt, ích khí, thúc đẩy quá trình sản sinh chất lỏng trong cơ thể;
  • Nấm rơm có tác dụng giải cảm, hạ sốt, tăng cường sữa cho phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ, hỗ trợ sức khỏe của em bé và làm cho gan, dạ dày khỏe mạnh;
  • Nấm rơm chứa protein đồng phân hóa có thể cải thiện chức năng miễn dịch, giảm cholesterol và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

3. Cách sơ chế nấm rơm tự nhiên

  • Chọn lựa cẩn thận đúng nấm rơm tươi, không chọn nhầm các loại nấm có độc khác vì đôi khi chúng có hình dạng, mùi vị giống nhau;
  • Nấm rơm trước khi nấu chín phải cạo sạch bụi bẩn và rửa với nước sạch;
  • Sau đó đun với nước sôi khoảng 5 phút;
  • Sau khi ra nước có bọt, màu hơi nâu và có mùi đặc trưng, ​​hãy vớt nấm ra;
  • Rửa sạch nấm lại với nước lạnh 2-3 lần sau đó để ráo;
  • Chế biến các món ăn từ nấm rơm đã sơ chế, không được để lâu vì nấm sẽ bị héo và thối rữa.

Nấm rơm là thực phẩm giàu dinh dưỡng và là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon. Bạn hãy thường xuyên thêm thực phẩm này vào thực đơn gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe