Nấm miệng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị

Nấm miệng gây ra các vết sưng trắng hoặc vàng do nhiễm trùng nấm men trong miệng. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và mới biết đi, còn được gọi là candida miệng hoặc tưa miệng. Nhiễm trùng thường nhẹ và hiếm gây vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, những vết sưng cũng biến mất khi được điều trị.

1. Triệu chứng bệnh nấm miệng

Ở giai đoạn đầu, bệnh tưa miệng có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn, một hoặc nhiều triệu chứng sau đây có thể xuất hiện:

  • Các mảng màu trắng kem hoặc vàng (giống phô mai) bên trong má, nấm lưỡi, amidan, nướu hoặc môi.
  • Chảy máu nhẹ ở vết sưng nếu bị cọ xát hoặc cạo
  • Đau nhức hoặc nóng rát trong miệng, gây khó khăn khi ăn hoặc nuốt
  • Cảm giác khô miệng
  • Da khô, nứt nẻ ở khóe miệng
  • Khó nuốt
  • Có mùi khó chịu trong miệng
  • Mất vị giác

Miệng bị nấm ở trẻ cũng gây khó khăn khi bú, khiến bé khó chịu hoặc quấy khóc. Trong một số trường hợp, miệng bị nấm có thể ảnh hưởng đến thực quản, nhưng không phổ biến. Nếu có, bệnh tưa miệng lan vào thực quản sẽ gây ra:

  • Đau khi nuốt hoặc khó nuốt
  • Cảm giác thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc ở giữa ngực
  • Sốt (nếu nhiễm trùng lan ra ngoài thực quản)

Trẻ bú mẹ bị nấm miệng có thể truyền sang vú mẹ và khiến:

  • Núm vú đỏ, nhạy cảm, nứt hoặc ngứa
  • Da căng bóng hoặc bong tróc trên quầng vú
  • Đau núm vú giữa các lần cho bú

Loại nấm tương tự gây bệnh tưa miệng cũng có thể làm nhiễm trùng nấm men, xâm nhập vào máu và lan sang tim, não, mắt hoặc các bộ phận khác trên cơ thể (candida xâm lấn hoặc hệ thống). Ở những người có hệ miễn dịch yếu, nấm miệng sẽ dễ lây lan sang các nhiều nơi và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng tiềm ẩn. Nhiễm nấm candida toàn thân có thể gây sốc nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.


Nấm miệng ở trẻ khiến bé khó chịu hoặc quấy khóc.
Nấm miệng ở trẻ khiến bé khó chịu hoặc quấy khóc.

2. Nguyên nhân gây nấm miệng

Nấm miệng và nhiễm trùng nấm men khác là do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans (C. albicans). Bình thường, một lượng nhỏ C. albicans vẫn sống trong miệng của bạn mà không gây hại. Khi hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, vi khuẩn có lợi trong cơ thể sẽ giúp kiểm soát C. albicans. Nhưng nếu hệ miễn dịch bị tổn hại hoặc mất cân bằng các vi sinh vật trong cơ thể, nấm có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát.

  • Nguyên nhân phát triển quá mức C. albicans khiến miệng bị nấm có khả năng là do dùng một số loại thuốc, khiến số lượng vi sinh vật có lợi trong cơ thể bị giảm, chẳng hạn như thuốc kháng sinh.
  • Các phương pháp điều trị ung thư, bao gồm hóa trị và xạ trị, cũng làm hỏng hoặc tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh. Điều này khiến bạn dễ bị tưa miệng và các bệnh nhiễm trùng khác.
  • Các tình trạng làm suy yếu hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh bạch cầu và HIV, cũng tăng nguy cơ phát triển bệnh tưa miệng. Nấm miệng là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở những người nhiễm HIV.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường còn góp phần phát triển nấm miệng. Đái tháo đường không kiểm soát tốt sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và gây lượng đường trong máu cao. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nấm C. albicans phát triển. Bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tưa miệng nếu:

  • Thường xuyên bị khô miệng
  • Bị thiếu máu
  • Dùng corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch
  • Hút thuốc lá
  • Đeo răng giả

3. Miệng bị nấm có lây không?

Người bị tưa miệng có thể lây truyền nấm cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp, ví dụ như hôn. Nấm gây bệnh tưa miệng cũng làm nhiễm trùng nấm men ở các bộ phận cơ thể khác. Vì vậy những con đường lây lan cũng rất đa dạng.


Nấm miệng có thể lây truyền cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp.
Nấm miệng có thể lây truyền cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp.

Miệng bị nấm, nhiễm nấm âm đạo hoặc nấm men dương vật có khả năng truyền cho bạn tình thông qua quan hệ tình dục, kể cả đường hậu môn hoặc quan hệ bằng miệng. Phụ nữ có thai bị nhiễm nấm âm đạo có nguy cơ truyền nấm cho con trong khi sinh. Phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men vú sẽ truyền nấm sang con khi cho bú. Ngược lại, trẻ bị nấm miệng cũng có thể truyền nấm cho mẹ khi bú sữa.

Ngoài ra, vì C. albicans rất phổ biến trong môi trường, nên nếu bạn bị nấm miệng thì không nhất thiết là do lây lan từ người khác.

4. Phương pháp điều trị nấm miệng

Bác sĩ có thể chẩn đoán nấm miệng bằng cách kiểm tra miệng của bệnh nhân để tìm ra dấu hiệu đặc trưng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ sinh thiết vùng bị ảnh hưởng để xác định. Bạn sẽ được cạo một phần nhỏ vết sưng từ miệng, sau đó gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để tìm C. albicans.

Miệng bị nấm rất dễ điều trị ở trẻ em và người lớn khỏe mạnh, nhưng người có hệ miễn dịch yếu sẽ phức tạp hơn. Để điều trị bệnh tưa miệng, bác sĩ thường kê toa một hoặc nhiều loại thuốc sau, dùng trong vòng 10 - 14 ngày:

  • Thuốc chống nấm fluconazole (Diflucan)
  • Viên ngậm chống nấm clotrimazole (Mycelex Troche)
  • Nước súc miệng chống nấm nystatin (Nystop, Nyata), có thể thấm tăm bông để chấm vào miệng cho trẻ nhỏ
  • Thuốc uống chống nấm itraconazole (Sporanox), chỉ định cho những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và người nhiễm HIV
  • Thuốc điều trị miệng bị nấm nghiêm trọng amphotericin B (AmBisome, Fungizone)

Bệnh tưa miệng thường sẽ hết sau vài tuần điều trị, nhưng một số trường hợp có thể tái phát. Đối với những người trưởng thành mắc bệnh nấm miệng tái phát mà không rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ đánh giá về các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn góp phần khiến miệng bị nấm.

Trẻ sơ sinh có thể gặp một vài đợt tưa miệng trong năm đầu đời. Nếu mẹ đang cho con bú và bị nhiễm nấm, hãy sử dụng miếng lót để ngăn ngừa lây lan sang quần áo. Mẹ cũng cần thay áo ngực sạch mỗi ngày, đồng thời hỏi bác sĩ về cách làm sạch núm vú, núm vú giả và các bộ phận của máy hút sữa. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sơ sinh dùng bất kỳ chất bổ sung nào.

5. Các biện pháp khắc phục tại nhà

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc thay đổi lối sống để điều trị tưa miệng, cũng như ngăn chặn bệnh tái phát. Sau khi hồi phục, điều quan trọng là phải vệ sinh răng miệng tốt. Một vài lời khuyên bổ ích khác bao gồm:

  • Đánh răng bằng bàn chải mềm để tránh làm tổn thương vết sưng do nấm miệng
  • Thay bàn chải đánh răng sau khi hoàn thành điều trị
  • Nếu bạn có đeo răng giả, cần làm sạch đúng cách để giảm nguy cơ tái nhiễm trùng
  • Tránh lạm dụng, tự ý dùng nước súc miệng hoặc thuốc xịt miệng nếu không được bác sĩ kê đơn

Súc miệng nước muối đúng cách giúp giảm chứng nấm miệng.
Súc miệng nước muối đúng cách giúp giảm chứng nấm miệng.

Một số biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp giảm triệu chứng bệnh tưa miệng ở người lớn. Ví dụ, bạn có thể dùng:

  • Nước muối
  • Dung dịch nước và baking soda
  • Hỗn hợp nước và chanh
  • Hỗn hợp nước và giấm táo

Sữa chua có chứa lợi khuẩn hoặc bổ sung chế phẩm sinh học cũng là một lựa chọn tốt. Mặt khác, hạn chế hoặc tránh một số loại thực phẩm như carbohydrate tinh chế và đường, có thể kiềm chế sự phát triển của C. albicans, giúp điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tưa miệng và các loại nhiễm trùng nấm men khác.

Mục tiêu của tất cả phương pháp điều trị miệng bị nấm là ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của nấm Candida. Tuy nhiên, để chọn ra phương pháp tốt nhất cần dựa vào tuổi tác, sức khỏe tổng thể và nguyên nhân gây nhiễm trùng. Kiểm soát và điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn, các vấn đề sức khỏe mãn tính cũng có thể ngăn ngừa nấm miệng tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe