Nấm candida âm đạo có dễ chữa không?

Nấm Candida là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm âm đạo, với tỉ lệ lên tới 90%. Trong điều kiện bình thường, các bào tử nấm này không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi hoặc môi trường sinh lý của âm đạo mất cân bằng, nấm sẽ sinh sôi và gây bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng sẽ trở nên rất dai dẳng và khó giải quyết.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Nhiễm nấm Candida là như thế nào?

Nhiễm nấm Candida hay còn gọi là nhiễm trùng nấm men, gây ra bởi một loại nấm có tên Candida Albicans. Đây là một loại nấm gây bệnh ở người vô cùng phổ biến, có thể gây tổn thương cho da, máu, miệng và cả bộ phận sinh dục.  

Nấm Candida có thể gây ra các tổn thương và viêm nhiễm cho âm đạo, âm hộ của chị em
Nấm Candida có thể gây ra các tổn thương và viêm nhiễm cho âm đạo, âm hộ của chị em

Khi cơ thể người bệnh khỏe mạnh, môi trường sinh lý của vùng kín cân bằng thì nấm Candida không gây hại. Tuy nhiên, khi sự cân bằng pH của vùng kín mất đi sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển. Từ đó, các chị em sẽ xuất hiện tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo.

Đặc biệt, các vùng cơ thể ẩm ướt là nơi mà bệnh thường xuất hiện. Nguy cơ bị nhiễm nấm Candida cũng sẽ tăng lên bởi một số loại thuốc hoặc một số bệnh.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm nấm Candida

Các dấu hiệu phụ nữ nhiễm nấm Candida có thể khác nhau ở mỗi người, tuỳ thuộc vào mức độ và vùng bị nhiễm nấm. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu phổ biến khi người bệnh nhiễm nấm âm đạo. Các dấu hiệu này bao gồm:

  • Khu vực âm đạo bị ngứa, đau rát và tấy đỏ. Người bệnh có thể gãi và khiến nấm lan rộng tới khu vực bẹn, hậu môn.
  • Dịch âm đạo vón cục và có màu trắng.  
  • Dịch âm đạo đóng thành từng mảng dính vào thành âm đạo, tuy nhiên không có mùi.
  • Đau đớn hoặc gặp khó khăn trong lúc quan hệ.
  • Khí hư ra nhiều.
  • Niêm mạc âm hộ bị viêm, đỏ.
  • Tiểu khó hoặc tiểu nhiều.
  • Trong trường hợp nặng, âm hộ và môi bé, môi lớn có thể bị đỏ, phù nề.

Không chỉ thế, nam giới có thể bị viêm bao quy đầu khi quan hệ với phụ nữ bị nhiễm nấm Candida. Các dấu hiệu của viêm bao quy đầu bao gồm ngứa, đỏ và xuất hiện chất nhầy trắng.  

Sau vài phút hoặc vài giờ kể từ khi quan hệ tình dục, tình trạng viêm bao quy đầu sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, nam bệnh nhân không cần quá lo lắng vì bệnh sẽ tự khỏi sau khi vệ sinh sạch sẽ. 

Đi tiểu khó, tiểu nhiều cũng là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm nấm Candida âm đạo
Đi tiểu khó, tiểu nhiều cũng là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm nấm Candida âm đạo

3. Nguyên nhân gây bệnh

Viêm âm đạo do nấm là một bệnh rất thường gặp ở phụ nữ, chỉ đứng sau viêm âm đạo do vi khuẩn. Vì thế, khi biết mình mắc viêm âm đạo do nấm Candida, đừng quá lo lắng. Theo thống kê, có tới 50% phụ nữ mắc viêm âm đạo do nấm ít nhất một lần trong đời.  

Xu hướng mắc bệnh viêm âm đạo do nấm ngày càng tăng do việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh. Quá trình sử dụng kháng sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và gây bệnh.

Về nguyên nhân cụ thể, dưới đây là một số nguyên nhân khiến phụ nữ bị nhiễm nấm Candida âm đạo:

  • Vệ sinh cơ thể không tốt.
  • Mặc các loại quần áo chật, không thoát mồ hôi.
  • Mặc đồ lót ẩm ướt và không thông thoáng.
  • Quan hệ tình dục không an toàn cũng làm tăng nguy cơ nhiễm nấm.
  • Hệ miễn dịch của cơ thể không đủ tốt.
  • Người bệnh dùng kháng sinh trong một thời gian dài.
  • Bệnh nhân đang điều trị ung thư (xạ trị hoặc hóa trị).
  • Người bệnh bị nhiễm HIV/AIDS.
  • Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường.
  • Các chị em đang trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Có thói quen vệ sinh sâu bên trong âm đạo.
  • Nhiễm nấm từ hậu môn.
  • Sử dụng chung đồ lót với người bị nhiễm nấm Candida.
  • Quan hệ tình dục khi đang điều trị nấm hoặc điều trị chưa dứt điểm.

4. Điều trị và phòng ngừa

4.1. Điều trị

Để điều trị tình trạng nhiễm nấm Candida âm đạo, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng nấm. Các loại thuốc kháng nấm được sử dụng để điều trị bao gồm:

  • Econazole 150mg: Thuốc này được dùng để đặt âm đạo, mỗi ngày 1 viên trong 3 ngày.
  • Clotrimazole 100mg: Đây cũng là thuốc đặt âm đạo. Tuỳ vào tình trạng, có thể đặt thuốc mỗi đêm trong 7 ngày hoặc chỉ 1 lần duy nhất.
  • Fluconazol 150mg: Uống duy nhất 1 liều hoặc 2 viên/ngày trong từ 3 đến 5 ngày. Thuốc này sẽ được dùng khi người bệnh sử dụng Itraconazole 100mg.
  • Gentian 0,5%: Đây là thuốc có thể được dùng để bôi tại chỗ.

Cần chú ý rằng, các loại thuốc này không được sử dụng cho phụ nữ mang thai đang trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

4.2. Phòng ngừa

Bên cạnh việc điều trị, các chị em nên thực hiện các biện pháp khác để phòng ngừa cũng như hạn chế diễn biến của tình trạng nhiễm nấm Candida âm đạo. Có thể kể đến các biện pháp như sau:

  • Tránh dùng các sản phẩm như xà phòng, sữa tắm hay chất khử mùi âm đạo có chất gây kích thích.
  • Tránh rửa sâu bên trong âm đạo bởi có thể làm tình trạng nhiễm nấm Candida thêm trầm trọng.
  • Tránh mặc quần và quần lót quá chật để âm đạo được khô thoáng.
  • Đối với người bị tiểu đường, hãy đảm bảo lượng đường trong máu ở mức cho phép.
  • Vệ sinh vùng kín thường xuyên.
  • Phơi quần áo ở nơi có ánh nắng mặt trời để tránh nấm mốc.

Ngoài ra, nếu tình trạng nhiễm nấm Candida liên tục tái phát, người bệnh nên đi kiểm tra. Điều này có thể do người bệnh đang bị tiểu đường hoặc do dùng kháng sinh kéo dài, dùng thuốc tránh thai chứa estrogen khiến cơ thể bị suy giảm sức đề kháng.

Không chỉ vậy, nếu muốn trị dứt điểm tình trạng nấm Candida âm đạo, cần phải điều trị cho cả vợ và chồng. Bởi trong quá trình giao hợp, nấm Candida có thể đọng lại ở bao quy đầu. Điều này vô tình khiến cho người vợ dễ bị tái phát.

Khi bị nhiễm nấm Candida, chị em không thể tự khỏi hoàn toàn nếu không dùng thuốc đặc trị. Tuy nhiên, không được tự ý mua thuốc khi chưa có hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ khiến người bệnh dễ bị lờn thuốc và khó chữa dứt điểm nấm Candida hơn. 

Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời nhiễm nấm candida.
Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời nhiễm nấm candida.

Vì thế, để chữa trị dứt điểm viêm âm đạo do nấm Candida, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh. Điều này sẽ tránh tình trạng bệnh tái phát nhiều lần và có thể chuyển sang mãn tính.

Để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh viêm nhiễm ở khu vực âm đạo, các chị em tốt nhất nên chủ động khám sàng lọc khi thấy các dấu hiệu bất thường. Gói khám và sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ giúp phụ nữ giải quyết các nỗi lo thầm kín. Gói khám cũng giúp phát hiện sớm các bệnh lý, viêm nhiễm, từ đó có được các biện pháp điều trị hiệu quả và ít tốn kém.

Khi đăng ký Gói khám và sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, các khách hàng sẽ được:

  • Siêu âm tuyến vú cả hai bên.
  • Siêu âm buồng trứng, siêu âm tử cung qua đường âm đạo.
  • Khám chuyên khoa Phụ khoa.
  • Thực hiện một số xét nghiệm như: Test nhanh Chlamydia, test nhanh Treponema pallidum, lấy bệnh phẩm để làm phiên đồ tế bào cổ tử cung - âm đạo, vi khuẩn nhuộm soi ( dịch âm đạo nữ), HPV genotype PCR hệ thống tự động.
  • Tổng phân tích nước tiểu bằng hệ thống máy tự động. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe