Thuốc Myomethol 500mg chứa hoạt chất methocarbamol, được chỉ định trong điều trị các cơn đau xương khớp cấp tính do co thắt cơ xương, co thắt cơ, gãy xương hoặc trật khớp... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Myomethol qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Myomethol
1.1. Chỉ định
“Myomethol là thuốc gì?”. Thuốc Myomethol chứa hoạt chất Methocarbamol 500mg – thuộc nhóm thuốc giãn cơ, tăng trương lực cơ. Thuốc được chỉ định ở người bệnh bị đau lưng cấp tính do co thắt cơ xương, co thắt cơ, gãy xương hoặc trật khớp, co thắt cơ do chấn thương hoặc kích ứng thần kinh, sau phẫu thuật chỉnh hình, vẹo cổ, viêm xơ vi sợi. Thuốc cũng có hiệu quả trong điều trị viêm cơ, viêm đốt sống và vọp bẻ chân vào buổi tối.
1.2. Dược lực học
Hoạt chất Methocarbamol thuộc nhóm thuốc giãn cơ, tác dụng an thần nhẹ. Thuốc có tác dụng giãn cơ kéo dài trên cơ xương thông qua ức chế chọn lọc trên hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là trên các nơron trung gian. Methocarbamol có tác dụng làm dịu hệ thần kinh trung ương, giảm đau cấp tính, ức chế co rút làm giảm đau trung tâm và giảm co thắt cơ.
1.3. Dược động học
Quá trình hấp thu: Thuốc được hấp thu nhanh chóng và hầu như hoàn toàn sau khi uống qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc đạt được sau khoảng 2 giờ uống liều duy nhất. Thời gian thuốc xuất hiện tác dụng khoảng 30 phút sau khi uống. Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương khoảng 29,8μg/ml đạt được sau khoảng 2 giờ dùng thuốc.
Quá trình phân phối: Methocarbamol được phân phối rộng rãi vào các cơ quan trong cơ thể, trong đó nồng độ cao nhất đạt tại gan và thận, nồng độ đạt thấp hơn tại não, phổi, lách và thấp nhất tại cơ xương và tim. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu chứng minh Methocarbamol có phân phối vào sữa mẹ hay không.
Quá trình chuyển hóa và bài tiết: Thời gian bán thải của Methocarbamol khoảng từ 0,9 – 1,8 giờ. Thuốc được chuyển hóa rộng rãi, chủ yếu ở gan qua con đường khử alkyl và hydroxyl hóa. Methocarbamol và chất chuyển hóa của nó được bài tiết nhanh chóng và hầu như hoàn toàn qua đường nước tiểu. Trong đó khoảng 10 – 15% liều thuốc được bài tiết qua đường nước tiểu dưới dạng không đổi, 40 – 50% liều thuốc được bài tiết dưới dạng liên hợp sulfate và glucuronide, phần còn lại được bài tiết dưới dạng chuyển hóa không rõ.
2. Liều dùng thuốc Myomethol 500mg
Thuốc Myomethol 500mg được dùng bằng được uống. Liều dùng khuyến cáo ở người trưởng thành là uống 1 – 3 viên/lần x 4 lần/ngày. Liều thuốc khởi đầu ở người trưởng thành được khuyến cáo là 2 viên/lần, lặp lại liều sau 6 giờ. Liều thuốc cần được điều chỉnh phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng bệnh và khả năng dung nạp thuốc của người bệnh. Trong trường hợp bệnh lý nghiêm trọng có thể điều trị bằng thuốc Myomethol trong thời gian từ 4 – 6 tháng.
3. Tác dụng không mong muốn khi dùng Myomethol 500mg
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc myomethol như sau:
- Chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn, vị giác kim loại, rối loạn đường tiêu hóa và biếng ăn... Tuy nhiên tỷ lệ gặp phải các tác dụng phụ trên tương đối thấp;
- Phản ứng dị ứng như ngứa, nổi mày đay, phát ban trên da và viêm kết mạc kèm sung huyết mũi;
- Nước tiểu xuất hiện màu xanh đen;
Các tác dụng phụ liệt kê trên chỉ là tạm thời, sẽ mất đi khi ngưng sử dụng thuốc. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng myomethol.
4. Lưu ý khi sử dụng Myomethol 500mg
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc ở người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của myomethol 500mg, người bệnh bị tổn thương não, hôn mê, người bệnh nhược cơ và có tiền sử động kinh.
4.2. Lưu ý khi sử dụng
Hiệu quả và độ an toàn của Methocarbamol (trừ trường hợp điều trị uốn ván) ở trẻ em dưới 12 tuổi chưa được xác định. Vì vậy, không sử dụng thuốc trong điều trị cho trẻ em ở độ tuổi này.
Đối với người cao tuổi, người bệnh suy thận, suy gan cần thông báo cho bác sĩ điều trị để được giảm liều dùng thích hợp. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các phản ứng dị ứng thuốc, các loại thuốc đang điều trị trước khi sử dụng Myomethol.
Thuốc myomethol 500mg có thể gây nhức đầu, hoa mắt, ngủ gật... Rượu làm tăng các triệu chứng này, vì vậy cần hạn chế sử dụng rượu khi đang điều trị với myomethol.
Phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa xác định được độ an toàn của thuốc khi dùng ở phụ nữ đang mang thai. Do vậy không sử dụng thuốc ở đối tượng này.
Phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa xác định được Methocarbamol có bài tiết được qua sữa mẹ hay không. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú và nên ngừng cho con bú khi đang điều trị bằng thuốc.
5. Tương tác thuốc
Khả năng ức chế thần kinh trung ương tăng lên khi sử dụng kết hợp methocarbamol với chất ức chế thần kinh trung ương, kể cả cồn. Vì vậy cần thận trọng để không xảy ra trường hợp quá liều.
Tránh sử dụng đồng thời thuốc Myomethol 500mg với các thuốc hướng tâm thần, thuốc gây chán ăn. Tác dụng giảm đau của Myomethol 500mg được gia tăng khi sử dụng chung với các nhóm thuốc giảm đau khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.