Mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng mụn cóc ở dưới bàn chân, mụn cóc ngón chân cũng cần được điều trị triệt để không gây cảm giác khó chịu, đau đớn cũng như làm giảm chất lượng sống của người bệnh.
1. Tìm hiểu về mụn cóc Plantar
Mụn cóc Plantar do virus có tên Human Papilloma hay còn gọi là virus HPV gây nên. Đây là loại virus phát triển tốt trong môi trường ẩm, nhất là những vị trí như phòng thay đồ ẩm thấp... bên trong giày dép bịt kín...Khi da, niêm mạc bị trầy xước thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus HPV xâm nhập vào cơ thể và gây nên những mụn cóc này.
Mụn cóc Plantar có thể xuất hiện ở những vùng chịu nhiều áp lực như gót chân, hoặc có thể là mụn cóc lòng bàn chân. Mụn cóc ở chân này có thể lây sang những phần khác của chân, kích thước có thể lớn lên và gây đau cho bệnh nhân. Mụn cóc ở chân hay mụn cóc lòng bàn chân là do những bệnh nhiễm trùng u nhú từ virus HPV. Virus này xâm nhập vào cơ thể con người và ủ bệnh rất lâu, có thể lên đến vài tháng. Mụn cóc Plantar có thể lây từ người này sang người khác qua con đường tiếp xúc, cho dù chỉ là tiếp xúc một cách thoáng qua và nhẹ nhàng cũng rất dễ mắc phải virus này.
Những dấu hiệu lâm sàng có thể gặp ở người có mụn cóc Plantar đó là:
- Mụn nhỏ, rộp, sần sùi, màu da, đen, nâu hoặc xám đen, sưng lên ở những vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, hoặc có thể là mụn cóc ngón chân...
- Xuất hiện những mảng mô sẹo sau giai đoạn mụn cóc phát triển vào bên trong da.
- Đầu đen, hay chấm đen rất nhỏ trên bề mặt của những mụn cóc là dấu hiệu của sự vón cục các mao mạch.
- Xuất hiện các vết chai sần không nhìn thấy được mạch máu trong lòng bàn chân.
- Bệnh nhân có cảm giác đau khi đứng dậy hoặc đi lại.
- Nếu mụn cóc Plantar lớn dần, ăn sâu vào bên trong da thì sẽ làm cho người bệnh có cảm giác như có viên sỏi khi mang giày.
Những đối tượng dễ mắc phải hiện tượng nổi mụn cóc ở chân là:
- Trẻ em trong độ tuổi 12-16 tuổi
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu do dùng những thuốc ức chế miễn dịch, bị nhiễm virus HIV, bệnh lý tiểu đường hoặc những bệnh lý về rối loạn miễn dịch khác.
- Những người đã mắc phải mụn cóc ở chân rồi cũng sẽ bị lây lan những vùng khác của chân.
2. Mụn cóc ở chân cách chữa
Mụn cóc lòng bàn chân hay mụn cóc ở chân có thể tự động biến mất, nhưng cũng có trường hợp nó phát triển to dần lên theo thời gian gây đau đớn và cản trở việc đi lại của chúng ta nên cần được phát hiện và điều trị mụn cóc bằng những biện pháp thích hợp, an toàn và hiệu quả. Một số phương pháp có thể dùng để chữa trị mụn cóc Plantar như sau:
- Sử dụng Acid Salicylic: Thuốc này có tác dụng làm phá hủy những tế bào sừng và virus HPV từ từ, làm bong tróc các tế bào này ra nhưng hiệu quả của phương pháp này chậm, có thể mất vài tuần thì nốt mụn cóc mới có thể biến mất. Dung dịch Acid Salicylic còn có khả năng giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân được tăng cường để chống lại sự hình thành mụn cóc do virus HPV gây ra.
- Áp lạnh: Sử dụng chất lỏng lạnh là nitơ để làm đóng băng nốt mụn cóc ở chân lại và sẽ để lại sẹo trên chân của bệnh nhân. Phương pháp áp lạnh có thể được kết hợp với dùng Acid Salicylic để nâng cao hiệu quả điều trị hơn. Vì phương pháp này chỉ loại bỏ phần trên của mụn cóc nên cần được thực hiện nhiều lần cho đến khi mụn cóc ở chân được loại bỏ hoàn toàn.
- Đốt điện: Đốt điện là phương pháp phù hợp với những nốt mụn cóc ở chân có kích thước < 1cm và mọc ở những vị trí khó phẫu thuật. Phương pháp này sử dụng dòng điện tần số cao để phá hủy những thương tổn, được tiến hành khá nhanh chóng và đơn giản, có khả năng làm sạch tổn thương cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sau khi thực hiện đốt điện, bệnh nhân cần chăm sóc vết thương kỹ càng, sạch sẽ để không bị nhiễm trùng và phải mất thời gian lâu để vết thương có thể lành hoàn toàn.
- Tiểu phẫu: Được thực hiện bằng cách sử dụng kim điện để lấy những hạt mụn cóc ở chân ra khỏi cơ thể.
- Laser CO2: Đây là biện pháp sử dụng ánh sáng laser có tác dụng làm biến mất những nốt mụn cóc Plantar trên cơ thể bệnh nhân bằng cách đóng những mạch máu nhỏ lại, các mô bị tổn thương sẽ chết đi và mụn cóc ở chân sẽ rơi rụng. Phương pháp này phù hợp với những nốt mụn có kích thước < 2cm và ở những vị trí có bề mặt bằng phẳng như mụn cóc gót chân, mụn cóc cạnh bàn chân hoặc mụn cóc lòng bàn chân. Thời gian lành vết thương sau khi tiến hành chiếu laser CO2 khá nhanh và việc chăm sóc vết thương cũng dễ dàng hơn, tránh được nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây là phương pháp có giá thành khá đắt và khả năng tái phát sau điều trị là cao hơn.
Sau khi điều trị mụn cóc ở chân, hiện tượng tái phát bệnh hoặc lây lan mụn cóc sang những vùng khác của cơ thể hoàn toàn có thể xảy ra. Những biện pháp kể trên chỉ là những phương pháp điều trị triệu chứng các loại mụn cóc thường gặp và không loại bỏ triệt để virus HPV ra khỏi cơ thể được.
3. Ngăn ngừa mụn cóc ở lòng bàn chân
Để phòng ngừa việc xuất hiện mụn cóc ở chân, đặc biệt là mụn cóc lòng bàn chân thì chúng ta cần làm theo những lời khuyên sau đây:
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho đôi chân, tránh những nơi ẩm thấp hoặc có khả năng có virus HPV.
- Không đi chân trần, chọn giày dép phải phù hợp và vừa vặn, không đi giày dép quá chật hay quá rộng vì đây là điều kiện thuận lợi cho virus HPV phát triển.
- Luôn giữ đôi chân khô ráo và thay vớ thường xuyên. Vệ sinh giày dép sạch sẽ và định kỳ.
- Không đi giày dép, vớ của người khác để tránh lây nhiễm bệnh.
- Không tự ý chọc hay nặn mụn cóc mà phải đi đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý.
- Vệ sinh bàn tay với xà phòng sau khi chạm vào vùng tổn thương, hạn chế sờ vào những bộ phận khác hoặc những vật dụng khác nếu chưa rửa tay sạch sẽ.
- Không sử dụng dụng cụ cắt móng tay, móng chân của người khác. Không cắn móng tay.
Mụn cóc Plantar rất dễ lây lan cho người khác và dễ tái phát lại ở những phần khác của chân nên khi có bất cứ những dấu hiệu nào của mụn cóc ở chân, mụn cóc lòng bàn chân hay mụn cóc ngón chân thì cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay, việc tiêm vắc-xin phòng virus HPV đang được khuyến cáo rất nhiều để giảm thiểu sự mắc phải virus HPV gây ra những bệnh lý như mụn cóc, sùi mào gà hay nguy hiểm hơn là ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.