Mùi hơi thở và sức khỏe của bạn

Hơi thở có mùi hôi khó chịu hay chứng hôi miệng là điều khiến bất cứ ai cũng đều cảm thấy tự ti và xấu hổ. Tuy nhiên, một số mùi đặc trưng từ hơi thở có thể có tác dụng chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bạn.

1. Ngáy ngủ

Miệng của bạn có thể bị khô nếu ngáy ngủ hoặc mở miệng khi ngủ. Thiếu độ ẩm khiến miệng trở thành ngôi nhà lý tưởng của vi khuẩn, dẫn đến hơi thở nặng mùi vào buổi sáng. Bạn có khả năng ngáy nhiều hơn nếu nằm ngửa khi ngủ, vì vậy tốt hơn là nên nằm ngủ nghiêng. Ngáy cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn thường xuyên ngáy, hãy trình bày với bác sĩ để được giúp đỡ, cũng như hướng dẫn cách phòng tránh các vấn đề về răng miệng và sức khỏe khác do ngáy gây ra.

2. Bệnh nướu răng

Mùi hơi thở khó chịu như kim loại có thể là do vi khuẩn phát triển dưới nướu / lợi, dẫn đến viêm và thậm chí là nhiễm trùng. Các nha sĩ thường gọi tình trạng này là viêm nha chu. Bạn có nhiều khả năng mắc phải nếu hút thuốc hoặc không thường xuyên chải răng và dùng chỉ nha khoa. Bệnh nướu răng cũng có tính di truyền giữa các thành viên trong gia đình.


Viêm nha chu vừa làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh vừa gây mất thẩm mỹ
Viêm nha chu vừa làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh vừa gây mất thẩm mỹ

3. Trào ngược axit dạ dày - thực quản

Tình trạng này khiến cho axit dạ dày di chuyển sai cách, chảy ngược trở lại vào ống nối cổ họng với dạ dày (thực quản). Trào ngược axit có thể khiến hơi thở hơi thở nặng mùi chua, kèm theo một chút thức ăn hoặc chất lỏng đi ngược vào miệng. Axit cũng có thể ảnh hưởng đến cổ họng và miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn có mùi sinh sản nhiều hơn, dẫn đến hơi thở khó chịu.

4. Bệnh tiểu đường

Hơi thở có mùi trái cây đôi khi là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phải sử dụng chất béo làm nhiên liệu thay vì đường (glucose). Điều đó có nghĩa là bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đang thiếu nội tiết tố insulin và nên đến gặp bác sĩ.


Hơi thở có mùi có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Hơi thở có mùi có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường

5. Vi khuẩn H. Pylori

Đây là một loại vi khuẩn liên quan đến ung thư và loét dạ dày. Vi khuẩn HP thường làm hơi thở có mùi hôi, kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, ợ nóng, đau dạ dày hoặc khó tiêu. Nhiều triệu chứng trong số này sẽ biến mất khi vi khuẩn bị tiêu diệt bằng kháng sinh do bác sĩ kê toa.

6. Nhiễm trùng hô hấp

Cảm lạnh, ho và nhiễm trùng xoang có thể đẩy chất nhầy chứa đầy vi khuẩn qua mũi và miệng của bạn. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến hơi thở, tạo ra mùi khó chịu. Tình trạng hơi thở nặng mùi thường biến mất sau khi bạn khỏi bệnh cảm lạnh.

7. Một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể tạo mùi cho hơi thở vì làm khô miệng. Các loại thuốc khác như nitrat điều trị bệnh tim, hóa trị ung thư và chất an thần, giải phóng các hóa chất trực tiếp gây mùi hôi cho hơi thở. Tình trạng hơi thở có mùi hôi cũng có thể xảy ra nếu bạn dùng quá nhiều vitamin.


Sử dụng quá nhiều vitamin có thể khiến hơi thở có mùi
Sử dụng quá nhiều vitamin có thể khiến hơi thở có mùi

8. Sỏi amidan

Nếu thức ăn bị dính vào amidan phía sau cổ họng, canxi có thể tích tụ xung quanh và tạo thành sỏi amidan. Tình trạng này thường không gây hại, nhưng đôi khi sẽ kích thích cổ họng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó khiến hơi thở nặng mùi. Bạn có thể loại bỏ sỏi bằng bàn chải đánh răng hoặc tăm bông. Đánh răng thường xuyên, kết hợp với vệ sinh lưỡi và súc miệng bằng nước sau khi ăn sẽ giúp hạn chế hiện tượng này. Nên trình bày với bác sĩ nếu bạn bị mắc sỏi amidan thường xuyên.

9. Mất nước

Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, bạn sẽ không tiết đủ nước bọt, do đó vi khuẩn trong miệng cũng không được làm sạch. Chính điều này là nguyên nhân làm làm hơi thở khó chịu. Các tình trạng ảnh hưởng đến tuyến sản xuất nước bọt như hội chứng Sjögrenxơ cứng bì, cũng có thể gây khô miệng và hôi miệng.

10. Nhiễm trùng

Một vết thương hở bên trong miệng do tai nạn, phẫu thuật nướu hoặc nhổ răng... có thể bị nhiễm vi khuẩn gây mùi. Nguyên nhân của nhiễm trùng là bởi không làm theo hướng dẫn của nha sĩ hoặc không chăm sóc tốt cho răng nướu. Nếu không thể tự khỏi, tình trạng này sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Do đó, bạn nên giữ cho răng miệng sạch nhất có thể và rửa bằng nước muối vài lần mỗi ngày nếu có vết thương hoặc vết cắt.


Nhiễm trùng sau nhổ răng có thể khiến hơi thở có mùi
Nhiễm trùng sau nhổ răng có thể khiến hơi thở có mùi

11. Suy gan

Hôi miệng trong suy gan còn được gọi là Foetor Hepaticus - một mùi ngọt trái cây hoặc mùi mốc, xạ hương mạnh. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy gan của bạn không hoạt động tốt vì bệnh tình tiến triển. Bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác, bao gồm vàng da và mắt, do sự tích tụ của sắc tố bilirubin tự nhiên trong cơ thể.

12. Suy thận

Người bệnh suy thận có hơi thở nặng mùi tanh hôi do suy giảm chức năng loại bỏ chất thải. Hơi thở có mùi hôi phổ biến nhất trong suy thận giai đoạn cuối (ESRD). Lúc này, bệnh nhân thường được điều trị bằng máy lọc máu hoặc phải ghép thận.

13. Stress và trầm cảm

Người bị căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm có nguy cơ cao gặp các vấn đề sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là cơ thể do sản xuất nồng độ hormone cortisol cao, gây hại cho nướu và cơ thể. Stress và trầm cảm cũng dẫn đến chăm sóc răng miệng kém; hơn 50% người bị căng thẳng không chải hoặc xỉa răng thường xuyên. Các thói quen khác liên quan đến stress và trầm cảm, bao gồm hút thuốc, uống rượu, nghiến răng và ăn vặt cũng là nguyên nhân khiến hơi thở nặng mùi.


Một nguyên nhân có thể gây hơi thở có mùi là do stress
Một nguyên nhân có thể gây hơi thở có mùi là do stress

14. Rối loạn ăn uống

Chán ăn, chứng cuồng ăn và các rối loạn ăn uống khác không chỉ gây thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Tình trạng này cũng kích hoạt vi khuẩn sinh sôi trong miệng, cổ họng và tuyến nước bọt, cũng như khiến hơi thở khó chịu. Ngoài ra, thực phẩm còn mắc kẹt trong răng cũng là môi trường giúp vi khuẩn phát triển. Vì vậy nên đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa trước khi đi ngủ nhằm hạn chế hơi thở có mùi hôi mỗi sáng.

Để giữ răng miệng khỏe mạnh và hơi thơ thơm mát, hãy thực hành vệ sinh tốt. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày, súc miệng bằng nước sát trùng chuyên dụng 1 - 2 lần mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần lên lịch thăm khám nha khoa thường xuyên và tránh hút thuốc lá. Những thói quen tốt này không chỉ giải quyết được tình trạng hơi thở có mùi hôi, mà còn giúp phòng hoặc sớm phát hiện ra một số bệnh, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe