Nếu bạn đang bị rụng tóc nhiều dù đã thay đổi chế độ ăn uống, đã đến lúc bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Mức Ferritin thấp có thể là nguyên nhân chính dẫn đến rụng tóc. Để khắc phục được tình trạng này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung hay thực hiện các thay đổi về lối sống.
1. Tại sao thiếu sắt gây ra tình trạng rụng tóc?
Tình trạng rụng tóc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và nó có xu hướng ảnh hưởng đến cả trẻ em, người lớn ở mọi giới tính. Một trong những lý do chính khiến bạn bị rụng tóc nhiều là sự thiếu hụt chất sắt. Khi không có đủ chất sắt, cơ thể bạn sẽ không thể sản xuất ra đủ lượng hemoglobin trong máu. Những hemoglobin mang oxy, giúp sửa chữa tổn thương của các tế bào trong cơ thể, bao gồm cả các tế bào kích thích sự phát triển của tóc.
Rụng tóc do thiếu chất sắt có thể giống như tình trạng rụng tóc kiểu truyền thống của nam giới và nữ giới. Nếu bị rụng tóc, bạn sẽ nhận thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường khi chải tóc hoặc gội đầu. Đối với trường hợp nặng, bạn có thể nhìn thấy những đốm hói xuất hiện trên da đầu.
2. Mối liên hệ giữa Ferritin và tình trạng rụng tóc
Thuật ngữ “Ferritin” có thể khá mới mẻ đối với nhiều người. Thực chất, Ferritin là một loại protein trong máu, có khả năng dự trữ chất sắt cho cơ thể. Nếu bạn có mức Ferritin thấp, điều đó có nghĩa là bạn đang bị thiếu sắt và dễ gặp phải tình trạng rụng tóc.
Một số Ferritin được lưu trữ trong các nang tóc. Nhiều người cho rằng, khi bạn bị rụng tóc nhiều sẽ làm mất đi một lượng lớn loại protein dự trữ sắt này. Tuy nhiên, thực tế quá trình mất Ferritin có thể xảy ra trước khi bạn gặp vấn đề về rụng tóc.
Bất cứ thời điểm nào cơ thể bạn bị thiếu sắt, nó sẽ “mượn” Ferritin từ các nang tóc của bạn và các nguồn cung cấp khác ít quan trọng hơn đối với cơ thể khi bị ốm. Do đó, bạn cần phải bổ sung đầy đủ sắt từ các loại thực phẩm hoặc chất bổ sung sắt để giúp bạn duy trì mức Ferritin khoẻ mạnh trong cơ thể.
Ngoài thiếu sắt, mức Ferritin thấp cũng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Cơ thể bị mất nhiều máu
- Bệnh Celiac
- Phụ nữ trong thời gian hành kinh
- Áp dụng chế độ ăn chay hoặc thuần chay
- Cơ thể không dung nạp gluten
- Suy giáp
- Phụ nữ đang trong thai kỳ
3. Một số triệu chứng của mức Ferritin thấp trong cơ thể
Mức Ferritin thấp sẽ cản trở vai trò của cơ thể bạn trong việc sản xuất ra các tế bào hồng cầu. Những tế bào máu này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc vận chuyển oxy đi đến khắp mọi nơi trong cơ thể. Nếu không có đủ tế bào hồng cầu, các cơ quan và hệ thống chính của cơ thể bạn sẽ không hoạt động hiệu quả như bình thường.
Các triệu chứng của việc thiếu hụt Ferritin (protein dự trữ sắt) sẽ xảy ra tương tự như tình trạng thiếu sắt. Dấu hiệu điển hình nhất của mức Ferritin thấp là rụng tóc nhiều. Ngoài ra, nó cũng có thể kèm theo một số triệu chứng phổ biến khác, bao gồm:
- Mệt mỏi quá mức
- Chóng mặt
- Hụt hơi
- Có cảm giác thình thịch trong tai
- Đau đầu
- Chứng chân không yên
- Dễ bị gãy móng tay
- Khó tập trung
4. Mức Ferritin có ảnh hưởng như thế nào tới tuyến giáp?
Tình trạng rụng tóc nhiều thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chứng suy giáp – một chứng bệnh khiến cho cơ thể bạn không sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp như bình thường. Ngoài ra, sự thiếu hụt hormone tuyến giáp cũng có thể dẫn đến các dấu hiệu như tăng cân, uể oải, khô da và chịu lạnh kém.
Trong một số trường hợp suy giáp, rụng tóc nhiều có thể không liên quan trực tiếp đến việc thiếu hormone tuyến giáp, thay vào đó là do sự thiếu sắt. Điều này khiến cho mức Ferritin thấp và suy giáp xảy ra cùng một lúc.
Khi không có đủ lượng Ferritin (protein dự trữ sắt) trong cơ thể, tuyến giáp của bạn sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Nếu phát hiện các triệu chứng của suy giáp, bạn nên đến khám bác sĩ và kiểm tra mức Ferritin của mình.
5. Làm thế nào để điều trị rụng tóc có liên quan đến mức Ferritin thấp?
Cách tốt nhất để điều trị tình trạng rụng tóc nhiều có liên quan tới mức Ferritin thấp là tăng cường bổ sung chất sắt cho cơ thể. Nếu bạn không ăn đủ các thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như thịt bò và gan động vật, bạn có thể cân nhắc lựa chọn một số chất bổ sung sắt dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Mặc dù các loại thịt động vật có chứa hàm lượng chất sắt cao hơn nhiều so với những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, tuy nhiên bạn vẫn có thể đảm bảo nhận đủ chất sắt cần thiết cho cơ thể thông qua việc ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm giàu sắt và vitamin C cùng lúc nhằm tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm máu hoặc áp dụng chế độ ăn kiêng nếu nghi ngờ cơ thể bạn bị nhạy cảm với thực phẩm. Tình trạng không dung nạp gluten được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng hấp thụ sắt kém. Điều này cũng dẫn đến giảm mức Ferritin dự trữ và gây rụng tóc nhiều.
Thiếu vitamin D cũng là một yếu tố khác dẫn đến tình trạng rụng tóc. Vì vậy, bạn cần cố gắng bổ sung thêm nguồn vitamin D thông qua tắm nắng hoặc kết hợp tiêu thụ những thực phẩm giàu vitamin D khác vào chế độ ăn uống của mình, chẳng hạn như pho mát, cá béo và trứng.
Chưa hết, thiếu kẽm cũng thường thấy ở những người bị rụng tóc nhiều. Để ngăn ngừa được tình trạng rụng tóc do thiếu kẽm, bạn nên bổ sung thêm các nguồn thực phẩm giàu kẽm vào chế độ ăn uống, bao gồm các sản phẩm từ sữa, thịt và ngũ cốc nguyên hạt.
6. Mức Ferritin và tỷ lệ phục hồi rụng tóc thành công
Đối với trường hợp rụng tóc có liên quan đến mức Ferritin thấp (protein dự trữ sắt), tóc của bạn sẽ có khả năng mọc lại sau khi tình trạng thiếu sắt cơ bản được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất tới vài tháng để tóc mọc lại như trước, vì vậy sự kiên nhẫn chính là chìa khóa quan trọng quyết định tỷ lệ phục hồi rụng tóc thành công.
Ngoài ra, bạn nên tránh sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị tóc rụng nào trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Đối với những trường hợp rụng tóc nhiều, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng minoxidil (Rogaine) – một loại thuốc giúp điều trị chứng rụng tóc.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, những người bị rụng tóc quá nhiều có thể bị thiếu hụt một lượng lớn chất sắt. Do đó, để kích thích tóc mọc trở lại, trước hết bạn nên khắc phục tình trạng thiếu sắt nhằm giúp cơ thể sản xuất ra nhiều lượng Ferritin dự trữ hơn.
7. Rủi ro và các biện pháp phòng ngừa rụng tóc
Mặc dù việc bổ sung sắt là một điều quan trọng đối với sức khoẻ tổng thể của bạn, nhưng quá nhiều chất sắt có thể dẫn đến phản tác dụng. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết, tỷ lệ Ferritin bình thường là 20 – 200 nanogram / mililit đối với nữ giới, và từ 20 – 500 nanogram / mililit cho nam giới.
Ngay cả khi mức Ferritin của bạn thấp, việc bổ sung quá nhiều chất sắt cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Đau bụng
- Cáu gắt
- Phân đen hoặc lẫn máu
- Tăng nhịp tim
- Nôn mửa
- Giảm huyết áp
Thậm chí, quá liều sắt còn dẫn đến tình trạng suy gan và tử vong. Vì vậy, bạn không nên sử dụng bất kỳ chất bổ sung sắt nào để làm tăng mức Ferritin mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất giúp bác sĩ chẩn đoán mức Ferritin thấp. Do đó, để phòng ngừa cũng như sớm phát hiện ra tình trạng rụng tóc do giảm Ferritin, bạn nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com