Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội truyền nhiễm - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Sốt xuất huyết là bệnh do vi-rút Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, vì vậy sốt xuất huyết có thể gây ra dịch lớn. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong, gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội. Hiểu rõ về dịch tễ sốt xuất huyết cũng như mùa nào dễ bị sốt xuất huyết sẽ giúp chủ động hơn trong công tác phòng ngừa.
1. Vài nét về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm có thể lan truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi cái Ae. aegypti và Ae. albopictus. Tác nhân gây bệnh là virus Dengue, thuộc họ Flaviviridae, bao gồm có 4 tuýp huyết thanh: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Bệnh không có thuốc điều trị và vắc-xin phòng nên biện pháp phòng chống hiệu quả là ngăn chặn và kiểm soát véc tơ.
Tổ chức Y tế Thế giới phân chia sốt xuất huyết Dengue thành ba mức độ gồm: sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng.
2. Dịch tễ học của sốt xuất huyết
- Trên thế giới
Sốt xuất huyết lưu hành trên 100 quốc gia, từ vùng nhiệt đới đến cận nhiệt đới và một số khu vực khác của châu Mỹ, châu Phi, phía Đông Địa Trung Hải, khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong đó khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tất cả 4 tuýp virus Dengue hiện đang lưu hành ở khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Tuy nhiên, vì được phát hiện sớm và quản lý tốt nên tỷ lệ tử vong được báo cáo đã giảm hơn nhiều trong những năm gần đây so với số ca tử vong ở những thập niên trước 2000.
Khi bệnh sốt xuất huyết Dengue xảy ra biến chứng, khả năng gây tử vong sẽ tăng rất cao như ở Ấn Độ, Indonesia và Myanmar, tỷ lệ tử vong là từ 3-5%. Bệnh ảnh hưởng nặng ở các quốc gia Châu Á và là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em nhập viện và tử vong.
- Tại Việt Nam
Ở nước ta, dịch sốt xuất huyết xảy ra ở phía Nam chiếm ưu thế so với số ca mắc của cả nước. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 - 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hàng chục ca tử vong. Những khu vực đông dân cư có thói quen chứa nước sạch ở các dụng cụ (lu, vại, khạp, hồ...), công trường xây dựng nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước đọng là những môi trường thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Việc kiểm soát và có biện pháp ứng phó kịp thời với sốt xuất huyết là vấn đề vô cùng quan trọng. Vậy mùa nào dễ bị sốt xuất huyết?
- Mùa nào dễ bị sốt xuất huyết nhất trong năm
Sốt xuất huyết thường gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trong tháng cao. Ở miền Nam và miền Trung, sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm. Tại miền Bắc và Tây Nguyên, bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Theo số liệu ghi nhận trong năm 2019, bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10 và đặc biệt là tháng 11 - dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh. Chu kỳ của mỗi đợt dịch khoảng 3-5 năm một lần, thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ sẽ lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.
- Phương thức lây truyền
Véc tơ truyền bệnh là muỗi cái Ae. aegypti và Ae. Albopictus. Vi rút được truyền qua vết muỗi đốt, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti - loài muỗi ưa hút máu người vào ban ngày, thường là buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần nếu chưa no máu. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa khi nhiệt độ trung bình tăng trên 20 độ C. Loài muỗi Aedes albopictus ít có vai trò truyền bệnh do ít hút máu người và có thể sống ngoài thiên nhiên, rừng núi.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào dụng cụ chứa nước sạch trong nhà, quanh nhà như thùng, lu, vại, khạp chứa nước, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có nước đọng. Thậm chí trứng của muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng, khi gặp nước trứng sẽ nở ra. Trong đời muỗi cái có thể đẻ 5 lần, mỗi lần vài chục trứng.
3. Bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện ở đâu?
Ở Việt Nam, bệnh sốt xuất xuất hiện cả ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam và Tây Nguyên, từ thành thị đến nông thôn. Bệnh ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Ở một số tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc bộ, các tỉnh miền núi phía Bắc thường ít gặp hơn. Trong những năm trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại các tỉnh Bắc bộ cũng gia tăng, nhất là Hà Nội có xu hướng gia tăng nhanh. Hà Nội là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết toàn miền Bắc.
Biết được mùa nào dễ bị sốt xuất huyết sẽ giúp chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe cho người thân và gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.