Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu đường huyết không được kiểm soát tốt. Do đó, người bệnh cần chú ý thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt cần tìm hiểu về các triệu chứng bất thường và cách xử trí nhằm hạn chế nguy cơ tử vong.
1. Hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng insulin vượt mức lượng glucose trong máu. Do đó, nó còn có tên gọi là “sốc insulin”.
Hạ đường huyết thường gặp hơn ở người bị đái tháo đường tuýp 1. Tuy nhiên, người bị đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể bị giảm lượng đường trong máu do các nguyên nhân sau:
- Bỏ bữa ăn
- Tập thể dục quá sức
- Uống rượu
- Dùng quá nhiều insulin
Hầu hết người bị bệnh tiểu đường có thể nhận biết các triệu chứng của hạ đường huyết như run rẩy và đói. Theo đó, người bệnh cần lưu ý điều trị càng sớm càng tốt khi phát hiện triệu chứng nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng co giật hoặc hôn mê do tiểu đường.
Tuy nhiên, triệu chứng hạ đường huyết không phải lúc nào cũng rõ ràng, đặc biệt là với người đã bị đái tháo đường lâu năm. Thay vì xuất hiện các triệu chứng điển hình, người bị hạ đường huyết dạng này có thể có biểu hiện:
- Lú lẫn
- Nhìn mờ
- Co giật
- Ngất xỉu
Khi nhìn thấy người bị tiểu đường có biểu hiện trên, bạn cần kiểm tra đường huyết và cho người bệnh ăn 15 gram carbs từ (3 - 4 viên hoặc gel glucose, 113 gram nước hoa quả hoặc soda, hoặc một thìa mật ong / một thìa đường và chờ trong vòng 15 phút. Nếu triệu chứng không được cải thiện, bạn tiếp tục kiểm tra đường huyết và cho họ ăn thêm carbs.
Trường hợp người bệnh bất tỉnh do hạ đường huyết, bạn không nên cố cho người bệnh ăn hoặc uống. Thay vào đó, bạn nên tiêm glucagon để tăng lượng đường trong máu về mức an toàn, thuốc thường có hiệu lực sau 15 phút. Khi người bệnh đã tỉnh lại, bạn có thể cho họ uống nước ngọt hoặc nước hoa quả trong thời gian chờ cấp cứu.
XEM THÊM: Tê bì tay chân: Cảnh giác biến chứng tiểu đường
2. Nhiễm toan ceton do tiểu đường
Nhiễm toan ceton do tiểu đường là một tình trạng cấp cứu khi cơ thể thiếu insulin làm cho gan phải phân hủy chất béo thành ceton để tạo năng lượng. Sự tích tụ của ceton trong máu có thể làm thay đổi các phản ứng hóa học và đầu độc cơ thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê.
Nhiễm toan ceton là biến chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng cũng có thể xảy ra với bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ do các nguyên nhân sau:
- Không tiêm đủ insulin
- Ăn không đủ
- Có phản ứng insulin (lượng đường trong máu thấp) khi ngủ
- Người bị ốm hoặc bị nhiễm trùng, căng thẳng lớn gây đau tim và tác dụng của một số loại thuốc
Các triệu chứng ban đầu của nhiễm toan ceton là:
- Khát nước
- Khô miệng
- Đi tiểu thường xuyên
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn của nhiễm toan ceton gồm có:
- Mệt mỏi
- Da khô hoặc đỏ bừng
- Hơi thở có mùi trái cây
- Buồn nôn, nôn hoặc đau bụng
- Khó thở
- Người bệnh thấy lo lắng, bối rối, bất tỉnh
Nếu nghi ngờ người bệnh bị nhiễm toan ceton, bạn cần thực hiện xét nghiệm kiểm tra nồng độ ceton trong máu và cấp cứu kịp thời khi có triệu chứng nặng.
3. Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết (HHS)
Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết (HHS) không gặp nhiều như nhiễm toan ceton, nhưng nguy hiểm hơn. Đây là một biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 với lượng đường trong máu rất cao, trên 600 mg / dL, nhưng không có hoặc có rất ít xeton.
HHS thường gặp nhất ở người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được đang bị bệnh hoặc bị nhiễm trùng và phụ nữ mang thai béo phì mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được.
Lượng đường trong máu tăng lên trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần, khiến cơ thể phải cố gắng loại bỏ lượng glucose dư thừa bằng cách đi tiểu nhiều hơn. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, người bệnh sẽ mất nước nghiêm trọng, gây tăng đường huyết dẫn đến co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.
Triệu chứng thường gặp tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết (HHS) gồm có:
- Khô miệng
- Mát tay chân
- Da ấm, không mồ hôi
- Nhịp tim nhanh
- Sốt trên 38 độ C
- Khát liên tục
- Đi tiểu thường xuyên
- Nước tiểu sậm màu
- Buồn nôn, nôn hoặc đau bụng
- Lú lẫn hoặc ảo giác
- Nói lắp
- Yếu một bên cơ thể
Khi thấy người bệnh có biểu hiện trên, bạn cần gọi bác sĩ và đưa họ đến phòng cấp cứu hoặc ICU để được chăm sóc tích cực.
4. Tiền sản giật
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ tiền sản giật, một tình trạng nghiêm trọng liên quan đến huyết áp cao có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Theo đó, thai nhi có thể phải sinh ra khi chưa trưởng thành hoàn toàn.
Triệu chứng của tiền sản giật có thể không biến mất hoàn toàn sau sinh và cần được theo dõi thêm. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra sau sinh đối với những người trong thai kỳ không bị tiền sản giật.
Một số triệu chứng nghiêm trọng của tiền sản giật gồm có:
- Nhìn mờ, nhìn thấy các điểm sáng / đèn nhấp nháy hoặc nhạy cảm với ánh sáng
- Nhức đầu không biến mất
- Phù mặt nặng, bàn tay và bàn chân
- Đau dưới xương sườn phải hoặc ở vai phải
- Đau thắt lưng
- Tăng hơn 1kg trong một tuần
- Nôn mửa sau khi mang thai
- Lo lắng và khó thở chưa từng có trước đây
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng. Vì thế, người bệnh cần được kiểm soát đường huyết, cũng như sức khỏe chung tốt để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Nhận biết được một số trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp sẽ giúp bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có cơ hội điều trị và đảm bảo chất lượng cuộc sống về sau.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh nội tiết, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị các bệnh lý liên quan đến tiểu đường. Vì thế, trong các trường hợp khẩn cấp, người bệnh xuất hiện các biến chứng của bệnh thì người thân có thể đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com