Một số tác dụng phụ có thể gặp khi cấy que tránh thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Que cấy tránh thai được cấy dưới da cánh tay của phụ nữ sau sinh. Que cấy phóng thích progestin vào cơ thể ngăn cản sự rụng trứng và có thể sử dụng đến 3 năm. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao, tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích que cấy tránh thai đem lại, biện pháp này vẫn còn tồn tại một số tác dụng phụ khi sử dụng.

1. Cơ chế hoạt động của que tránh thai

Que tránh thai sẽ được cấy vào lớp da dưới cánh tay của người phụ nữ. Khi que tránh thai được cấy, một lượng nhỏ hormone ( hormone progestins) sẽ đi vào cơ thể người phụ nữ và cho hiệu quả tránh thai đến 3 năm.

Hormone có trong que cấy tránh thai có tác dụng ngăn ngừa sự rụng trứng, đồng thời tiết ra chất nhờn cổ tử cung bít chặt lấy cổ tử cung và ngăn không cho trứng gặp tinh trùng, đồng thời không cho trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung.

Đây là phương pháp tránh thai đạt hiệu quả cao, nhưng khi muốn mang thai trở lại thì có thể tháo lấy que cấy khỏi cơ thể bất cứ lúc nào và sự rụng trứng sẽ diễn ra bình thường.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Tác dụng phụ khi cấy que tránh thai

Que cấy tránh thai chứa hormone progestins. Hormone này được chứng minh là không ảnh hưởng đến thai nhi ngay cả khi việc sử dụng phương pháp này thất bại. Phương pháp cấy que tránh thai không ảnh hưởng đến nguy cơ thai ngoài tử cung.


Phổ biến nhất là rất nhiều trường hợp, chị em sau khi cấy que tránh thai bị rong kinh
Phổ biến nhất là rất nhiều trường hợp, chị em sau khi cấy que tránh thai bị rong kinh

Tuy nhiên, que cấy tránh thai vẫn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ:

  • Phổ biến nhất là rất nhiều trường hợp, chị em sau khi cấy que tránh thai bị rong kinh, bị rỉ máu âm đạo với lượng ít nhưng không đều. Đây là tác dụng phụ lành tính nên chị em hoàn toàn có thể yên tâm.
  • Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường: do sự biến đổi nội tiết tố nên trong một vài chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, nhiều chị em có thể thấy kinh nguyệt không xuất hiện, nếu sau 3 chu kỳ kinh vẫn không thấy kinh nguyệt xuất hiện thì nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín.
  • Nổi mụn nhiều: nguyên nhân cho tình trạng này là do nội tiết tố thay đổi, cơ thể chưa thích nghi được với lượng hormone được phóng từ que cấy tránh thai
  • Cấy que tránh thai gây ra tình trạng nám da: hormone progesterone khi đi vào cơ thể làm nội tiết tố thay đổi, khi ổn định nội tiết tố, hiện tượng nám da sẽ mờ và hết dần
  • Nhiều chị em bị ngứa sau khi cấy que: tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, tình trạng ngứa sẽ khác nhau, tuy nhiên vấn đề này không đáng lo ngại vì sẽ hết ngay sau đó. Nếu vị trí cấy que bị ngứa kèm đau sưng hoặc chảy mủ, chị em cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.
  • Nhiều chị em bị tăng cân sau khi cấy que: do sự tác động của hormone progesterone nên nhiều chị em bị tăng cân sau khi sử dụng biện pháp này, nếu ở mức độ bình thường và ổn định thì không cần lo ngại. Nếu tăng cân nhiều và liên tục, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, trong trường hợp cấy que tác động đến tuyến yên, tuyến giáp khiến tăng cân đột ngột, bạn sẽ được chỉ định tháo que và sử dụng biện pháp khác thích hợp hơn
  • Sau 1 năm cấy que tránh thai, sẽ có thể xuất hiện hiện tượng vô kinh
  • Sau cấy que, một vài đối tượng sẽ thấy mệt mỏi, dễ căng thẳng, ngực căng tức...những triệu chứng này sẽ ít xuất hiện nên chị em không cần quá lo lắng
  • Một vài chị em cảm thấy đau sau khi cấy que tránh thai: do băng ép chặt nên phải thay băng ép, đồng thời chị em cần tránh va chạm vào vùng được cấy, có thể dùng thuốc giảm đau hoặc chống viêm nếu thấy hiện tượng sưng đau
  • Vẫn có trường hợp có thai ngoài ý muốn mặc dù đã thực hiện cấy que tránh thai
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Nhiều chị em cấy que ở các cơ sở y tế không uy tín hoặc que không đạt chất lượng hoặc do quá trình vận động của cơ thể, que cấy di chuyển đến vị trí khác.

Hầu hết các tác dụng phụ của que cấy tránh thai đều sẽ mất dần đi qua thời gian. Bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn bởi các chuyên gia y tế nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn khi thực hiện cấy que tránh thai.

3. Làm gì để hạn chế tác dụng phụ của que cấy tránh thai?


Ăn nhiều trái cây và rau xanh để hạn chế tác dụng phụ của que tránh thai
Ăn nhiều trái cây và rau xanh để hạn chế tác dụng phụ của que tránh thai
  • Chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể nhanh chóng thích nghi, điều tiết khi cấy que tránh thai. Nên bổ sung rau củ quả và trái cây, đặc biệt là rau xanh.
  • Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục đều đặn giúp bạn tăng sức đề kháng, đồng thời giảm áp lực stress. Việc này vừa giúp chị em giảm cân vừa đẩy lùi tác dụng phụ của việc cấy que tránh thai
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, để được bác sĩ tư vấn và kiểm tra đồng thời có thể thực hiện rút que khi thấy cần thiết.

Cấy que tránh thai là phương pháp tránh thai hiện đại và có hiệu quả cao. Biện pháp này có thể áp dụng với nhiều đối tượng khác nhau, và không gây nhiều đau đớn, cùng mức chi phí hợp lý. Tuy nhiên, tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng que cấy tránh thai. Khi muốn thực hiện phương pháp này, cần phải đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, kiểm tra. Việc tìm hiểu kỹ trước khi quyết định lựa chọn thực hiện biện pháp này là rất cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe