Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Hải Hà- Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho bà bầu là điều cần thiết để giúp phòng ngừa uốn ván cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, nhiều thai phụ vì không hiểu rõ về lịch chủng ngừa cũng như lo sợ về những tác dụng phụ của vắc-xin mà bỏ lỡ mũi tiêm vô cùng quan trọng này.
1. Tiêm uốn ván cho bà bầu quan trọng như thế nào?
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, nguy hiểm do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh này là những người có vết thương hở ngoài da, đặc biệt là phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh qua đường cắt rốn... Đối với trẻ sơ sinh, có thể gây uốn ván sơ sinh bao gồm các biểu hiện như trẻ bỏ bú, khít hàm, co cứng toàn thân; có thể có gãy xương, khó thở. Khoảng 95% trẻ sơ sinh mắc uốn ván bị tử vong.
Hiện nay, phần lớn phụ nữ mang thai chưa từng được tiêm đầy đủ phác đồ vắc-xin phòng uốn ván trước đó nên thường không có miễn dịch với bệnh. Vì vậy, tất cả phụ nữ mang thai cần phải được tiêm vắc-xin phòng uốn ván khi mang thai để phòng bệnh uốn ván cho cả mẹ và bé.
2. Tiêm uốn ván bà bầu khi nào?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để giúp bảo vệ cả mẹ và bé trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập.
Theo Thông tư Số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng quy định phụ nữ khi mang thai cần tiêm vắc-xin phòng uốn ván với phác đồ như sau:
- Đối với người chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
- Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu (có thể tiêm từ tuần thai thứ 20 trở ra)
- Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1 (thường trước khi sinh ít nhất 1 tháng).
- Lần 3: ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau
- Lần 4: ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau
- Lần 5: ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau.
- Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu
- Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1
- Lần 3: ít nhất 1 năm sau lần 2
- Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:
- Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu
- Lần 2: ít nhất 1 năm sau lần 1
Như vậy, thời điểm, lịch tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai như sau:
- Với phụ nữ mang thai lần đầu: Trước đó chưa tiêm phòng uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ liều sẽ được tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: Được tiêm khi thai kỳ được khoảng 20 tuần trở lên, không nên tiêm quá sớm vì những tuần đầu thai nhi chưa ổn định
- Mũi 2: Được tiêm sau mũi tiêm đầu ít nhất 1 tháng và phải tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
- Với phụ nữ mang thai lần hai trở lên:
- Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai dưới 5 năm và đã tiêm đủ 2 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm 1 liều uốn ván khi thai kỳ đủ 24 tuần trở lên.
- Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 5 năm hoặc trước đó mới tiêm 1 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm 2 liều uốn ván như mang thai lần đầu.
3. Vắc-xin uốn ván hấp phụ
Đưa vắc-xin uốn ván hấp phụ TT vào cơ thể để gây miễn dịch chủ động, đặc hiệu, tạo kháng thể chống lại bệnh uốn ván. Đây là phương pháp gây miễn dịch chủ động có hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắc-xin được sản xuất từ giải độc tố uốn ván tinh chế và tá dược hấp phụ Aluminium phosphate, dùng để gây miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván cho người lớn, phụ nữ có thai, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, trẻ em. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván khi mang thai để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho con.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC của Mỹ, có thể tiêm 1 liều vắc-xin kết hợp phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho phụ nữ mang thai từ 27 tuần đến dưới 35 tuần thai, nhằm truyền kháng thể chống ho gà từ mẹ sang con, giúp phòng ho gà sớm sơ sinh. Tiêm vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván này sẽ thay thế 1 mũi vắc-xin uốn ván hấp phụ TT trong liệu trình tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai.
4. Phản ứng có thể gặp khi tiêm vắc-xin uốn ván hấp phụ
- Sốt, đau, sưng, đỏ chỗ tiêm. Tuy nhiên các triệu chứng này thường nhẹ và tự mất đi.
- Sưng hạch bạch huyết gần nơi tiêm.
- Có thể có các phản ứng toàn thân: Dị ứng, đau đầu, đổ mồ hôi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp.
- Hiếm gặp: Rối loạn chức năng thần kinh cánh tay, bả vai nhưng hiếm gặp và không liên quan đến thần kinh trung ương.
5. Vắc-xin uốn ván cho bà bầu tiêm ở đâu?
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang triển khai dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, người già, phụ nữ trước và trong khi mang thai. Trong đó có vắc-xin uốn ván hấp phụ TT của Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang – Việt Nam sản xuất. Những ưu điểm khi Quý khách hàng lựa chọn tiêm vắc-xin tại Vinmec bao gồm:
- Trung tâm tiêm chủng 5 sao có thiết kế một chiều, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, giảm thiểu lây nhiễm chéo và tạo không gian riêng tư cho khách hàng.
- Vắc-xin đa dạng, chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng, đảo bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.
- Vinmec cũng là một trong số ít các bệnh viện tuân thủ quy trình bảo quản, sử dụng vắc xin theo tiêu chuẩn quốc tế JCI của Mỹ.
- Vắc-xin được bảo quản bằng dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP với hệ thống kho lạnh hiện đại, cho phép các loại vắc xin luôn giữ được chất lượng tốt nhất.
- Trước khi tiêm, khách hàng đều được khám sàng lọc với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe tốt nhất khi tiêm chủng.
- 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
Nếu có nhu cầu tiêm chủng tại Vinmec, khách hàng vui lòng đặt lịch trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được tư vấn chi tiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Theo thông tin sản phẩm đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt.