Một số điều cần biết về sa sinh dục ở phụ nữ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sa sinh dục là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ thời xưa. Ngày nay do hiểu biết cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn nên bệnh lý này có xu hướng giảm nhiều. Đây là bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày.

1. Sa sinh dục là gì?

Sa sinh dục xảy ra khi cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và suy yếu, không thể giữ được tử cung. Do đó sa tử cung có thể gây tình trạng tử cung sa xuống, thập thò vùng âm đạo. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung, mà còn sa cả thành trước âm đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng.

Sa sinh dục là một bệnh lý có tỉ lệ cao hơn ở vùng nông thôn, bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật.

Sa sinh dục được chia thành 3 mức độ theo vị trí sa của cổ tử cung, để từ đó có chỉ định phẫu thuật phù hợp. Cụ thể

  • Sa sinh dục độ I: Cổ tử cung sa thấp trong âm đạo nhưng chưa tới âm hộ.
  • Sa sinh dục độ II: Cổ tử cung sa thập thò âm hộ.
  • Sa sinh dục độ III: Tử cung, cổ tử cung sa thấp, cổ tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ.

Sa sinh dục xảy ra khi cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và suy yếu, không thể giữ được tử cung
Sa sinh dục xảy ra khi cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và suy yếu, không thể giữ được tử cung

2. Nguyên nhân gây ra sa sinh dục

Có nhiều nguyên nhân gây ra sa sinh dục bao gồm:

  • Chửa đẻ nhiều lần, đẻ dày, đẻ tại nhà.
  • Đẻ không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật tại cơ sở y tế không có đủ trình độ, chuyên môn
  • Rách tầng sinh môn không được khâu.
  • Lao động nặng, lao động sớm sau đẻ làm tăng áp lực vào đáy chậu còn mềm yếu dễ gây nên sa sinh dục.
  • Các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng khác như nghề nghiệp phải gánh gồng nặng, táo bón trường diễn, ho kéo dài,...
  • Ngoài ra có thể do cơ địa bẩm sinh ở người chưa đẻ lần nào.

3. Một số điều cần biết về sa sinh dục

Cần phát hiện sa sinh dục khi có các biểu hiện sau:

  • Phát hiện khối sa lồi vùng âm hộ, tầng sinh môn. Ban đầu kích thước khối sa nhỏ, sa không thường xuyên, xuất hiện khi lao động hoặc đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt vào trong âm đạo hoặc tự đẩy lên được. Càng về sau khối sa thường xuyên, không đẩy lên được nữa.
  • Tức nặng vùng bụng dưới
  • Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện (do bàng quang và niệu đạo bị sa): Đái khó, đái buốt, són đái, đái ra máu, bí đái.
  • Rối loạn đại tiện (do sa trực tràng): Đại tiện khó, táo bón, hay có cảm giác mót rặn, tức nặng vùng hậu môn.
  • Chảy máu, dịch từ cổ tử cung do cổ tử cung bị viêm nhiễm, cọ sát.

Bệnh nhân cần được đánh giá kích thước, mức độ và các thành phần trong khối sa sinh dục qua thăm khám. Quá trình thăm khám cần đánh giá:

  • Cổ tử cung có tổn thương viêm loét, phì đại hay không
  • Cho bệnh nhân ngồi rặn hoặc ho để khối sa sinh dục xuất hiện rõ hơn (nếu sa không thường xuyên).
  • Đánh giá mức độ dính của chúng trong trường hợp có vết mổ cũ, từ đó tiên lượng và dự kiến phương pháp phẫu thuật.
  • Thăm trực tràng: mục đích để đánh giá mức độ sa trực tràng và độ dày của phần trực tràng – âm đạo giúp cho việc thực hiện phẫu thuật an toàn, đề phòng tổn thương trực tràng.
  • Đánh giá tình trạng tầng sinh môn và cơ nâng hậu môn.

Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa sinh dục. Điều trị nội khoa chỉ áp dụng đối với sa sinh dục độ I hoặc sa độ II, III nhưng bệnh nhân quá già, quá trẻ, hoặc có bệnh toàn thân chống chỉ định phẫu thuật.

4. Cách phòng tránh – dự phòng sa sinh dục


Cần lưu ý không nên mang thai và đẻ quá gần nhau, tránh trường hợp sa sinh dục
Cần lưu ý không nên mang thai và đẻ quá gần nhau, tránh trường hợp sa sinh dục

Cần lưu ý không nên mang thai và đẻ quá gần nhau, tránh trường hợp sa sinh dục

Các biện pháp phòng tránh dự phòng sa sinh dục bao gồm:

  • Không đẻ tại nhà. Thai kỳ cần được theo dõi trong suốt quá trình mang thai và quá trình chuyển dạ tại các cơ sở y tế uy tín đỡ đẻ an toàn, đỡ đẻ đúng kỹ thuật.
  • Theo dõi sát quá trình chuyển dạ không để chuyển dạ quá dài, không rặn đẻ quá lâu. Sản phụ cần được hướng dẫn cách rặn đẻ đúng kỹ thuật.
  • Các thủ thuật sản khoa phải làm đúng chỉ định, đúng kỹ thuật và đủ điều kiện tránh gây sang chấn cho âm đạo và tầng sinh môn.
  • Nếu rách tầng sinh môn thì cần phải được khâu lại
  • Sau khi sinh người mẹ cần được nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gắng sức, lao động nặng, lao động tay chân sớm
  • Không nên đẻ dày.
  • Đối với những bệnh mãn tính thường xuyên gây tăng áp lực lên ổ bụng (táo bón trường diễn, ho kéo dài...), cần được phát hiện và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe